Vụ 2 cháu bé bị điện giật chết ở Sài Gòn: "Công trình thi công cả năm nhưng không có rào chắn, để rồi xảy ra sự việc thương tâm quá"

Hiện người dân đang rất bức xúc vì công trình thi công cẩu thả dẫn đến chết người.

Liên quan đến vụ tai nạn 2 bé trai bị điện giật tử vong thương tâm tại công trình xây dựng vành đai 2, chủ đầu tư dự án này cho biết sẽ kiểm tra xử lý vụ việc, đồng thời đến thăm hỏi gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, hiện người dân đang rất bức xúc vì công trình thi công cẩu thả dẫn đến chết người.

Người dân bức xúc vì công trình thi công cẩu thả gây chết người

Ngày 21/7, lãnh đạo UBND quận Thủ Đức (TP. HCM) cho biết đã yêu cầu nhà thầu rà soát lại toàn bộ quy trình liên quan đến thi công nhằm đảm bảo an toàn, không để xảy ra những vụ việc tương tự sau sự việc 2 bé trai bị điện giật tử vong thương tâm tại bãi đất thuộc khu vực thi công đường Vành đai 2, nối đường Phạm Văn Đồng với Gò Dưa (địa bàn phường Tam Bình, quận Thủ Đức) vào chiều qua (20/7).

Vụ 2 cháu bé bị điện giật chết ở Sài Gòn: Công trình thi công cả năm nhưng không có rào chắn, để rồi xảy ra sự việc thương tâm quá-1

Hiện trường vụ án xảy ra vào chiều qua (20/7).

Theo lãnh đạo UBND quận Thủ Đức, quận này đã báo cáo vụ việc lên UBND TP. HCM, đồng thời đã đến thăm, hỗ trợ gia đình các nạn nhân khắc phục nỗi đau, mất mát, lo hậu sự cho 2 cháu bé. Bên cạnh đó, vụ việc vẫn đang được công an điều tra làm rõ để xử lý trách nhiệm các bên có liên quan.

Sáng cùng ngày, trở lại hiện trường vụ việc, qua ghi nhận của chúng tôi, công trình xây dựng thuộc đường vành đai 2 (đoạn từ đường Ụ Ghe đến Tam Bình) dài khoảng hơn 500m nhưng không hề có rào chắn xung quanh dự án.

Đặc biệt, đường dây điện đấu nối kéo cho các máy móc, láng trại bên trong khu vực dự án rất sơ sài, mất an toàn cho người dân xung quanh.

Vụ 2 cháu bé bị điện giật chết ở Sài Gòn: Công trình thi công cả năm nhưng không có rào chắn, để rồi xảy ra sự việc thương tâm quá-2

Nhiều hộ dân gần công trình rất bức xúc vì dự án xây dựng đường vành đai 2 rất cẩu thả, dây điện để lòng thòng trước nhà.

Nhiều đoạn đường dây điện nằm sát mặt đất đọng nước, được móc tạm bợ lên cành cây. Ngoài ra, khu vực thi công đào xới tạo thành nhiều hố sâu đọng nước, nguy cơ trở thành những cái bẫy "tử thần" cho người dân xung quanh, đặc biệt là trẻ em.

"Họ giải tỏa làm đường không rào chắn gì cả, nguy hiểm lắm. Đào hầm, đào hố đặt ống mà không có cái gì để chắn, bảo vệ người dân hết. Người lớn có ý thức còn tránh né được chứ trẻ em thì làm sao biết vì chúng hồn nhiên vui đùa chạy nhảy mà. Sự việc hôm qua khiến 2 bé tử vong khiến chúng tôi rất đau lòng. Nhà thầu hoặc chủ đầu tư phải trả giá cho vụ việc tắc trách này", ông H.- một người dân bức xúc.

Vụ 2 cháu bé bị điện giật chết ở Sài Gòn: Công trình thi công cả năm nhưng không có rào chắn, để rồi xảy ra sự việc thương tâm quá-3

Thi công nhưng không rào chắn, thiếu an toàn.

Theo người dân tại đây, công trình thi công gần 1 năm nay nhưng không có rào chắn, rất cẩu thả. "Công trình thi công cả năm nay rồi nhưng không hề thấy rào chắn, để rồi xảy ra sự việc thương tâm quá, 2 đứa bé có tội tình gì đâu", ông Danh (người dân) đau lòng. 

Hé lộ nguyên nhân 2 bé bị điện giật tử vong?

Về vấn đề này, liên hệ với chủ đầu tư dự án trên là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao thông - Đô thị TP. HCM, đại diện đơn vị này cho biết đã nắm thông tin vụ việc.

"Hiện Ban đã yêu cầu phía đơn vị thi công báo cáo kết quả và chưa đưa ra nhận định về nguyên nhân. Trong hôm nay, chúng tôi sẽ đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân để khắc phục hậu quả", ông Nguyễn Vĩnh Ninh- Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP nói.

Vụ 2 cháu bé bị điện giật chết ở Sài Gòn: Công trình thi công cả năm nhưng không có rào chắn, để rồi xảy ra sự việc thương tâm quá-4

Công trình vẫn còn ngổn ngang, nước đọng lại trên lối đi có nhiều người dân qua lại nhưng không có rào chắn bảo vệ.

Theo ông Ninh, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao thông - Đô thị TP chỉ giám sát về mặt pháp lý. Còn về việc giám sát công trình thì phía nhà đầu tư nào bỏ tiền làm dự án thì nhà đầu tư đó chịu trách nhiệm giám sát, thuê đơn vị thiết kế, thuê đơn vị thi công…

Tuy nhiên, ông Ninh cũng khẳng định sẽ kiểm tra lại vụ việc cho đúng trách nhiệm khi người dân phản ánh về việc nhà thầu thi công thiếu an toàn, không rào chắn và tồn tại đã gần 1 năm.

Cũng liên quan đến vụ việc, ông Đào Văn Phú - Giám đốc điện lực Thủ Đức (Tổng công ty điện lực TP. HCM) cho biết sau khi xảy ra vụ tai nạn về điện khiến 2 bé trai tử vong tại công trình thi công đường vành đai 2 (do Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bác Ái làm đơn vị thi công), công ty đã được có văn bản báo cáo lên TP.

Vụ 2 cháu bé bị điện giật chết ở Sài Gòn: Công trình thi công cả năm nhưng không có rào chắn, để rồi xảy ra sự việc thương tâm quá-5

Đào hố nhưng không che chắn xung quanh, gây nguy hiểm cho người dân xung quanh.

Theo ông Phú cho biết có 2 nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thương tâm trên. Cụ thể thứ nhất, đơn vị thi công sử dụng dây kéo điện, cấp điện cho các thiết bị bên trong công trình không an toàn gây rò rỉ điện.

Thứ hai, công trường không rào chắn, không đặt biển báo để trẻ em chạy vào chơi đùa.

"Đây là công trình trọng điểm của TP mà họ không hề thực hiện nghiêm quy định, rất cẩu thả"- ông Phú nói.

Theo Giám đốc điện lực Thủ Đức, công trình thi công dự án tạm thì phải dựng trụ tạm móc đường dây điện lên cao chứ không nên lại để dưới đất như vậy.

"Họ có đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật và có cả giấy phép nhà nước công nhận thi công nhưng lại để cấp điện vận hành cẩu thả như vậy. Vụ tai nạn này ngoài trách nhiệm của đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư giám sát công trình cũng có một phần trách nhiệm", ông Phú bức xúc.

 


Theo Nhịp sống Việt


điện giật

điện giật chết người


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.