Nguồn "tiền đen" khổng lồ cho phiến quân IS

Khác với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không chỉ trông chờ vào các khoản tài trợ từ những Mạnh Thường Quân ở vùng Vịnh, mà chúng còn lập ra một hệ thống kiếm tiền chuyên nghiệp rải đều trong các ngành nghề.

Khác với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không chỉ trông chờ vào các khoản tài trợ từ những Mạnh Thường Quân ở vùng Vịnh, mà chúng còn lập ra một hệ thống kiếm tiền chuyên nghiệp rải đều trong các ngành nghề.

Bên cạnh số tiền 2 triệu USD mỗi ngày cho việc buôn lậu, IS vẫn có thêm hàng trăm ngàn USD từ việc buôn đồ cổ cho đến buôn bán nội tạng người.
 

Buôn lậu dầu mỏ là một nguồn thu của IS. Buôn lậu dầu mỏ là một nguồn thu của IS.

 
Theo tin từ tờ Independent hôm 5/2, cảnh sát Tây Ban Nha vừa đập tan một băng nhóm tội phạm buôn bán cổ vật Ai Cập, bắt giữ 4 người Ai Cập và 1 người Tây Ban Nha. Trong số những hiện vật bị thu giữ, có nhiều món đồ trị giá 300.000 USD. Điều đáng chú ý là lợi nhuận của việc buôn bán đồ cổ này được chuyển cho các tổ chức thánh chiến ở Trung Đông, trong đó có IS.

Đại diện lực lượng cảnh sát ở thành phố biển Valencia, nơi thu giữ các cổ vật cho biết, đường dây buôn bán cổ vật này đã hoạt động vài năm nay. Chúng thường xuyên đưa các cổ vật quý, hiếm từ Alexandria tới châu Âu và bán cho những nhà sưu tập cá nhân trên thị trường đen. Vào thời điểm đường dây này bị phát hiện, một tàu chở hàng cũng đang mang tới cảng Valencia một container với 30 món đồ cổ trị giá gần 400.000 USD có nguồn gốc từ thành phố Aleppo lớn nhất của Syria.

Các số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây, hành vi phạm tội liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật đã tăng lên rõ rệt bởi hoạt động phi pháp này thu được lợi nhuận cao thứ 4, chỉ xếp sau ma túy, rửa tiền và buôn lậu vũ khí. Do đó, những phát hiện của cảnh sát Tây Ban Nha thực sự đã khiến nhiều quốc gia lo ngại. Bởi lẽ, IS đang chiếm một vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria, nơi cũng có nhiều cổ vật. Một quan chức tình báo Anh từng nói với The Guardian rằng, chỉ riêng ở al-Nabuk, một khu vực đồi núi phía Tây thủ đô Damascus  của Syria, IS đã có trong tay 36 triệu USD khi bán các cổ vật có niên đại lên đến 8.000 năm.

Chưa hết, tại Trung Đông hiện nay, tình hình bất ổn ở một số quốc gia khác như Ai Cập, Libya… đang tạo cơ hội lớn cho những tổ chức Hồi giáo cực đoan kiếm tiền bằng cách đánh cắp cổ vật. Được biết, kể từ khi cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Tổng thống Hosni Mubarak được tiến hành, số lượng các vụ đào trộm mộ cổ và cướp bóc cổ vật tại Ai Cập đã tăng gần 150 lần. Ngoài các khu vực khảo cổ, bọn trộm còn tấn công Bảo tàng Ai Cập tại thủ đô Cairo, nơi lưu trữ các cổ vật quý giá của các Pharaoh lớn nhất tại Ai Cập.

Mặc dù chưa xác định được chính xác lợi nhuận mà IS thu được từ việc liên quan đến buôn bán đồ cổ bất hợp pháp, cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây vẫn chỉ ra rằng, tổ chức khủng bố này có ít nhất 4 nguồn tiền lớn khác nhau. Tức là, ngoài số tiền có được từ buôn bán đồ cổ, nguồn tài chính của IS còn được bổ sung với những khoản lãi do kinh doanh người, buôn bán dầu mỏ trên thị trường chợ đen và nguồn tài trợ từ Qatar.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) hồi tháng 12 năm ngoái cho biết, ước tính khoảng 1/10 trong tổng số 2 tỷ USD thu nhập mỗi năm của IS có được là do buôn bán nội tạng người vì một quả thận trên thị trường chợ đen đã có giá dao động từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD. Để thực hiện việc này, IS đã thuê các bác sĩ phẫu thuật từ nước ngoài đến làm việc tại thị trấn Mosul, Iraq. Những bác sĩ này có nhiệm vụ duy nhất là tháo rời nội tạng người và đóng hộp bảo quản trong quá trình vận chuyển.

Các nội tạng này được cho là của những tay súng thiệt mạng hoặc bị thương nặng và những nạn nhân mà IS bắt cóc được. Không chỉ buôn nội tạng, IS còn có mạng lưới buôn người mà theo số liệu từ Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ (OHCHR) cung cấp thì có hơn 25.000 phụ nữ và trẻ em thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số bị tổ chức khủng bố cầm tù, cưỡng bức hay bán thông qua thành phố Raqqa của Syria. Ngoài ra, IS còn thu được một lượng tiền không nhỏ từ việc đòi tiền chuộc các con tin. Dù Mỹ và Anh có chính sách không trả tiền chuộc nhưng nhiều nước lại thực hiện việc đó. Nhiều gia đình gom tiền để đưa người thân bị bắt cóc trở về. Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, IS có thể kiếm khoảng 10 triệu USD tiền chuộc con tin trong những năm gần đây.

Trong khi đó, từ khi giành quyền kiểm soát nhiều vùng ở Iraq, IS đã được mệnh danh là tổ chức khủng bố giàu có nhất thời đại bởi chúng điều hành cả một mạng lưới bán dầu thô với giá dao động từ 25 USD đến 60 USD/thùng.

Trung bình mỗi ngày, IS thu khoảng 3 triệu USD nhờ việc bán dầu. Mặc dù đã nắm được đường đi từ những thùng dầu do IS khai thác, song đến nay, Mỹ vẫn chưa thể ngăn chặn được nguồn cung tài chính khổng lồ này của IS. Chưa hết, báo cáo từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, từ năm ngoái, IS đã nhận được ít nhất 2 triệu USD cho “các hoạt động quân sự” từ một nhà tài trợ tại Qatar. Người trực tiếp nhận món tiền này là thủ lĩnh cấp cao của IS Tariq bin al-Tahar al-Harzi, từng phục vụ trong tổ chức “Thế giới của những chiến binh đánh bom liều chết”.

Bên cạnh đó, tổ chức này còn có thêm sự ủng hộ tài chính của Ibrahim al-Bakr (37 tuổi), mang quốc tịch Qatar, từng có quan hệ thân thiết với một số thành viên cấp cao của chi nhánh mạng lưới Al-Qaeda ở Pakistan. Các thông tin tình báo Mỹ thu nhận được cũng khẳng định, nhờ có hàng triệu USD từ các nhà tài trợ này mà hồi đầu năm 2014, IS đã mở nhiều đợt tấn công và giành quyền kiểm soát một số thành phố lớn của Iraq, cụ thể là biến thành phố Raqqa trở thành “thủ phủ” của tổ chức này.

Theo CAND


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.