'Khác biệt, vẫn tuyệt' lan tỏa tinh thần lạc quan về chứng tự kỷ

Những ngày qua, thử thách Puzzle Dance Challenge cùng hashtags #Autism #KhacBietVanTuyet #PuzzleDanceChallenge, mang thông điệp nhân văn lan tỏa nhận thức về chứng tự kỷ đang nhận được nhiều hưởng ứng trên mạng xã hội.

Khác biệt, vẫn tuyệt lan tỏa tinh thần lạc quan về chứng tự kỷ-1
 Vũ đạo đáng yêu, gần gũi được sáng tạo trên nền nhạc vui tươi, bất cứ ai cũng có thể nhảy theo dễ dàng

Puzzle Dance Challenge được đông đảo cộng đồng hưởng ứng. Chỉ sau vài ngày ra mắt, điệu nhảy đã thu hút rất nhiều lượt chia sẻ và cover lại vũ điệu Puzzle Dance Challenge trên các mạng xã hội Youtube, Tiktok, Facebook, Instagram, góp phần lan tỏa thông điệp tích cực, lạc quan về chứng tự kỷ.

Được biết, thử thách gây sốt này được khởi động bởi cô bé Sandy Nguyễn, hiện là học sinh lớp 11 tại TP.HCM.

Ngày 2/4 hằng năm là ngày toàn thế giới phát động phong trào lan toả “Nhận thức chứng tự kỷ”, Sandy cùng bạn bè lập ra nhóm hoạt động ‘Vì cộng đồng tự kỷ’ để phát động thông điệp “Khác biệt, Vẫn tuyệt” nhằm lan tỏa nhận thức về tự kỷ trên khắp Việt Nam.

Sandy và anh trai Ryan của mình được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Không may mắn như em gái, Ryan lớn lên với chứng tự kỷ từ khi còn bé. Sandy đã chứng kiến anh trai phải cố gắng rất nhiều để có thể đi học và hòa nhập cùng cộng đồng.

Khác biệt, vẫn tuyệt lan tỏa tinh thần lạc quan về chứng tự kỷ-2
 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về tư duy và giao tiếp với thế giới xung quanh, anh trai của Sandy lúc nào cũng cố gắng rất nhiều. Với những nỗ lực của bản thân, và tình yêu thương của thầy cô, gia đình, bạn bè, Ryan năm nay 18 tuổi đã học được nhiều kỹ năng sống độc lập và có thể theo học ngành hội họa yêu thích.

Sandy mong muốn qua câu chuyện về anh trai mình, một mặt kêu gọi cộng đồng hãy yêu thương, cổ vũ cho những bạn như anh trai mình vượt lên chính bản thân, một mặt muốn động viên những gia đình có con tự kỷ.

“Sandy làm video này vì muốn cho Ryan biết cho dù anh có khác biệt, anh vẫn rất tuyệt, và có rất nhiều người thương anh và những bạn như anh”, Sandy chia sẻ.

Chia sẻ lý do vì sao nhóm lại chọn tên Puzzle Dance challenge (Thử thách nhảy Puzzle) cho điệu nhảy của mình, Sandy cho biết: “Hình ảnh trò xếp hình (tiếng Anh là Puzzle) được dùng khá phổ biến làm biểu tượng của các hiệp hội tự kỷ trên thế giới. Một phần là do rất nhiều trẻ tự kỷ thích chơi trò xếp hình. Một phần khác là do những những miếng xếp hình thể hiện sự phức tạp của chứng tự kỷ. Nhóm vì cộng đồng tự kỷ dùng tên này để tạo mối liên kết với cộng đồng.”

“Ngoài ra, có rất nhiều tổ chức, hiệp hội tự kỷ trên thế giới sử dụng màu xanh dương như làm biểu tượng màu đặc trưng, và cũng có rất nhiều chiến dịch trên nhiều nước đã kêu gọi mọi người mặc áo xanh dương vào ngày 2/4 hằng năm để thể hiện sự ủng hộ cho cộng đồng người tự kỷ.”

Với hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn này, Sandy đã nhận được sự ủng hộ của nhiều văn nghệ sĩ cùng tham gia. Mạnh Quyền, quán quân chương trình Tinh hoa hội tụ năm 2019 chính là biên đạo và trực tiếp cùng em phát động phong trào. Đạo diễn, nhà sản xuất phim Nguyễn Ngọc Lâm, diễn viên/ người mẫu Xuân Lan và bé Thỏ con gái cô là những văn nghệ sĩ đã nhiệt tình tham gia phần thử thách từ đầu.

Khác biệt, vẫn tuyệt lan tỏa tinh thần lạc quan về chứng tự kỷ-3
 Người mẫu Xuân Lan là một trong những nghệ sĩ nhiệt tình tham gia chương trình

Để tham gia thử thách #PuzzleDanceChallenge, mọi người chỉ cần cover đoạn nhảy 15 giây, đăng clip nhảy của mình cùng bạn bè hoặc chia sẻ clip nhảy của Sandy tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=wWhtBEPvfjQ trên Facebook, Youtube, Instagram, TikTok với hashtag #Autism #KhacBietVanTuyet #PuzzleDanceChallenge để cùng lan toả thông điệp và tình yêu thương với những người kém may mắn hơn mình.

Khác biệt, vẫn tuyệt lan tỏa tinh thần lạc quan về chứng tự kỷ-4
 

Hãy dành sự yêu thương nhiều hơn đến những trẻ bị tự kỷ để các em có sức mạnh vượt lên chính mình, cộng đồng hãy dành nhiều sự quan tâm hơn để giúp các em được sống bình đẳng hơn, được đáp ứng các nhu cầu đặc biệt, được phát triển các năng lực và được đóng góp cho xã hội... là những thông điệp tích cực mà “Puzzle Dance Challenge - Khác biệt, Vẫn tuyệt” mong muốn đem lại và gửi gắm đến mỗi người.

Tự kỷ không phải là bệnh, hiện nay chưa thể chữa khỏi. Đây là một chứng rối loạn của hệ thần kinh.  Nếu phát hiện sớm và can thiệp thích hợp có thể giúp trẻ phát triển được các chức năng ngôn ngữ, giao tiếp, thích ứng xã hội tốt hơn.

Trẻ tự kỉ có đặc điểm là chậm nói, không quan tâm đến thế giới xung quanh, không biết tương tác với mọi người. Các bé chỉ mãi mê đến một số đồ vật hoặc hoạt động, có hành vi rập khuôn theo một kiểu và có những động tác cơ thể định hình. Đa số trẻ tự kỉ chậm phát triển trí tuệ và thường hiếu động hoặc thụ động. Nếu chúng ta không can thiệp sớm thì các dấu hiệu tự kỷ sẽ ngày càng nặng hơn, trẻ sẽ thu mình vào thế giới riêng.

Tuy nhiên nhiều trẻ tự kỉ có khả năng về trí nhớ, cùng thị giác rất tốt, có trẻ nhạy cảm với âm thanh, nhịp điệu và thích hoạt động. Chúng ta nên phát hiện khả năng đặc biệt của trẻ tự kỷ sớm để có hướng giáo dục phù hợp, phát huy tiềm năng của các bé.

Trên toàn cầu, tự kỷ được ước tính ảnh hưởng đến 25 triệu người. Khoảng 1-1.5% trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Những hành vi thường nhận thấy ở trẻ tự kỷ: vẫy tay, tự quay vòng vòng, xếp các đồ chơi thành hàng dài, rối loạn ăn uống, khiếm khuyết về trí tuệ.

Nhảy múa không chỉ vui mà còn giúp cho trẻ tự kỉ nhún nhảy, vận động, rèn luyện sự nhanh nhẹn khéo léo khi phối hợp vận động tay chân, giúp phát triển tư duy và tăng độ tập trung.

Ngọc Minh


trẻ tự kỷ

tự kỷ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.