Người đàn ông dựng lều trước cửa nhà hàng xóm để đòi lại nhà cũ

Ông không ngờ mình là một con tốt trong ván cờ đã được “bày binh bố trận” hơn 10 năm của người “vợ hờ”.

Chấp nhận nuôi đứa con không phải là máu mủ, đồng ý sang tên giấy tờ nhà cho “vợ”, để cuối cùng người đàn ông có nhà cửa đàng hoàng phải sống như kẻ vô gia cư trong chiếc lều dựng tạm trước cửa nhà hàng xóm.

Cô giúp việc cao tay

Túp lều được che chắn tạm bợ bằng một vài miếng nhựa phế liệu, tấm tôn gỉ sét, không gian bó hẹp tới mức người chui vào trong đó chỉ có thể ở được với hai tư thế: nằm hoặc ngồi bó gối khom lưng. Đó chính là “thủ phủ” “hình tam giác” của ông Đinh Viết Từ (64 tuổi, ngụ 22H Tân Trụ, Q. Tân Bình, TP.HCM). Đã hơn 1 năm nay, tất cả sinh hoạt từ ăn, nằm, ngủ, nghỉ của lão “gàn” Đinh Viết Từ chỉ quay quanh túp lều “hình tam giác”.

Lão Từ ngồi trong “thủ phủ” của mình để trú mưa

Người ta gọi ông là lão “gàn” kể cũng có lí. Lão tá túc trong “thủ phủ” được dựng ngay trước cổng của ông Minh hàng xóm và gây ra không ít phiền toái cho gia chủ. Chính quyền địa phương nhiều lần mời lão lên làm việc, ông hàng xóm vài lần “đuổi khéo” nhưng lão vẫn nhất quyết không đi. Bởi lão có lí do riêng: “Vợ tôi bán nhà ôm tiền bỏ về quê hết cả rồi. Giờ tôi không còn nhà cửa để về nên dựng tạm lều ở gần nhà cũ của mình để đòi lại. Tôi ở đây, đèn thì tôi xài tạm đèn đường, nước thì xin của nhà ông Minh. Khi nào đòi được nhà khi đó tôi sẽ dọn đi”, lão trả lời như thế mỗi khi có người ái ngại hỏi han.

Kể từ đấy, lão bỗng nổi tiếng một cách “bất đắc dĩ”. Nhiều người đi qua thắc mắc thay cho lão, từ đâu nên nỗi tán gia bại sản vì…vợ? Dù đang trải qua cuộc sống chẳng khác nào thời “nguyên thủy” nhưng khi tiếp xúc ở lão vẫn toát lên “cốt cách” của một người từng có cuộc sống sung túc. Rít dài vài ba hơi thuốc lào, nhả khói cười nhếch mép, lão “gàn” mới thộ lộ rằng, lão quê Bắc Ninh vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1975. Nhờ tích cóp được số vốn kha khá, năm 1990 lão quyết định mở xưởng may tại gia. Công việc làm ăn phát đạt, từ một cơ sở may mặc nhỏ lẻ, lão đã đẩy thành cơ ngơi một Doanh nghiệp tại gia mang tên Đinh Viết Từ. Hồi đấy, doanh nghiệp của lão còn dành được cả hợp đồng béo bở xuất hàng qua nước bạn.

Thế nhưng đời sống hôn nhân của lão không mấy suôn sẻ. Dù đã có với nhau mấy mặt con, nhưng lão và người vợ chung sống nhiều năm đành li thân vì lí do: không hợp. Trên mặt pháp lí, lão và vợ chưa tiến hành li hôn nên hai người vẫn sống chung dưới cùng một mái nhà. Tuy nhiên, như lão nói “nhà thì chung, chứ thân ai người nấy lo”. Bận bịu công việc làm ăn, lão đâm ra không còn thời gian tự chăm sóc bản thân. Năm 2004, lão ra trung tâm giới thiệu việc làm quận Tân Bình tìm người giúp việc. Sau một hồi sàng tới sàng lui, lão cũng “chấm” được một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Huệ, 32 tuổi, quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Từ ngày có cô giúp việc, chuyện ăn uống lão không phải bận tâm, vì đã có Huệ lo. Chỉ độ vài tháng sau, lão và cô giúp việc đã có bước tiến xa hơn. Mọi chi tiêu của lão đều giao cho Huệ quản lí vì lão trót sinh tình với người ta. Thế nhưng chưa đầy bốn tháng sau, Huệ bảo với lão đã mang bầu, và đứa con trong bụng chính là máu mủ của lão. Lão biết mình đã “dính chấu” cô Huệ. “Khi nghe cô ta thông báo, tôi “nhẩm tính” cũng biết đứa con trong bụng không phải của mình. Nhưng trước khi tôi mướn Huệ về thì cô đã có một đứa con trai 2 tuổi. Ở quê không chồng mà chửa nên khi sinh đứa con trai người tình trước hai mẹ con phải ra ngoài đồng. Tôi cũng đã có dịp về quê thăm họ hàng của Huệ, bố mất nên cô ấy phải lo cho mẹ già, người ở quê tuy nghèo nhưng thật thà, chất phác. Tôi nghĩ đến cái tình, cái nghĩa nên vẫn chấp nhận đứa con trong bụng là con ruột”, lão giãi bày.

Từ đấy, cô giúp việc tỉnh lẻ nghiễm nhiên trở thành “ vợ nhỏ” của một ông chủ doanh nghiệp may mặc. Lão bảo: “Khi Huệ sinh con tôi đã 52 tuổi, tôi hơn cô ấy đúng 20 tuổi. Vợ cũ ở chung nhà biết rõ mối quan hệ giữa tôi và người giúp việc nhưng bà ấy vốn là người điềm đạm nên chưa bao giờ xảy ra chuyện đánh ghen, cãi vã với vợ hai. Ngày đó nhà tôi ở đường Cộng Hòa, vì muốn lo cho hai mẹ con Huệ cuộc sống thoải mái, nên năm 2007 tôi bán căn nhà cũ đi rồi chia cho vợ cả, hai đứa con lớn một số tiền. Số còn lại, tôi đem mua căn nhà rộng 160m2, hai mặt tiền ở đường Tân Trụ này”. Theo lời lão Từ thì về sống chung như vợ chồng nhưng cả hai vẫn chưa đăng kí kết hôn vì lão với vợ cũ chỉ mới li thân.

Lão bảo mặc dù biết rõ thằng bé không cùng huyết thống, nhưng lão đã thông báo với họ hàng đứa bé chính là con lão. “Thằng nhỏ kháu khỉnh lắm, khuôn mặt sáng sủa trông rất thông minh. Tôi đã xin được cho thằng bé vào học ở trường Quân khu 7. Chỉ tại mẹ nó đem về quê không thì giờ nó vẫn ở cạnh tôi”, nói rồi giọng lão bỗng chùng xuống. Theo như lời Đinh Viết Từ, năm 2010 Huệ ngỏ ý muốn mở quy mô làm ăn, nên cần một số vốn kha khá. Lão vốn tin tưởng cô vợ nhỏ vì trong mắt lão “Huệ là người khéo léo biết tính toán làm ăn” nên thế chấp căn nhà đang ở và vay được 1 tỷ đồng. Lão không ngờ rằng, cô “vợ hờ” đang từng bước mưu toan chiếm đoạt số tài sản lão đang có.

Mất cả chì lẫn chài

Từ ngày tin tưởng và giao gần như toàn bộ số vốn cho “vợ hờ”, công việc làm ăn chẳng thấy hiệu quả đâu. Lão chỉ thấy số tiền cả vốn lẫn lãi thất thoát quá nhiều. Tìm hiểu, lão mới té ngửa thì ra cô Huệ đem tiền gửi về quê đến thâm hụt cả vốn. Công việc làm ăn bỗng chốc tuột giốc không phanh. Một năm sau, lão bàng hoàng khi bỗng dưng một ngày thức dậy không thấy “vợ con” đâu cả. Lão cuống cuồng đi tìm, về đến quê vợ ở Hà Tĩnh lão mới hay cô Huệ đã sang Thái Lan. Không còn cách nào khác, bất lực lão thất thểu quay vô lại Sài Gòn. Công việc làm ăn đổ bể, lão không còn thuê nhân công mà một mình lão tự nhận hàng rồi tự may để bán. Thi thoảng, ai thuê sửa máy móc may mặc lão cũng nhận làm. Lão phân trần, không phải lão hết tiền vì còn khoản tiền dành dụm cũng đủ lão sống cả đời, nhưng lão không muốn bản thân được thảnh thơi sẽ nghĩ về người vợ bạc bẽo.

Lão Từ chỉ mong đòi lại nhà để thoát cảnh tạm bợ

Thế nhưng, bẵng đi hai năm sau, lão nhận được cuộc điện thoại, đầu dây bên kia chính là cô vợ hờ: “Việc làm ăn thua lỗ, Huệ nghe nhiều người ở quê kháo nhau sang Thái Lan biểu tình thuê, mỗi ngày cũng được 500 ngàn nên trốn tôi đem hai đứa nhỏ về quê rồi đi. Nhưng đâu phải ngày nào cũng có biểu tình cho cô ấy làm, dăm thì mười họa mới có một lần. Sau hai năm bên xứ người, cuộc sống khó khăn Huệ tìm về quê. Về được mấy ngày Huệ điện thoại vào than thở với tôi đứa con trai đầu của người tình trước bị thiếu máu não nhưng không có tiền chữa bệnh. Tôi bảo: thế thì đem vào đây tôi chữa”, lão kể.

Đinh Viết Từ nói với tôi “con người ngoảnh mặt đi thì dại, ngoảnh mặt lại thì khôn”. Lão nghĩ vậy nên khi nghe Huệ xin lỗi, mong nối lại tình xưa lão đã chấp nhận. Lão thừa sức có tiền chữa bệnh cho thằng bé nên ngay khi “vợ hờ” đem đứa bé vô, lão tức tốc ôm nó đến bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để chữa trị. Lão còn lo cho hai đứa bé ăn học đàng hoàng. Dù không nói ra nhưng trong thâm tâm lão đinh ninh từ nay cô Huệ sẽ ở bên cạnh lão, ở mãi cho đến khi lão nhắm mắt xuôi tay.

Câu chuyện của lão bị gián đoạn bởi cơn mưa như trút nước giữa tháng 6 Sài Gòn. Trời mưa, trên người không manh áo, độc mỗi chiếc quần lửng, lão ngồi thụt sâu trong lều nhưng vẫn bị nước mưa tạt vào, vì lều không có mái che phía trước. Để che giấu cái lạnh, cái đói lão rít vài hơi điếu thuốc lào sòng sọc. Trầm ngâm, lão chậm rãi bảo: “Tôi không ngờ, lòng dạ đàn bà lại hiểm đến thế. Bản chất con người khó mà được cảm hóa trong ngày một ngày hai. Trải qua biết bao chuyện ở đời vậy mà ở tuổi xế chiều vẫn bị vợ lừa. Mà lại lần này hết lượt khác…”

Lần này cô vợ hờ lại tỉ tê muốn được có chút vốn làm ăn, để mong kéo lại cả vốn lẫn lời bị thất thoát trước đây. Lão nghe thấy cũng suy nghĩ, đắn đo, lão nghĩ đến khoản nợ 1 tỷ chỉ sau hai năm đã chồng lãi lên đến 1 tỷ 6 trăm triệu đồng. “Đúng lúc này người đứng ra cho vay đáo hạn họ trả lại thành ra nợ xấu mà tôi lại già cả nên không thể đứng ra vay tiền ngân hàng. Chỉ còn cách duy nhất là Huệ đứng tên mới vay được. Tôi nghĩ mình cũng già, với lại căn nhà này trước sau gì cũng để lại cho cô và đứa con thứ hai mà tôi xem như ruột rà. Vậy nên tôi quyết định sang tên cho Huệ”, lão nhớ lại.

Theo như lời lão, sau khi được chồng sang tên, cô Huệ đã đem về cho gã giấy tờ ngân hàng bảo đã làm xong thủ tục vay vốn. Sau này lão mới tá hỏa đó chỉ là giấy tờ giả mà cô vợ hờ lập mưu để mong chiếm đoạt số tài sản của lão. Đúng một tháng sau khi được sang tên đứng giấy tờ nhà cửa, cô Huệ bỗng “dở chứng” lấy kéo cắt tóc, kiếm cớ sinh sự rồi đùng đùng bỏ nhà đi. Thấy vợ dắt hai đứa nhỏ đòi về quê, lão chạy ra cửa can ngăn nhưng bị xô ngã đến ngất xỉu. Hàng xóm thấy vậy vội đưa lão vô nhà. Mấy hôm sau, lão tìm về quê vợ để đòi lại giấy tờ nhà nhưng cô Huệ không đưa còn đánh lão một trận nhừ tử.

Lão chỉ tay ra phía trước: “Tôi nhớ rõ lắm, hôm đấy trời còn mưa lớn hơn cả thế này nữa. Huệ bay vô lại Sài Gòn còn đi cùng với bốn năm người. Cô ấy tuyên bố nhà đã bán cho người khác, rồi kêu người gom hết đồ đạc lên xe tải chở đi và còn lấy tiền tôi dành trong két sắt. Tôi nhớ mãi câu nói của Huệ: “Nhà thì tôi bán rồi, ông không phải chồng tôi, con tôi không phải con ông”. Sau đó đuổi tôi ra đường. Sự việc đường đột tôi không kịp trở tay, khi kêu công an đến lập biên bản thì bọn họ cũng đi mất hút rồi”.

Từ một người có nhà cửa bề thế nay lão bỗng chốc thành kẻ vô gia cư. Con cái của người vợ trước hay chuyện lão đang sống trong túp lều nên đến đưa lão về sống cùng. Nhưng bị lão đuổi thẳng cổ và lão nhất quyết không đi. Tôi thắc mắc, lão thở dài bảo: “Thực ra trước đây vì chấp nhận đứa con thứ hai của Huệ là con đẻ nên tôi bất chấp lời khuyên của mọi người. Giờ cảnh này quay lại sống với tụi nó tôi không còn mặt mũi nào. Tôi đã làm đơn gửi đi chính quyền rồi. Khi nào đòi được nhà tôi sẽ dọn đi”. Người ta gọi lão “gàn” cũng có lí vì đã đến nước này còn “sĩ”.

Trong túp lều tạm bợ, lão chỉ kê được mỗi tấm nệm cũ hoen ố, bên trên trải chiếc chiếu mỏng. Lão bảo, đây đều là những đồ hàng xóm cho vì họ thương lão. Sáng thì lão đi loanh quanh, ai thuê gì làm nấy, đêm thì đi nhặt ve chai cũng được 20 -30 ngàn. Lão cười gượng: “Trưa tôi hay ăn cháo ở quán người chủ quê Quảng Ngãi nấu. Biết hoàn cảnh, họ lấy mỗi bữa có 10 ngàn thôi. Đêm về nhiều khi trời mưa, lạnh thì có lạnh nhưng tôi cứ quấn tấm ni lông vô rồi ngủ là ổn rồi”. Khi có ai hỏi lão vẫn thường tỏ ra ung dung tự tại nhưng thực ra tâm can lão đang nổi sóng…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Việt, phó chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình cho biết: Qua xem xét, chúng tôi thấy đúng là ông Đinh Viết Từ có dựng lều trước nhà ông Minh hàng xóm. Việc ông Từ dựng lều trước cửa nhà người khác sinh sống là không đúng. Tuy nhiên, với hoàn cảnh vừa mất nhà của ông ấy, người ta có thể chia sẻ được nỗi đau mà ông đang gặp phải.

Lâu nay phường đang cố vận động ông tháo dỡ. Phường cũng sẽ đi tìm hiểu để xem có thể hỗ trợ phần nào kinh phí cho ông về quê không. Thời gian tới đây, nếu ông Từ vẫn kiên quyết không đi, phường sẽ tiến hành cưỡng chế để giải quyết dứt điểm vụ việc. Đại diện Công an phường 15 cho biết: Việc đòi lại nhà của ông Đinh Viết Từ xem ra rất khó. Công an sẽ phối hợp với UBND phường xử lý vụ việc.


*Tên một số nhân vật đã được thay đổi

Khôi Nguyên/VietNamNet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.