Sớm hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững

Giai đoạn từ 2012-2021, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 9 Nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để cụ thể hóa một số nội dung hỗ trợ Trung ương giao cấp tỉnh quy định chi tiết và quy định một số cơ chế hỗ trợ đặc thù của Thủ đô trong phát triển nông nghiệp. Đó là những nhận định của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tại phiên chất vấn diễn ra sáng 12/5 về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quang cảnh phiên chất vấn

Tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,53%

Theo báo cáo, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng “xanh”. Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô đang được triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trên cơ sở tổng kết 04 Nghị quyết của HĐND Thành phố từ năm 2012, ngày 05/12/2018, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội. Nghị quyết này là bước tiếp nối các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Thành phố đối với nông nghiệp, nông dân đã ban hành trước đây và được điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp hơn với thực tế. Đồng thời, các Nghị quyết của HĐND Thành phố đã được ban hành để cụ thể hóa một số nội dung hỗ trợ Trung ương giao cấp tỉnh quy định chi tiết. 

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Trung ương và Thành phố chủ yếu tập trung vào các nội dung: tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, dự án sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho một số khâu trong sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (chi phí cho máy móc thiết bị, giống, phòng chống dịch bệnh, chi phí giết mổ gia súc gia cầm tập trung…); hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ phát triển thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Ngay sau khi các quy định của Trung ương và Thành phố ban hành, UBND Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành Thành phố chủ động tham mưu, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với việc thực hiện các Chương trình công tác của Đảng bộ Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho giai đoạn từ 2016 đến nay (Chương trình số 02 giai đoạn 2016-2020 và Chương trình số 04 giai đoạn 2021-2025). Hằng năm, các sở, ngành, đơn vị của Thành phố và UBND các huyện, thị xã Sơn Tây đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định của Trung ương và Thành phố.

Với việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô trung bình trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53%; từ năm 2021-2022 đạt trên 3%, trước mắt đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 2,5-3,0% của nhiệm kỳ 2021-2025. Đến nay, Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Toàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước; hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả...

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022 và tình hình bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp đã là bệ đỡ quan trọng, góp phần đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội khu vực nông thôn. Những kết quả trên cho thấy sự quan tâm của Thành phố đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bất cập trong triển khai quy hoạch phát triển nông nghiệp

Hiện nay, Thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng từ năm 2012. Theo thống kê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang theo dõi 11 quy hoạch chuyên ngành như một số quy hoạch hệ thống giết mổ và chế biến gia súc gia cầm, quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch thuỷ sản, quy hoạch phát triển sản xuất lúa. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nên phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh, chồng lấn, có quy hoạch chưa thực hiện được. 

Các đại biểu dự phiên chất vấn

Năm 2012, Thành phố ban hành Quyết định số 5791/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 với mục tiêu đạt 85-90% nhu cầu giết mổ trên địa bàn, đảm bảo phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ, bảo quản, chế biến tại các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đạt từ 60-65% vào năm 2020; tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Tuy nhiên, Quy hoạch này đã được điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2014, 2017 tại Quyết định số 5146/QĐ-UBND ngày 26/8/2013, số 2193/QĐ-UBND ngày 23/4/2014; số 5003/QĐ-UBND ngày 28/7/2017, song đến năm 2020 vẫn không thể hoàn thành chỉ tiêu. Toàn bộ 4 quyết định trên được thay thế bởi Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 phê duyệt “Mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố” với 29 cơ sở. Đến nay mới có 11/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động, đạt 37,93% theo quy hoạch của Thành phố. Còn lại 18/29 cơ sở chưa được đầu tư xây dựng hoặc chưa có nhà đầu tư.

Nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung đa số hoạt động chưa hết công suất. Cơ sở giết mổ Vinh Anh, huyện Thường Tín đầu tư dây truyền giết mổ hiện đại nhưng chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế;  cơ sở Foodex ở huyện Đan Phượng phải tạm ngừng hoạt động giết mổ; cơ sở giết mổ Minh Hiền – huyện Thanh Oai phải chuyển sang giết mổ bán công nghiệp để duy trì hoạt động. Như vậy, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố còn rất xa mới đạt được như quy hoạch ban đầu từ năm 2012…

Ngoài ra, trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc khai thác kinh tế, dịch vụ, cảnh quan môi trường từ rừng còn nhiều hạn chế như: Thiếu những quy hoạch, định hướng rõ ràng về tầm nhìn phát triển rừng... Đối với quy hoạch đê điều, thủy lợi, hiện chưa được Trung ương phê duyệt gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý của Thành phố. Quy hoạch chưa hoàn thiện nên giá trị sản xuất/héc ta đất nông nghiệp của Thủ đô nhìn chung còn thấp và hiệu quả chưa cao. 

Còn chậm trễ trong thực hiện các chính sách

Theo ghi nhận của Thường trực HĐND Thành phố, việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp Hà Nội của Trung ương và Thành phố còn chậm trễ, một số nội dung chưa triển khai. 

Qua khảo sát, HĐND Thành phố phát hiện, Thành phố chưa có hướng dẫn triển khai nông nghiệp sinh thái kết hợp trải nghiệm. Đây lại là xu hướng được thị trường rất ưa chuộng hiện nay. Nguyên nhân của việc chậm trễ trên là do công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, người dân tiếp cận chính sách còn hạn chế. Nhiều quy định liên quan đến phương thức tổ chức triển khai, thủ tục hành chính để tiếp cận chính sách còn rườm rà nên các đối tượng thụ hưởng không muốn tham gia. Việc thực hiện các thủ tục vay vốn, thế chấp tài sản để đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong thực tế vẫn rất khó khăn.

​Trong khi đó, việc phát triển mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn còn vướng mắc. Cụ thể là trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định 98 năm 2018 của Chính phủ, thì có 46 liên kết theo hình thức “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kiểu liên kết này không bền vững, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ.

Cụ thể là lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Từ năm 2020 đến cuối 2021, đã có 13 liên kết bị ngừng hoạt động đều rơi vào hình thức liên kết này…

​Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, ngành Nông nghiệp Thủ đô luôn khẳng định được vai trò quan trọng, vừa tăng cường nguồn nông sản cho thị trường, bảo đảm ổn định giá cả, vừa thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng, đóng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên cần sớm hoàn thiện quy hoạch; xây dựng được các vùng, sản phẩm chủ lực cùng với những chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn rất cần được thực hiện kịp thời, bài bản, hiệu quả hơn, để có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cơ chế, chính sách cần hướng về cơ sở, hướng về người dân, đi vào thực tiễn, hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.

Theo hanoi.gov

Xem link gốc Ẩn link gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2857447/som-hoan-thien-quy-hoach-co-che-chinh-sach-e-tang-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-an-toan-ben-vung.html?fbclid=IwAR1vAwbT8odDiyFbQatmbnQ5bKR7mbpdLh1WjsnDhbo-U5P68Xf-Dwzw0kE

Hà Nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.