Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay dân dụng mang số hiệu MH370 chở theo 239 hành khách cùng phi hành đoàn của hãng hàng không Malaysia Airlines xuất phát từ Kuala Lumpur (Malaysia) đi Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đột ngột mất tích sau khi cất cánh khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Ban đầu, màn hình tại sân bay quốc tế Bắc Kinh hiển thị một tin nhắn cho biết chuyến bay MH370 sẽ bị “chậm giờ”. Tuy nhiên ngay sau đó, hãng hàng không Malaysia Airlines thông báo họ đã mất liên lạc hoàn toàn với MH370. Trên chuyến bay có tổng cộng 239 người, trong đó có 154 người Trung Quốc, 73 người nước ngoài và 12 nhân viên phi hành đoàn.
Ngay khi nhận được tin báo, rất nhiều thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 đã có mặt tại khu vực sân bay quốc tế Bắc Kinh để ngóng chờ thông tin. Những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Hàng triệu người dân trên toàn thế giới đã cùng cầu nguyện cho số phận của hơn 200 người trên chuyến bay. Hàng loạt những thông điệp mong muốn MH370 quay lại và bình an đã được chia sẻ trên khắp các mạng xã hội.
Vụ mất tích bí ẩn của MH370 làm dấy nhiều nhận định khác nhau về vị trí máy bay gặp nạn. Dữ liệu của công ty vệ tinh Inmarsat cùng phân tích của Cục điều tra an toàn hàng không Anh (UAAIB) đã vạch lại hướng bay của MH370 trong ngày 8/3/2014 nhờ đo hiệu ứng Doppler của tiếng "ping" phát ra theo chu kỳ từ máy bay, từ đó khoanh vùng phi cơ gặp nạn. Ngoài vị trí máy bay gặp nạn, cơ quan điều tra và lực lượng chức năng cũng tích cực điều tra nguyên nhân máy bay gặp nạn, trong đó, không loại trừ khả năng MH370 bị không tặc.
Chiến dịch tìm kiếm MH370 với sự tham gia của ít nhất 26 quốc gia như Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Australia, Mỹ... đã được thực hiện tại khu vực Biển Đông rồi mở rộng ra phía Nam Ấn Độ Dương.
Thiếu tướng Lê Minh Thành, phó tư lệnh hải quân (thứ hai từ phải), hội ý với tổ bay thủy phi cơ DHC-6 tại sân bay Phú Quốc chiều 9/3/2014 trong chiến dịch tìm kiếm MH370. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hình ảnh các sĩ quan không quân Việt Nam trên trực thăng khi tìm kiếm máy bay mất tích xung quanh đảo Thổ Chu ngày 10/3/2014.
Trong suốt quá trình tìm kiếm máy bay mất tích, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã phát hiện ra nhiều vật thể lạ nghi của MH370. Tuy nhiên sau đó, những vật thể này đều được xác định không phải của máy bay mất tích.
Hình ảnh cuối cùng của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi, phải) và phi công phụ Fariq Abdul Hamid (trái) trước khi đặt chân lên chuyến bay MH370. Cuộc đối thoại cuối cùng của phi công trong buồng lái MH370 và đài kiểm soát không lưu ở Malaysia có nội dung "Ổn rồi, chúc ngủ ngon".
Ngày 14/3, Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak cùng Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Hishammuddin Hussein đã đến một ngôi đền gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur để cầu nguyện cho các hành khách và phi hành đoàn chuyến bay MH370.
Hàng nghìn người Malaysia cũng tập trung tại đây để cầu nguyện cho toàn bộ phi hành đoàn trên chuyến bay MH370.
Ngày 19/3/2014, 11 ngày trôi qua kể từ khi chiếc máy bay mất tích, thân nhân hành khách chuyến bay MH370 khóc lóc thảm thiết bởi họ không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm được nữa.
Ngày 24/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak chính thức xác nhận các phân tích vệ tinh cho thấy vị trí cuối cùng của chiếc máy bay MH370 mất tích là ở phía Tây thành phố Perth (Úc), trên khu vực phía nam Ấn Độ Dương, không một ai sống sót trong vụ việc này.
1 tháng sau khi chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất tích, rất nhiều người dân trên khắp thế giới đã cùng nhau thắp nến cầu nguyện.
Tháng 9/2014, 6 tháng kể từ khi MH370 mất tích đầy bí ẩn, nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong tâm trí những người ở lại. Trong ảnh: Anh Zhiliang lặng lẽ, đơn côi sau khi người vợ sắp cưới của mình mất tích trên chuyến bay MH370. Căn nhà trống vốn là nơi anh cùng vợ sắp cưới dự định trang trí và chuyển về chung sống.
Cuối tháng 1/2015, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm MH370 không thành, Malaysia đã chính thức tuyên bố vụ mất tích của chuyến bay MH370 là một "tai nạn" và toàn bộ 239 người trên khoang đã thiệt mạng. "Chúng tôi chính thức tuyên bố vụ việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines là một tai nạn... và toàn bộ 239 hành khách cùng tổ bay trên MH370 được coi như đã thiệt mạng", Reuters dẫn lời ông Azharuddin Abdul Rahman, Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia (DCA), cho biết trong một thông báo.
Ngay khi nghe được tuyên bố này, thân nhân của các hành khách xấu số không thể cầm được nước mắt, bật khóc nức nở. Suốt gần 1 năm qua, họ vẫn sống với niềm hy vọng nhỏ nhoi.
Ngày 1/3/2015, Phó thủ tướng Australia Warren Truss nói không thể kéo dài mãi việc tìm kiếm MH370. Tính đến nay, chi phí tìm kiếm MH370 ước tính khoảng 40,5 triệu USD, Australia và Malaysia đang cùng chia sẻ chi phí này. Đây được xem là cuộc tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Chính vì thế, các nước đang bàn bạc để đi đến quyết định ngừng tìm kiếm MH370.
Một tuần trước ngày MH370 mất tích tròn một năm, rất nhiều hoạt động tưởng niệm vụ máy bay MH370 mất tích đã diễn ra. Trong ảnh: Các thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 đang cầu nguyện cho các nạn nhân tại chùa Thean Hou (Kuala Lumpur).