Sáng 16/7/2015, tại khoa hồi sức cấp cứu (bệnh viện Chợ Rẫy) anh Lý Văn Nguyện (35 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) chạy ra chạy vào lo cho vợ. Anh cho biết, vợ là chị Nguyễn Thị Thu (31 tuổi) nhập viện hơn nửa tháng nhưng vẫn chưa qua khỏi cơn nguy kịch.
Giọng hiu hắt, anh Nguyện kể, mình làm công trình đường sá, chị Thu làm công nhân. Qua mai mối, hai người gặp gỡ rồi yêu nhau. Thấy hợp tính, hợp tình nên họ quyết định tiến đến hôn nhân. Từ ngày về chung sống một nhà, cả hai chưa một lần lớn tiếng với nhau.
Anh Nguyện hạnh phúc khi vợ cho biết mình đã mang thai. Trong suốt thời gian thai kì, anh chăm sóc vợ rất kĩ. Hôm nào, anh cũng cầu nguyện để vợ sinh mẹ tròn con vuông.
Vào ngày 24/6, chị Thu được gia đình chuyển lên bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) và sinh hạ bé gái khỏe mạnh nặng 2,9 kg. Anh mừng húm, cười nói suốt. Sau 5 ngày tĩnh dưỡng, bác sĩ cho hai mẹ con chị về nhà cha mẹ ruột ở tình Đồng Nai.
Về đến nhà, theo phong tục xưa, gia đình cho mẹ con sản phụ nằm trong phòng kín không máy quạt, đồng thời bỏ bếp than. Sau một ngày, chị nói với người thân khó thở. Đến chiều cùng ngày, chị nôn ói, người lơ mơ, tri giác giảm.
Hoảng sợ, anh Nguyện đưa vợ lên bệnh viện huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cấp cứu. Do bệnh tình quá nặng, chị được chuyển lên bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, chị được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy.
Anh Nguyện cho hay, vì vợ đang nằm viện, con chỉ hơn 20 ngày tuổi nên phải xin tạm nghỉ việc để lo liệu chuyện gia đình. Thế nhưng, công ty không chấp nhận, cho nghỉ việc.
Đến nay, anh nhờ mẹ chăm sóc cho con gái sơ sinh, nhờ các chị lần lượt lên chăm vợ. Riêng anh, ngoài việc lên bệnh viện rồi về nhà còn phảy chạy vạy khắp nơi mượn tiền để chữa trị cho vợ và lo sữa cho con.
“Dù có bảo hiểm đúng tuyến nhưng các chi phí phát sinh mỗi ngày mất gần 1 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với gia đình tôi. Tôi mượn hết tất cả những nơi quen biết rồi. Mấy ngày tới chẳng biết phải làm sao”, người đàn ông rơm rớm nước mắt.
Con trẻ khát sữa
Chị Lý Hồng Tươi (44 tuổi, chị ruột anh Nguyện) cho biết, nhìn cảnh em dâu mới sinh nằm bất động trên giường bệnh mà không khỏi xót xa. Ngoài ra, nhiều khi về đến nhà, thấy đứa cháu sơ sinh khóc ngặt ngẽo đòi sữa mà nước mắt ứa ra. “Cháu nó còn quá nhỏ. Cháu uống sữa ngoài rất ít. Do đó, cháu đói nên thường khóc lắm!”, chị chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, chị Thu nhập viện vào ngày 29/6 trong tình trạng hôn mê, nghi nhiễm khí độc CO do than. Bệnh nhân được chụp CT, MRI không phát hiện tổn thương não. Các xét nghiệm khí máu cũng không có biểu hiện điển hình ngộ độc khí CO. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc nằm than là yếu tố tác động nhất định đến sản phụ mới sinh xong.
Độc giả có tấm lòng hảo tâm có thể giúp đỡ chị Thu bằng cách liên lạc với anh Nguyện thông qua số điện thoại 0966.441.338 |
Lúc đầu, bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội thần kinh để điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao, sản dịch vẫn còn nhiều. Bác sĩ kiểm tra dịch trong tử cung thì phát hiện có vi trùng.
Ngày 3/7, chị Thu được chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu. Chị được điều trị thuốc kháng sinh tích cực liều cao. Giờ vẫn còn thở máy. Mấy ngày gần đây, bệnh nhân bớt sốt, huyết áp ổn định hơn, nhưng vẫn còn thở máy dù ở chế độ thấp hơn. Mặc dù vậy, vẫn chưa thể khẳng định, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Bác sĩ Linh cảnh báo, bệnh viện Chợ Rẫy từng tiếp nhận nhiều trường hợp sản phụ bị nhiễm chất độc CO vì nằm bếp than. Có ca, cả mẹ và con đều nhiễm. Tình trạng này xuất phát từ thói quen nằm than sau khi sinh. Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm chất độc này vì mở máy phát điện trong nhà, ngủ trong xe hơi mở máy…