Phi công Anh định đâm máy bay tự sát sau khi giết vợ
Viên phi công đã kịp thời dừng lại vì không muốn trở thành “một người chồng giết vợ rồi sau đó tự sát và chẳng được ai quan tâm đến”.
Viên phi công đã kịp thời dừng lại vì không muốn trở thành “một người chồng giết vợ rồi sau đó tự sát và chẳng được ai quan tâm đến”.
Ngày 30/3, trong lúc cả thế giới chưa hết bàng hoàng trước thông tin viên cơ phó trên chiếc máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings đã cố tình lái máy bay đâm vào núi, sát hại 149 người khác trên khoang, tờ Telegraph của Anh tiết lộ thêm thông tin rằng một phi công nước này cũng đã từng tìm cách đâm máy bay xuống đất tự sát sau khi giết vợ cách đây 5 năm.
Viên phi công 47 tuổi của hãng hàng không British Airways tên là Robert Brown, đã dùng một chiếc búa đinh đánh ít nhất 14 nhát sát hại người vợ Joanna của mình vào năm 2010, sau một cuộc chiến đòi ly hôn đầy tốn kém và cay đắng.
Brown đã được hãng British Airways xếp lịch lái chiếc máy bay Boeing 747 từ Heathrow tới Lagos vào ngày hôm sau, và ông ta đã lên kế hoạch tự sát cùng máy bay, nhưng rất may đã gọi điện cho hãng báo xin nghỉ phép vào phút cuối cùng.
Trước phiên tòa xét xử mình, Brown khai: “Tôi đã nghĩ rằng sẽ đâm chiếc máy bay đó giữa đường, hoặc lái tới Lagos và đâm xuống ở đó, vì tôi muốn đưa ra một lời tuyên bố. Nhưng tôi đã kịp thời dừng lại vì không muốn trở thành một người chồng giết vợ rồi sau đó tự sát và chẳng được ai quan tâm đến”.
Viên phi công này đã bị kết tội vô ý giết người thay vì tội sát nhân sau khi thuyết phục được bồi thẩm đoàn rằng ông ta đã phải chịu stress ghê ghớm sau cuộc đổ vỡ hôn nhân.
Sau thảm họa máy bay A320 của hãng Germanwing, bạn bè và gia đình của người vợ viên phi công Brown cho rằng thảm kịch này một lần nữa cho thấy các hãng hàng không trên thế giới đã không có biện pháp giám sát hiệu quả sức khỏe tinh thần của phi công.
Mẹ của Joanna, bà Diana Parkes nói: “Brown đã có thể lợi dụng trạng thái tinh thần của mình để thoát tội sát nhân, thế nhưng anh ta vẫn có thể tiếp tục lái máy bay cho hãng British Airways cho tới ngày con gái tôi bị giết”.
“Lời khai trước tòa rằng cậu ta định đâm một chiếc máy bay chở khách sau khi giết vợ quả là rùng rợn, thế nhưng hãng British Airways vẫn không chịu rút kinh nghiệm từ bài học đó”, bà Parkes tuyên bố.
Một người bạn thân của Joanna thì cho rằng có sự tương đồng rất lớn trong trạng thái tinh thần của Brown với viên cơ phó Andreas Lubitz, người đã bị trầm cảm nặng trong một thời gian dài trước khi cố tình lái chiếc A320 đâm vào núi.
Người bạn này nói: “Khi nhìn thấy bức ảnh Lubitz trên đường chạy, tôi đã cảm thấy ớn lạnh dọc xương sống. Brown cũng là một người đam mê chạy bộ. Cả hai đều là những người có vấn đề bất ổn về tâm lý, và đáng lẽ ra họ không được phép bay và đặt tính mạng của hành khách vào tình trạng nguy hiểm”.
Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng việc các hãng hàng không chỉ đánh giá sức khỏe thể chất và tinh thần của phi công một lần trong một năm là chưa đủ.
Một chuyên gia tâm lý phân tích với tờ Telegraph: “Brown được hãng hàng không đánh giá tâm lý vào tháng 12, và đến tháng 10 năm sau, anh ta cầm búa giết vợ. Dù anh ta đã đề cập đến những vấn đề trầm cảm sau ly hôn, nhưng hãng hàng không vẫn cho phép anh ta tiếp tục bay”.
Hãng hàng không cũng không có bất cứ hoạt động theo dõi nào sau đó để xem vấn đề trầm cảm của Brown có trở nên tồi tệ hơn hay không, trong khi những đồng nghiệp mà Brown thường xuyên tâm sự lại không dám phản ánh điều đó với hãng, vì sợ anh ta sẽ bị đình chỉ bay và mất thu nhập.
Telegraph thống kê rằng từ trước tới nay đã xảy ra ít nhất 5 thảm kịch hàng không kinh hoàng liên quan đến hành động tự sát của phi công.
Theo Dân Việt