5 'cửa ải' Đông Nam Á phải vượt qua trong năm Rắn
Giới chuyên gia dự đoán, trong năm 2013, giới lãnh đạo ASEAN, khu vực vốn tiềm ẩn nhiều biến động nhất, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tân Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh
(ngoài cùng bên trái) cùng người tiền nhiệm Surin Pitsuwan (ngoài cùng
bên phải) và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nắm tay đoàn kết. |
Những cơn giông tố mới ở Biển Đông
Không có gì phải bàn cãi khi các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông nằm trong danh sách này. Năm 2012, Đông Nam Á bị nhấn chìm trong bầu không khí tranh chấp và căng thẳng với mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines leo thang không ngừng vì bãi cạn Scarborough; những chia rẽ trong nội bộ ASEAN cũng như hàng loạt động thái hung hăng, khiêu khích của Trung Quốc, khiến các quốc gia trong khu vực bất bình liên quan đến các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ tại các vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông.
Trong số đó, động thái khiến Bắc Kinh bị lên án đặc biệt là việc cấp hộ chiếu lưỡi bò hồi cuối năm 2012, một bước đi hiểm độc nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với một loạt các vùng lãnh thổ đang trong tranh chấp với các nước láng giềng.
Vì vậy, nhiều nhà quan sát đang đợi xem liệu trong năm nay, ASEAN và Trung Quốc có thể đạt được sự đồng thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông hay không; liệu Bắc Kinh có tiếp tục đưa ra một loạt động thái khiêu khích, hiếu chiến mới và phản ứng tiếp theo của các bên liên quan khác là gì? Rốt cuộc, việc Biển Đông sẽ “trời yên bể lặng” hay sẽ tiếp tục nổi giông tố trong năm tới phụ thuộc rất nhiều vào chính sách ngoại giao của lãnh đạo khu vực.
Sự bấp bênh của "Chiến lược tái cân bằng" Mỹ
Chiến lược “xoay trục” hay "tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương được các quốc gia Đông Nam Á đón nhận bằng cả thái độ bằng lòng lẫn hoài nghi. Sự hoài nghi ấy bắt nguồn từ thực tế, việc cường quốc số 1 thế giới tăng cường hiện diện trong khu vực có thể không bền vững bởi Mỹ đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế trầm trọng trong nước cũng như sự chia rẽ nội bộ về mặt chính trị.
Ngoài ra, sự hoài nghi ấy còn xuất phát từ sự rút lui của những nhân vật quan trọng, đóng vai trò chủ chốt và là động năng cho chiến lược “tái cân bằng” như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương, Kurt Campbell, trong nhiệm kỳ 4 năm tới của Tổng thống Obama.
Trong khi giới chức Mỹ nhấn mạnh, những quan ngại như trên đều chỉ là sự thổi phồng quá mức thì 2013 sẽ là năm để đánh giá vị trí và vai trò của khu vực Đông Nam Á đến đâu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ mới.
Sự đoàn kết của ASEAN
Cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã nhiều lần nhấn mạnh, thách thức chính của cơ chế trong năm tới sẽ là liệu các quốc gia thành viên có thể bỏ qua những khác biệt để hướng tới mục tiêu chung là hội nhập khu vực sâu hơn và chặt chẽ hơn hay không.
Năm 2012, do một số bất đồng vẫn chưa được giải quyết, khu vực đã phải trì hoãn việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) gần một năm, tới cuối năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề thời hạn không phải là chuyện đáng quan tâm nhất. Quan trọng hơn là các quốc gia Đông Nam Á có thể khắc phục, vượt qua những khác biệt của họ ở mức độ nào để không chỉ cùng hướng tới và phấn đấu cho sự đoàn kết trong khu vực mà còn để hội nhập sâu hơn vào một châu Á rộng lớn hơn, nơi ASEAN đóng vai trò chìa khóa then chốt.
Brunei ngồi vào chiếc ghế nóng
Campuchia bàn giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN cho Brunei. |
Tập trung quan sát các quốc gia cụ thể trong khu vực, dường như mọi con mắt đang đổ dồn về phía Brunei khi năm nay, nước này sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN. Nhìn lại ASEAN trong năm 2012 với chiếc ghế Chủ tịch thuộc về Campuchia, có thể nhận thấy các quốc gia thành viên trong tổ chức đã không thực sự có được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề đặc biệt đáng chú ý là những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa một số quốc gia thành viên với Trung Quốc.
Nhiều nhà quan sát trung lập nhận xét, trong vai trò là chủ tịch ASEAN trong năm 2012, Campuchia phải chịu trách nhiệm cho sự chia rẽ của tổ chức, đặc biệt là khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 7/2012 bị đánh giá là thất bại khi không ra được tuyên bố chung.
Nay các nhà quan sát nhấn mạnh, một chuỗi liên tiếp các quốc gia nhỏ và kém phát triển hơn trong khu vực sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN trong những năm tới – Brunei, 2013; Myanmar, 2014 và Lào năm 2016 có thể cũng dẫn tới một số quan ngại.
Tuy nhiên, so với các quốc gia khác thì Brunei vẫn được kỳ vọng hơn cả vì họ có vị thế không giống với Campuchia. Quốc gia này là một trong những bên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này sẽ thúc đẩy Brunei tận dụng nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN năm 2013 để nâng cao vai trò, uy tín quốc tế và thể hiện hình ảnh về một đất nước ổn định cũng như để nắm bắt cơ hội chống Trung Quốc mạnh mẽ.
“Mùa xuân” Myanmar có kéo dài qua năm 2013?
Trong khi nhiều người tỏ ra lạc quan và kỳ vọng ở tiến trình cải cách đang diễn ra tại Myanmar, một số khác lại thận trọng cho rằng, sự cải tổ của nước này vẫn có khả năng thất bại. Lý do là, quân đội vẫn nắm giữ quyền lực chủ yếu tại Myanmar, các cuộc biểu tình vẫn bị đàn áp mạnh mẽ, tình trạng nội loạn tại các khu vực dân tộc thiểu số trở nên cẳng thẳng, phức tạp hơn và thậm chí vượt khởi tầm kiểm soát. Ngoài ra, tình trạng sức khỏe ngày càng suy giảm của Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, 2 động lực mạnh mẽ nhất giúp thúc đẩy quá trình cải tổ cũng làm dấy lên quan ngại “mùa xuân” Myanmar liệu có thể kéo dài qua năm 2013?
Theo Infonet