Phẫn nộ tẩy chay những cây xăng “bẩn”

Những chiêu trò móc túi khách hàng tại các cây xăng làm ăn bất chính đang gây bức xúc dư luận. Một trong những phản ứng sau khi sự việc này được phanh phui, đó là việc tẩy chay không mua xăng ở những cây xăng “bẩn”.

Những chiêu trò móc túi khách hàng tại các cây xăng làm ăn bất chính đang gây bức xúc dư luận. Một trong những phản ứng sau khi sự việc này được phanh phui, đó là việc tẩy chay không mua xăng ở những cây xăng “bẩn”.

Tẩy chay những cây xăng "bẩn"

Những thủ đoạn gian lận tại cây xăng số 342 đường Phạm Văn Đồng; cây xăng trên đường Nghiêm Xuân Yêm (Thanh Trì, Hà Nội) được báo chí “vạch mặt” đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Người dân bức xúc vì hành vi gian lận của những nhân viên làm ăn bất chính.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đối với nhiều người, hành vi gian lận đó chỉ là của những nhân viên đơn lẻ hay là sự gian lận của cả đơn vị kinh doanh cây xăng đó?

xăng dầu, móc túi, cây xăng bẩn, phẫn nộ, tẩy chay
Thủ đoạn thủ công của các nhân viên cây xăng bẩn đã lừa gạt khách hàng trong một thời gian rất dài khiến dư luận bức xúc. (ảnh minh họa).

 

Mánh khóe mà các nhân viên này sử dụng, đó là lợi dụng khách hàng không để ý đã bơm nối hoặc phối hợp với nhau bấm số ảo để móc túi khách hàng.

Anh Ngô Văn Tuấn, khách hàng đã từng mua xăng tại cây xăng số 342 đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) bức xúc: “Tôi đã đổ xăng ở đây từ những ngày đầu mới mở và cũng đã bị một nam nhân viên ở đây định ăn gian bằng cách bơm nối tiếp cho ô tô sau khi bơm xe máy. Khi tôi nói thẳng là trừ đi 100 nghìn do đã đổ cho xe máy thì nhân viên này ngượng quá và mãi mới chịu trả lại tôi 100 nghìn".

Rõ ràng là cây xăng này ăn gian có hệ thống từ lâu. Sau lần ấy, tôi đã không bao giờ đổ xăng ở đây nữa. Trước khi chờ vào sự giải quyết của cơ quan chức năng tôi kêu gọi mọi người hãy tẩy chay cây xăng này, không mua xăng ở đây nữa để tự bảo vệ túi tiền của mình”- anh Tuấn chia sẻ.

Chị Nguyễn Minh Hạnh, một “nạn nhân” từng bị “móc túi” tại cây xăng này cho biết: “Cây xăng này nhân viên“gấu” lắm. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhân viên và khách hàng xô xát, bà ta và một nhân viên nam chửi bậy kinh khủng, cầm mấy thanh sắt to chạy theo khách hàng để hành hung. Chẳng ai dám can”.

xăng dầu, móc túi, cây xăng bẩn, phẫn nộ, tẩy chay
Rất nhiều người chủ trương tẩy chay không mua xăng tại các cây xăng "bẩn" (ảnh minh họa).

Bất ngờ hơn, khi đoàn công tác của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cùng lực lượng chức tiến hành kiểm tra đơn vị này, Phó chi cục trưởng Nguyễn Đắc Lộc phát hiện nhiều đinh ốc gắn kèm trên các cột bơm xăng. Ông Lộc nghi ngờ đinh ốc này được nhân viên bơm xăng biến chất sử dụng để phục vụ cho việc gác cò bơm xăng kênh lên với mục đích giữ cho máy bơm xăng ở chế độ chờ để bơm nối số.

Với những thủ đoạn gian lận bị vạch trần tại cây xăng này, nhiều khách hàng đã lên tiếng tẩy chay không mua xăng tại đây.

Thời điểm tháng 11/2010, nhiều người dân đã kéo đến bủa vây cây xăng Hưng Thịnh (thị trấn Quốc Oai) đòi bồi thường vì mua phải “xăng nước lã” khiến xe không đi được. Ngay sau đó, Công an huyện Quốc Oai đã niêm phong, xử lý hành vi gian lận của cây xăng này.

Anh Nguyễn Trọng Tuyến (người dân xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: từ khi sự việc được phát giác, anh đã “cạch” không đổ xăng tại đây. Rất nhiều người cũng đã "tẩy chay" cây xăng này khiến cây xăng rơi vào tình trạng ế ẩm.

"Nhiều lần tôi đi qua thấy cây xăng ghi biển “Hết xăng”, thực tế là những ai biết sự việc chủ kinh doanh đổ nước lã vào xăng để bán cho khách đều không quay trở lại đây lần nào nữa" – anh Tuyến cho biết.

Với thủ đoạn thủ công này, nhiều nhân viên tại các cây xăng đã gian lận, móc túi khách hàng trong một thời gian rất dài nhưng không ai biết. Những người “nghi ngờ” khi thắc mắc thường bị các nhân viên này chống chế, ngụy biện. Tâm lý không muốn kỳ kèo, đôi co, nhất là khi khách hàng chỉ đổ vài chục ngàn đồng nên không ai muốn “mất thời gian” đối chứng với nhân viên cây xăng.

"Gian lận tập thể trắng trợn"

Đưa quan điểm cá nhân về hành vi gian lận này, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói, đó là hành vi gian lận không phải của một cá nhân mà là của một tập thể cần được lên án.

xăng dầu, móc túi, cây xăng bẩn, phẫn nộ, tẩy chay
"Tiếp tay" cho hành vi lừa đảo này có cả lỗi lơ là, thiếu tập trung của khách khi bơm xăng. (hình minh họa).

Ông Tuấn phân tích: sử dụng xăng là nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống thường ngày của người dân. Sự bất ổn của giá xăng trong thời gian qua không vì thế mà người dân "nhịn".

Tuy nhiên,việc điều chỉnh giá xăng tăng một ngàn đồng, vài trăm đồng/lít không đáng là bao so với việc bị móc túi bởi chính những nhân viên bán hàng.

"Anh mua 50.000 đồng tiền xăng, nhưng thực tế anh chỉ nhận được 20 - 30.000 đồng, bị móc túi gần 50% số tiền anh chi trả. Không phải một lần và cũng không phải một người, mà nó lặp lại nhiều lần và với nhiều người.

Làm một phép tính đơn giản, 50 người bị "móc túi" trong một lúc, một ngày, nhân viên gian lận đó móc túi được 1 triệu đồng. Hành vi đấy là hành vi ăn cắp trắng trợn, mà nó diễn ra công khai và từ rất lâu".

Phân tích nguyên nhân của hành vi này, ông Tuấn nói, có lỗi của người tiêu dùng, lỗi của người quản lý (chủ cây xăng) đối với nhân viên của mình, và lỗi của các cơ quan chức năng.

"Tại những cây xăng có nhân viên gian lận, nếu gặp phải khách hàng cẩn thận, giám sát nhân viên bơm xăng, họ không dám làm "thủ thuật". Những nhân viên này chỉ dám "móc túi" những người lơ là, thiếu cảnh giác. Lỗi thứ hai là do chủ cây xăng đã thiếu trách nhiệm quản lý, giám sát nhân viên của mình.

Cuối ngày, các cây xăng phải kiểm đếm lại lượng xăng tồn trong kho, kiểm đếm lượng xăng tiêu thụ và số tiền thu về... để vào sổ sách... Không thể nói không biết được nhân viên của mình như thế nào".

Theo ý kiến của mình, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, ông Tuấn nói: "Thiết bị, máy móc tại các cây xăng là các thiết bị được giám sát và kiểm định, do đó, hành vi gian lận này không phải lỗi của máy móc.

Nó là hành vi của con người - những nhân viên bán xăng kiêm nghề "móc túi". Trong lúc chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng phải bảo vệ mình trước, cảnh giác cao độ và không được lơ là".

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.