Ai cấp vũ khí cho các bên tham chiến ở Syria?

Một trong những vấn đề then chốt trong cuộc xung đột Syria hai năm qua là nguồn cung cấp vũ khí cho cả hai bên, vốn làm cho các cuộc giao tranh mãi tiếp diễn.

Một trong những vấn đề then chốt trong cuộc xung đột Syria hai năm qua là nguồn cung cấp vũ khí cho cả hai bên, vốn làm cho các cuộc giao tranh mãi tiếp diễn.

Chính phủ Syria có thể dựa vào nguồn cung cấp vũ khí ổn định từ các đồng minh ngoại quốc trong khi quân nổi dậy nhận vũ khí và sự trợ giúp phi chết người theo các con đường bí mật hơn nhiều.

Syria, cung cấp vũ khí, tuồn, tiếp tay, 

Vậy ai cấp vũ khí cho các bên tham chiến ở Syria? Câu trả lời là đây:

Ai đang vũ trang cho chính phủ Syria?

Trước khi cuộc nổi dậy bùng phát, quân đội Syria đã có một loạt vũ khí hạng nặng, gồm cả xe tăng, xe bọc sắt, hệ thống pháo và tên lửa, tên lửa đạn đạo.

Không quân Syria có máy bay chiến đấu, trực thăng gắn súng máy.

Sau hai năm giao chiến, quân chính phủ Syria còn được trang bị vũ khí và được tổ chức tốt hơn nhiều quân nổi dậy. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho biết, kho vũ khí và đạn dược của quân chính phủ đang cạn kiệt và họ phải dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài.

Nga

Nga cung cấp cho quân đội Syria vũ khí và thiết bị trong suốt cuộc xung đột. Moscow khẳng định, nước này chỉ thực hiện những hợp đồng đã có từ trước đó và như vậy không vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt quốc tế nào.

Bất chấp sức ép của phương Tây, Moscow hồi đầu năm nay vẫn khăng khăng rằng họ cần phải tôn trọng với những hợp đồng đã ký trước đó với Damascus về việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tối tân S-300. Dù vậy, hệ thống này được tin là vẫn chưa được chuyển cho Syria.

Nga được cho là đã gửi tên lửa hành trình chống hạm hiện đại Yakhont, tên lửa đất đối không SA-17 và hệ thống tên lửa tầm ngắn Pantsyr-S cho Syria.

Iran

Iran tích cực hỗ trợ cho quân chính phủ Syria về mặt quân sự kể từ cuối năm 2012, giới chức phương Tây cho biết.

Tehran được cho là nguồn cung cấp rocket, tên lửa chống tăng, súng phóng lựu và súng cối chính cho Syria.

Tuy nhiên, giới chức Iran phủ nhận việc phá vỡ lệnh trừng phạt của LHQ áp đặt lên các hoạt động xuất khẩu vũ khí của nước này. Để tránh trừng phạt, Tehran bị cáo buộc vận chuyển hầu hết vũ khí qua không phận Iraq bằng máy bay thương mại và gần đây, Iran chuyển vũ khí qua Iraq bằng đường bộ trên xe tải. Tuy nhiên, chính phủ Iraq phủ nhận điều này.

Ảnh và video đăng trên mạng dường như đã cung cấp bằng chứng về việc vận chuyển vũ khí của Iran. Có một bức ảnh cho thấy rocket do Iran chế tạo, ghi ngày sản xuất là 2012.

Ai cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria?

Quân nổi dậy Syria được cho là thu thập vũ khí và đạn dược qua nhiều con đường, gồm cả chợ đen, thu giữ trên chiến trường, từ các nhà máy ngẫu tác và hàng hóa do cá nhân, tổ chức và chính phủ nước ngoài trả tiền.

Các chỉ huy quân nổi dậy muốn có vũ khí tối tân nhưng chỉ nhận được một lượng vũ khí nhỏ có giới hạn.

Syria

Các đại diện của nhóm quân nổi dậy chính - Quân đội giải phóng Syria (FSA) cho biết, phần lớn vũ khí của họ được mua trên chợ đen hoặc thu giữ từ các cơ quan chính phủ.

Các nhóm nổi dậy đã chiếm một loạt căn cứ quân sự từ năm 2011, gồm cả Atareb, Taftanaz, Jirah và Tiyas. Những căn cứ này là nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược hữu dụng cho quân nổi dậy, đặc biệt là hệ thống tên lửa chống máy bay và xe bọc sắt.

Qatar

Cho tới giờ, Qatar được cho là nguồn cung cấp vũ khí chính cho quân nổi dậy.

Tiểu vương quốc vùng Vịnh này phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria dù cam kết ủng hộ lực lượng này bất kể thứ gì họ cần.

Hầu hết vũ khí được cho là trao cho các nhóm quân nổi dậy Hồi giáo theo đường lối cực đoan, đặc biệt là cho những nhóm có quan hệ với Anh em Hồi giáo - hoạt động với tư cách trung gian.

Theo tờ New York Times, máy bay vận chuyển của không quân Qatar đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng với vũ khí để cung cấp cho quân nổi dậy Syria từ sớm, tháng 1/2012. Vào mùa thu năm 2012, máy bay của Qatar đã hạ cánh xuống sân bay Esenboga, gần Ankara, hai ngày một lần.

Quan chức Qatar khẳng định rằng máy bay chỉ mang hàng viện trợ không chết người.

Ả rập Xê út

Ả rập Xê út gần đây đã đi đầu trong việc hỗ trợ tài chính và quân sự cho quân nổi dậy.

Không như Qatar, vương quốc tập trung vào việc hỗ trợ cho các phe phái thế tục và theo chủ nghĩa dân tộc của FSA.

Cuối năm 2012, Riyadh được cho là đã chi tiền mua "hàng nghìn khẩu súng trường và hàng trăm khẩu súng máy", rocket, máy phóng lựu và đạn dược cho FSA từ kho vũ khí do Croatia kiểm soát. Số vũ khí này được chuyển bằng máy bay vận tải C-130 của không quân hoàng gia Ả rập Xê út tới Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ rồi được chuyển lậu vào Syria.

Quan chức Ả rập Xê út từ chối bình luận.

Libya

Quốc gia Bắc Phi này là nguồn cung cấp vũ khí chủ chốt cho quân nổi dậy.

Nhóm các chuyên gia của Hội đồng Bảo an - chịu trách nhiệm giám sát lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Libya trong cuộc nổi dậy 2011, cho biết hồi tháng 4/2013 rằng có những vụ vận chuyển lậu vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ, gồm cả hệ thống phòng không xách tay, vũ khí loại nhỏ và đạn dược có liên quan, chất nổ, mìn.

"Điều quan trọng là quy mô của một số chuyến hàng....và các hoạt động hậu cần liên quan cho thấy đại diện của chính quyền địa phương Libya có thể biết về các vụ vận chuyển đó, dù không liên quan trực tiếp".

Châu Âu

Tháng 5/2011, Liên minh châu Âu áp đặt cấm vận vũ khí với Syria.

Khi cuộc nổi dậy bước vào năm thứ 3, một vài quốc gia thành viên của khối này, đi đầu là Anh và Pháp, đã vận động hành lang để có thể cung cấp vũ khí cho lực lượng "trung hòa" ở nhóm đối lập tại Syria.

Dù bị chia rẽ sâu sắc, các bộ trưởng ngoại giao vẫn nhất trí bỏ lệnh cấm vận vào tháng 5/2013.

Các nước thành viên EU không gửi vũ khí trực tiếp cho quân nổi dậy nhưng có một nước có liên quan tới các vụ vận chuyển vũ khí bí mật bằng đường không với quy mô lớn.

Mỹ

Mỹ thường xuyên cho biết, nước này miễn cưỡng phải cung cấp vũ khí trực tiếp cho quân nổi dậy Syria vì lo ngại vũ khí có thể rơi vào tay các nhóm chiến binh cảm tử. Tuy nhiên, vào ngày 14/6/2013, Washington nói, sẽ viện trợ quân sự trực tiếp cho quân nổi dậy sau khi quân đội Syria dùng vũ khí hóa học.

CIA được cho là giữ một vai trò quan trọng đằng sau những gì diễn ra ở Syria từ năm 2012 - điều phối các chuyến hàng vũ khí của lực lượng đồng minh Mỹ cho quân nổi dậy.

Tháng 6/2012, quan chức Mỹ cho biết, các nhân viên CIA hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định nhóm nào sẽ được nhận vũ khí.

Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ cho quân nổi dậy Syria song không chính thức phê chuẩn việc gửi viện trợ quân sự cho lực lượng này. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy gửi vũ khí cho quân nổi dậy Syria từ cuối năm 2012.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ giám sát hầu hết việc chuyển vũ khí bằng đường không từ Croatia sang Syria.

Jordan

Các vũ khí do Nam Tư sản xuất lần đầu tiên được thấy nằm trong tay các đơn vị của FSA tại nam Syria là đầu 2013. Số vũ khí này được chuyển lậu qua biên giới với Jordan.

Chính phủ Jordan phủ nhận vai trò và cho biết, đã cố gắng ngăn các vụ vận chuyển lậu. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy máy bay vận tải của không quân hoàng gia Jordan và máy bay thương mại của nước này liên quan tới việc chuyển vũ khí cho Syria từ Croatia.

Iraq

Quân nổi dậy Syria, phần lớn xuất thân từ cộng đồng Sunny ở nước này, được cho là nhận được vũ khí, đạn dược và chất nổ từ các bộ lạc và chiến binh Sunni ở nước láng giềng Iraq.

Vũ khí từ Iraq được vận chuyển lậu qua biên giới và được bán hoặc trao cho quân nổi dậy. Al Qaeda tại Iraq giữ một vai trò tích cực trong việc thành lập Mặt trận al-Nursa và cung cấp cho lực lượng này tiền, chiến binh, truyền kinh nghiệm.

Lebanon

Cùng với Iraq, cộng đồng Sunni tại Lebanon được cho là đã giúp đỡ cung cấp cho các chiến binh nổi dậy Syria vũ khí mua được trên chợ đen hoặc chuyển cho lực lượng này vũ khí từ các nước khác, gồm cả Libya.

Theo Hoài Linh
VietnamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.