'Nữ hoàng' Ngân gốm bị bắt, lật lại những hotgirl online lừa đảo tiền tỷ

Ngày nay, việc mua bán online trở nên phổ biến. Đây là kênh bán hàng tiện lợi, giúp nhiều người có thu nhập cao. Song, không ít đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để lừa đảo bằng chiêu thức tinh vi.

Chiêu bán hàng siêu rẻ của Ngân "gốm"

Đỗ Thị Kim Ngân (SN 1985, trú tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) vừa bị Công an tỉnh Thanh Hoá bắt giữ. Ngân bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung tố cáo, Ngân đã sử dụng tài khoản Facebook: Đỗ Thị Kim Ngân Paula, Ngân gốm; tài khoản Zalo Ngân "gốm" để livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ngân cũng bỏ tiền để chạy quảng cáo trên Facebook khiến cho những món hàng thường xuyên hiện lên trang của những tín đồ mua sắm.

Nữ hoàng Ngân gốm bị bắt, lật lại những hotgirl online lừa đảo tiền tỷ-1
Đỗ Thị Kim Ngân.

Trên trang Facebook, Ngân tự phong mình là “nữ hoàng làng gốm” Bát Tràng. Ngân khoe sở hữu một cửa hàng gốm sứ lớn nhất làng. Ngân luôn khẳng định những sản phẩm gốm sứ đẹp mắt ấy là do chính tay mình làm ra, được khử chì theo công nghệ tiên tiến nhập ngoại. Nhưng thực ra, đây không phải là cửa hàng của Ngân mà là cửa hàng của người khác, Ngân chỉ nhờ để bán hàng, chụp ảnh rồi lấy hàng ở đây bán cho khách.

Sau khi “lộ bài”, Ngân chuyển sang bán thập cẩm các món hàng như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng cho đến xe đạp, giường tầng... và lấy địa chỉ mới.

Bằng chiêu thức bán hàng siêu rẻ - bất kỳ món hàng nào Ngân cũng để giá rất thấp, chỉ bằng 50% hay 1/10 giá thị trường, Ngân tiếp tục khiến nhiều người sập bẫy.

Thông tin về những món hàng mà Ngân rao bán được đưa ra hết sức mập mờ. Ví dụ như đồng hồ hàng hiệu Versace thì Ngân ghi là đồng hồ Versac hoặc chỉ đăng ảnh hàng thật, còn sau đó sẽ chuyển hàng fake cho khách. Khi nhận được tiền khách chuyển thì Ngân sẽ chặn số liên lạc, chặn Zalo, Facebook.

Đáng chú ý, Ngân còn dùng việc bán hàng để kêu gọi cứu trợ thiên tai, vùng kinh tế khó khăn. Mục đích của Ngân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua hàng.

Hotgirl ‘hàng hiệu’ chuyên lừa đảo tiền đặt cọc

Đầu tháng 5, Công an Sơn La ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam 2 đối tượng: Trần Nguyễn Diệp Anh (SN 2003, trú TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) và Nguyễn Trung Sáng (SN 2000, trú huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cưỡng đoạt tài sản.

Theo cơ quan công an, từ 5/2020 đến tháng 2/2021, Diệp Anh đã sử dụng nick Facebook “Tran Nguyen Diep Anh” thường xuyên đăng bài bán hàng online các mặt hàng túi xách, giày, đồng hồ... Với những chiếc túi xách, những đôi giày lên tới cả chục triệu đồng, lại được giảm giá hấp dẫn... trang Facebook của cô chủ hot girl xinh đẹp chẳng mấy thu hút các tín đồ hàng hiệu.

Nữ hoàng Ngân gốm bị bắt, lật lại những hotgirl online lừa đảo tiền tỷ-2
Hình ảnh trên Facebook của Diệp Anh sử dụng để bán hàng.

Đến tháng 11/2020, khi hoạt động kinh doanh có nhiều dấu hiệu sa sút, Diệp Anh đã nghĩ cách để lấy lại thương hiệu bằng cách thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook. Nạn nhân Diệp Anh nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, những người có điều kiện về kinh tế có nhu cầu mua những món hàng hiệu "xách tay" mà lại ham hàng giảm giá; những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online nhập sỉ hàng hiệu để kiếm thêm thu nhập.

Diệp Anh sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận tiền đặt cọc mua hàng của khách nhưng không giao hàng cho họ. Với mánh khóe tinh vi, "hot girl" hàng hiệu đã đưa được hàng chục khách hàng vào bẫy lừa, chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Tháng 10/2020, Diệp Anh thuê Sáng chặn Facebook của một số người, đồng thời thuê Sáng bảo mật tài khoản, tăng lượng người theo dõi trên Facebook. Sáng biết Diệp Anh lợi dụng hình thức bán hàng online và lừa đảo khách hàng nên đã nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản của Diệp Anh.

Từ ngày 9-11/1/2021, Sáng sử dụng Facebook ảo là “Minh Hằng” nhắn tin đe dọa, uy hiếp tinh thần Diệp Anh, nếu Diệp Anh không chuyển tiền sẽ đăng tin lên group “Tín đồ hàng hiệu”, bóc phốt, hạ uy tín, không cho Diệp Anh kinh doanh. Do lo sợ nên Diệp Anh đã chuyển cho Sáng 100 triệu đồng.

Nữ quái bán hàng online lừa đảo gần 600 triệu bằng Facebook giả

Theo cơ quan điều tra, lợi dụng nhu cầu mua bán hàng hóa online tăng cao trong dịp Tết, đầu tháng 12/2020, Trần Thị Bích Nhân (26 tuổi, trú TP.HCM) lên mạng xã hội tìm mua 2 tài khoản Facebook có lượng lớn bạn bè theo dõi, đã bị "hack", rồi đổi tên thành “Như Như Phạm” và “Trinh Trinh” để đăng bán các mặt hàng socola, bánh kẹo, quần áo ngoại nhập có thương hiệu chất lượng cao, thậm chí rao bán khẩu trang y tế phòng, chống dịch Covid-19...

Nhân còn vào các hội nhóm bán hàng trên Facebook để săn tìm “con mồi”.

Do mất cảnh giác, cùng với vai diễn quá khéo của Nhân khi cùng lúc đóng hai vai người bán và người cần mua lượng lớn nguồn hàng socola Mỹ để tiêu thụ trong dịp Tết nên có nhiều người trên cả nước đã bị sập bẫy lừa.

Nữ hoàng Ngân gốm bị bắt, lật lại những hotgirl online lừa đảo tiền tỷ-3
Trần Thị Bích Nhân

Thủ đoạn của Nhân rất tinh vi. Khi nạn nhân "dính câu", Nhân liên tục hối thúc nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của những người mua bán tiền điện tử Win để họ chuyển vào ví tiền điện tử của Nhân nhằm xóa dấu vết tội phạm. Sau đó, Nhân rao bán lại số tiền điện tử này thông qua sàn giao dịch Wefinex để rút ra tiền Việt Nam đồng để chiếm đoạt.

Sau khi “ăn chặn” được số tiền đó, Nhân khóa tạm thời 2 tài khoản Facebook nên việc xác minh, làm rõ đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Nhân khai nhận đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở các địa phương trong cả nước với thủ đoạn tương tự.

Cần cảnh giác với các hành vi lừa đảo mua hàng qua mạng

Theo cơ quan công an, gần đây, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội có dấu hiệu gia tăng. Trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện trên 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi để tránh né việc điều tra. Chẳng hạn, bán hàng giả, hàng fake nhưng khi rao bán thì đăng thông tin lập lờ, không khẳng định đó là hàng chính hãng nên rất khó xử lý.

Hiện số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... ở nước ta rất lớn. Đó là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo mua hàng qua mạng.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/nu-hoang-ngan-gom-bi-bat-lat-lai-nhung-hotgirl-online-lua-dao-tien-ty-766853.html

bán hàng online

lừa đảo


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.