Trung Quốc phanh phui thêm một vụ sữa bẩn

Lợi dụng danh tiếng của đối tác, Xile Lier - một công ty sữa Trung Quốc, đã đem sữa bột đã hết hạn sử dụng trộn vào sữa bột nhập khẩu từ đối tác để bán kiếm lời.

Lợi dụng danh tiếng của đối tác, Xile Lier - một công ty sữa Trung Quốc, đã đem sữa bột đã hết hạn sử dụng trộn vào sữa bột nhập khẩu từ đối tác để bán kiếm lời.

Nhiều trẻ em Trung Quốc từng tử vong vì sữa nhiễm bẩn
Nhiều trẻ em Trung Quốc từng tử vong vì sữa nhiễm bẩn

Thông tin được kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đăng tải. Hiện người đại diện pháp luật của Xile Lier đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra. 

Theo CCTV, Xile Lier là đối tác phía Trung Quốc của Hero Group, một tập đoàn chuyên sản xuất sữa công thức lớn của Thụy Sỹ. Lợi dụng danh tiếng của đối tác, Xile Lier đã đem sữa bột đã hết hạn sử dụng trộn vào sữa bột nhập khẩu từ đối tác để bán kiếm lời. 

Đây là vụ bê bối an toàn thực phẩm mới nhất bị phát hiện tại Trung Quốc. Sữa bột dành cho trẻ em vốn là một sản phẩm rất nhạy cảm tại đây sau khi có ít nhất 6 em đã tử vong và 300.000 em khác bị bệnh hồi năm 2008 do đã uống sữa nhiễm chất độc hóa học melamine.

Kể từ đó đến nay, nhu cầu sữa nhập khẩu của nước này tăng vọt đến mức các siêu thị tại nước ngoài cũng khan hàng do các du khách Trung Quốc tới và mua gom số lượng lớn để chuyển về nước sử dụng hoặc bán lại. Mới tháng trước Hong Kong đã phải ra quy định mỗi du khách Trung Quốc đại lục khi rời đặc khu hành chính này chỉ được phép mang không quá 1,8kg sữa bột.

CCTV cho biết cơ quan công tố đã cáo buộc Xile Lier có nhiều hành vi phạm pháp bao gồm trộn sữa bột hết hạn sử dụng với sữa nhập khẩu, thay đổi hạn chót bán hàng trên bao bì và sửa đổi nhãn mác các loại sữa bột cho trẻ lớn thành các loại sữa đắt tiền hơn dành cho trẻ nhỏ.

Cơ quan chức năng thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, nơi Xile Lier đặt trụ sở chính khẳng định với hãng tin AFP rằng họ đã đóng cửa các dây chuyền sản xuất của nhà máy này từ tháng 11 năm ngoái sau khi có thông tin tố giác.

“Chúng tôi đã chuyển vụ việc cho cơ quan công an”, một quan chức họ Liu tại Cơ quan giám sát chất lượng và kỹ thuật thành phố Tô Châu khẳng định. Tuy nhiên các sản phẩm mang nhãn hiệu Hero Nutradefence vẫn được bán rộng rãi tại nhiều cửa hàng ở Trung Quốc.

Hero có trụ sở chính tại thành phố Lenzburg của Thụy Sỹ là một doanh nghiệp tư nhân với doanh số hàng năm gần 1,5 tỷ USD. Trong ngày hôm qua công ty trên vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc.

Theo AFP/Dân trí

Bình luận