Trung Quốc ngang nhiên phát hành bản đồ mới về Biển Đông

Trung Quốc đã lần đầu tiên phát hành bản đồ ghi rõ các đảo ở Biển Đông trong động thái tiếp theo hòng chiếm giữ chủ quyền toàn bộ vùng biển này.

  Trung Quốc đã lần đầu tiên phát hành bản đồ ghi rõ các đảo ở Biển Đông trong động thái tiếp theo hòng chiếm giữ chủ quyền toàn bộ vùng biển này.

Bản đồ trái phép của Trung Quốc về Biển Đông.
Bản đồ trái phép của Trung Quốc về Biển Đông.
 
Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) hôm qua thông báo lần đầu tiên nước này đã đánh dấu thể hiện rõ các đảo ở Biển Đông trên các bản đồ chính thức của nước này với tỷ lệ xích tương đương với Trung Quốc Đại lục.

Các bản đồ mới với định dạng theo chiều dọc, do Nhà xuất bản Sinomaps ấn hành, đã đề cập đến hơn 130 đảo và quần đảo ở Biển Đông. Phần lớn trong số này trước đây chưa được Trung Quốc mô tả trong các tấm bản đồ được định dạng theo chiều ngang.

Giám đốc Nhà xuất bản Sinomaps, Xu Gencai, cho biết mục đích ấn hành loại bản đồ mới nhằm tăng cường nhận thức của người dân Trung Quốc về lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc và thể hiện lập trường ngoại giao chính trị của nước này.

Theo Xu Gencai, bản đồ mới mô tả rõ ràng các đảo lớn trên Biển Đông, biểu thị mối quan hệ địa lý của các đảo này với các đảo, quần đảo phụ cận và những quốc gia xung quanh.

Ngoài ra, ở hai góc dưới cùng bên trái và phải của bản đồ lần lượt cho in hình các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.

“Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được mô tả ở góc dưới cùng bên phải với tỷ lệ bằng một nửa so với tỷ lệ xích của bản đồ mô tả Đại lục”, Zhou Beiyan, người biên tập nội dung các bản đồ này nói.

Trong khi đó, ở góc đối diện phía bên trái, bản đồ cũng mô tả hình ảnh thu nhỏ của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, thể hiện vị trí tương quan của quần đảo này với các đảo khác của Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc). Đảo Điếu Ngư hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.

Theo kế hoạch, NASMG sẽ công bố các tấm bản đồ mới này vào cuối tháng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh vùng biển Nhật Bản đang nóng lên từng ngày với việc cả Trung Quốc và Nhật Bản cùng phái các chiến đấu cơ tới đây.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) hôm qua đã phải điều 2 máy bay chiến đấu áp sát và truy đuổi một máy bay hậu cần của quân đội Trung Quốc bay vào khu vực phòng không của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Theo lý giải của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, máy bay quân nhu của quân đội Trung Quốc đang tiến hành “chuyến bay thông thường” trên vùng biển phía Đông Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, thì bị hai máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản áp sát và truy đuổi, buộc quân đội Trung Quốc cũng phải lập tức điều 2 hai máy bay chiến đấu J-10 xuất kích giám sát tình hình.

Theo bộ trên, quân đội Trung Quốc đang “cảnh giác cao độ” trước vụ việc, cũng như việc SDF gần đây “đã mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường trinh sát nhằm vào Trung Quốc”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ “kiên quyết bảo vệ an ninh vùng trời quốc gia”, đồng thời yêu cầu Tokyo “tôn trọng luật pháp quốc tế và không đe doạ an ninh khu vực”.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.