Trung Quốc biến thành 'con sói đơn độc' như thế nào?

Không chỉ gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc còn gây xích mích tại nhiều khu vực khác bởi lòng tham vô đáy của mình, dẫn đến hậu quả là "đụng đâu cũng thấy kẻ thù".

Không chỉ gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc còn gây xích mích tại nhiều khu vực khác bởi lòng tham vô đáy của mình, dẫn đến hậu quả là "đụng đâu cũng thấy kẻ thù".

Thời gian qua, tranh chấp trên Biển Đông đã trở nên vô cùng căng thẳng, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đã không ngừng đưa ra các hành động mang tính “ăn miếng trả miếng”. Mới đây nhất, động thái triển khai tập trận hải quân với sự tham gia của 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Bắc Kinh kết thúc ngày 24/5 càng khiến tình hình Biển Đông thêm sôi sục.

Đáng chú ý hơn, Trung Quốc lại đưa ra động thái này trong lúc tàu sân bay lớn hàng đầu thế giới của Mỹ - USS Nimitz đang có mặt ở Biển Đông, và điều đó cho thấy Bắc Kinh không hề “ngán” bất cứ thế lực nào và sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn trên Biển Đông với các bên có tranh chấp.

Dường như khi thế và lực tăng lên thì tham vọng của Trung Quốc lại ngày càng lớn, điển hình trong đó là âm mưu biến Biển Đông thành “ao nhà”. Chính điều đó đang khiến Trung Quốc ngày càng bị các quốc gia láng giềng “cô lập”, thậm chí là chính đồng minh thân cận bậc nhất của mình là Triều Tiên “ngoảnh mặt làm ngơ”. Và người ta cũng không loại trừ khả năng các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang lập thành liên minh để “bài Tàu”.

Philippines sẵn sàng “quyết một phen sống mái”

Quan hệ song phương Trung Quốc - Philippines đang ở trong trạng thái tồi tệ nhất kể từ vụ va chạm tại bãi đá cạn Scarborough mà phía Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham hồi tháng 4 năm ngoái. Hai bên liên tục đưa ra các động thái cứng rắn nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với khu vực này. Trung Quốc liên tục tung ra các chiêu cảnh cáo, đe dọa và phô diễn sức mạnh thị uy nhằm buộc Philippines phải chùn bước. Tuy nhiên, “bé hạt tiêu” Manila không những không sợ mà thậm chí còn kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế. Và căng thẳng lên đến đỉnh cao khi ngày 9/5 Manila được cho có hành động “rung cây dọa khỉ” khi Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này bắn chết một ngư dân Đài Loan, khiến quan hệ song phương Phi - Đài rơi vào trạng thái vô cùng tồi tệ. Giới phân tích nhận định, Đài Loan chỉ là cái “thớt” để Manila trút giận, và mũi rìu mà nước này thật sự muốn nhắm tới chính là Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng hiếu chiến trên Biển Đông.

Lời nói đi cùng việc làm, Manila cũng đang mạnh tay đầu tư cho tăng cường tiềm lực quốc phòng. Inquirer.net ngày 21/5 cho biết, Chính phủ nước này có kế hoạch đổ thêm 1,8 tỷ USD để tăng cường sức mạnh hải quân nhằm đối phó với Trung Quốc.

Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo chóp bu nước này, đặc biệt là Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng cũng có những tuyên bố khiến Bắc Kinh không khỏi “giật mình”. Tổng thống Aquino tuyên bố ngày 21/5 : “Đất nước Philippines là của người Philippines và chúng ta có năng lực cũng như sức mạnh để chống lại những kẻ bắt nạt đang xâm nhập vào sân sau của chúng ta”, tờ Inquirer.net cho biết. Mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin còn thề sẽ chiến đấu với Trung Quốc “đến người cuối cùng”.

Thách thức Nhật Bản - đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ

Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang trở nên vô cùng căng thẳng. Gần đây Nhật Bản liên tục phát hiện tàu ngầm lạ xuất hiện tại khu vực biển này, và Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng đó là tàu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Năm ngoái, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản từng đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào tàu này khi nó xâm nhập vào vùng biển tranh chấp. Sau đó, Nhật Bản còn tiến hành bắt giữ tất cả 14 người đi trên tàu Trung Quốc.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã có nhiều hành động mạnh mẽ, từ cảnh cáo Nhật Bản “phải trả giá” cho đến đe dọa “chiến tranh” nhưng điều đó chẳng khiến Tokyo nao núng. Không những thế, Nhật Bản liên tục có những hành động “ăn miếng trả miếng” đầy thách thức với Trung Quốc. Bắc Kinh leo thang đưa máy bay, chiến đấu cơ đến vùng trời ở khu vực tranh chấp thì Tokyo cũng đáp lại bằng việc triển khai các máy bay chiến đấu hiện đại đi chặn máy bay đối phương.

Triều Tiên ngoảnh mặt với đồng minh thân cận

Từ lâu, Triều Tiên vẫn được xem là đồng minh thân cận bậc nhất của Trung Quốc. Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên, trong khi Triều Tiên là “vùng đệm chiến lược” của Bắc Kinh. Tưởng như mối quan hệ “môi hở răng lạnh” này sẽ không phải trải qua những biến cố lớn, nhưng giờ đây nó đang phải chứng kiến những rạn nứt không nhỏ. Bắc Kinh đã hết sức phật lòng trước vụ thử hạt nhân và tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng, cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đang bị “mai một” tại bán đảo này. Ngược lại, Bình Nhưỡng còn có động thái bắt tàu cá Trung Quốc và đòi tiền chuộc. Người ta khó có thể hình dung kịch bản “đứa em ngoan ngoãn” ngày nào đang “quay lưng” lại với người anh cả của mình để tìm kiếm tiếng nói tự chủ lớn hơn.

Đối đầu với Ấn Độ

Các hành động hung hăng của Trung Quốc không chỉ dừng lại trên biển, mà nó còn táo tợn trên đất liền với “người khổng lồ” Ấn Độ. Giữa tháng 4, Trung Quốc đã khiến Ấn Độ sững sờ khi đưa 30 binh lính xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ khoảng 19 km và dựng một loạt trại ở đây. Bất chấp yêu cầu của New Dehli, Trung Quốc vẫn cố tình cắm chốt trong lãnh thổ của Ấn Độ suốt gần một tháng trời. Chưa hết, Bắc Kinh còn đưa máy bay xâm nhập vào sâu hơn trong không phận của Ấn Độ.

Thách đấu trên vũ trụ

Dường như đối đầu trên biển và đất liền chưa thỏa mãn sự “hung hăng, hiếu chiến”, Trung Quốc còn “mở loạt súng” trên vũ trụ. Ngày 13/5, Trung Quốc phóng một tên lửa vào vũ trụ nhưng không đưa một vật thể nào vào quỹ đạo. Trung Quốc đang dùng vỏ bọc của một vụ phóng tên lửa nghiên cứu khoa học để thử nghiệm một tên lửa đánh chặn có khả năng tiêu diệt vệ tinh, Voice of America ngày 16/5 nhận định.

Nói tóm lại, Trung Quốc đang mở một cuộc tấn công toàn diện, trên tất cả các hướng, từ trên biển, trên bộ cho tới vũ trụ, từ kinh tế, đến quân sự và ngoại giao để tìm kiếm vị thế siêu cường. Tuy nhiên, hành động và lối ứng xử hung hăng của Bắc Kinh đang khiến các nước láng giềng xa lánh. Chính điều đó không loại trừ khả năng các nước này sẽ liên kết với nhau, tạo thành liên minh đối trọng với Trung Quốc.


Theo Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.