Bộ Y tế hướng dẫn TP.HCM về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà

Ngày 27/6, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND TP.HCM về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Theo đó, hiện nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần (F1) lớn, gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung, Bộ Y tế đã xây dựng "Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19" cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố.

Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly. Tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố hoặc đơn vị được chỉ định tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 cho người cách ly.

Bộ Y tế hướng dẫn TP.HCM về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà-1
Chốt kiểm dịch Covid-19 tại phường 18, quận 4, TP.HCM (Ảnh: Tứ Quý)

Điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng chống dịch Covid-19.

1. Đối tượng áp dụng: Những người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 (F1).

2. Yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị:

- Là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập).

- Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19".

- Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế.

- Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt).

- Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.

+ Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy; mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng), có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" (gọi tắt là thùng đựng chất thải lây nhiễm); thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh (gọi tắt là thùng đựng chất thải sinh hoạt).

+ Không được dùng điều hòa trung tâm. Có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ.

+ Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.

+ Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.

- Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly.

- Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà:

- Chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương.

- Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi.

- Được bố trí suất ăn riêng.

- Luôn thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

- Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly.

- Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.

- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác.

- Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày.

- Hàng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm ở trong phòng của người cách ly.

- Các rác thải thông thường được bỏ vào thùng đựng rác thải sinh hoạt, buộc chặt miệng túi và đặt ra trước cửa phòng để thu gom hàng ngày.

- Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

- Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Bộ Y tế hướng dẫn TP.HCM về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà-2
"Biệt đội" đi từng con hẻm, khu phố để phun thuốc khử khuẩn, diệt Covid-19 ở TP.HCM (Ảnh: Văn Tiên)

Yêu cầu đối với người ở cùng nhà:

- Có cam kết với chính quyền địa phương và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly.

- Không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người cách ly. Nếu có điều kiện, tốt nhất là chuyển toàn bộ người ở cùng nhà không thuộc đối tượng phải cách ly sang ở nhà/khu vực riêng biệt khác. Nếu không chuyển sang ở nhà/khu vực riêng biệt khác thì người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.

- Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu tại Phụ lục 2.

- Không tiếp xúc với người cách ly.

- Cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết riêng cho người cách ly hàng ngày.

- Báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở.

- Thu gom rác thải sinh hoạt của người cách ly hàng ngày.

- Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế (trừ người ở cùng nhà, nhân viên y tế và người có thẩm quyền giám sát cách ly y tế).

- Tự theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế. Hạn chế ra khỏi nhà, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

- Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nhà ở hàng ngày.

- Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp cho tất cả người ở cùng nhà 5 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20, 28 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly (trừ người ở cùng nhà đã chuyển đi ở nơi khác).

- Trường hợp có người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly thì người chăm sóc, hỗ trợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo thời gian và số lần xét nghiệm giống như người cách ly.

Yêu cầu đối với cán bộ y tế:

- Hàng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly. Hỗ trợ người cách ly đo thân nhiệt nếu người cách ly không tự đo được. Ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.

- Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà theo quy định.

- Hướng dẫn người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà thu gom chất thải.

- Báo cáo ngay cho y tế tuyến trên và chính quyền địa phương khi người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có biểu hiện mắc bệnh như sốt, ho, khó thở và các biểu hiện sức khỏe khác.

-Nếu người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Yêu cầu đối với UBND cấp xã, phường:

- UBND cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly tại nhà.

- Cung cấp cho người cách ly và người ở cùng nhà thông tin (họ tên, số điện thoại) của cán bộ y tế chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe để liên hệ.

- Tổ chức quản lý, giám sát, thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly.

- Yêu cầu người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.

- Tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.

Bộ Y tế hướng dẫn TP.HCM cách ly F1 tại nhà  - Ảnh 3.
Những "chiến binh thầm lặng" thu gom rác từ khu cách ly, bệnh viện dã chiến ở TP.HCM (Ảnh: Tứ Quý)

Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn, quản lý chất thải:

1. Vệ sinh khử khuẩn môi trường

- Thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn tối thiểu 2 lần/ngày tại các vị trí: sàn nhà, sàn khu vệ sinh và bề mặt thường xuyên tiếp xúc như bàn, ghế, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo, vòi nước,...

- Phải làm sạch bề mặt, đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử khuẩn. Người chăm sóc trẻ phải được hướng dẫn thực hiện và đeo khẩu trang, găng tay khi thực hiện làm sạch, khử khuẩn bề mặt môi trường.

- Dung dịch làm sạch và khử trùng bằng chất tẩy rửa thông thường và cồn 70 độ. Thường xuyên sử dụng cồn 70 độ để lau các bề mặt các thiết bị điện, điện tử như công tắc đèn, điều khiển ti vi, điện thoại,... Trước khi lau phải tắt nguồn điện.

2. Khử khuẩn quần áo, đồ dùng của người cách ly

- Giặt riêng quần áo của người cách ly. Tốt nhất giặt ngay trong phòng cách ly.

- Trước khi giặt, phải ngâm đồ vải với xà phòng giặt trong tối thiểu 20 phút.

- Phơi quần áo tại nơi riêng, có nhiều ánh nắng.

3. Quản lý chất thải

3.1. Đối với chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2:

- Chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú bao gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng thải bỏ của người cách ly phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người cách ly.

- Trong thời gian cách ly, nếu người cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thu gom tất cả các loại chất thải phát sinh từ phòng cách ly của người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm.

- Hết thời gian cách ly, nếu người cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thu gom túi đựng chất thải và xử lý như chất thải thông thường.

3.2. Đối với chất thải thông thường: Thu gom xử lý hàng ngày theo quy định.

Tính đến trưa 27/6, TP.HCM vượt 3.000 ca Covid-19, sẵn sàng kịch bản 10.000 giường điều trị.


Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/bo-y-te-huong-dan-tphcm-ve-viec-thi-diem-cach-ly-f1-tai-nha-161212706130503994.htm

Covid-19 TP.HCM

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.