Kẻ “đồng bóng" lên 2

Phút trước bé vừa cười như bắp rang bơ vì ráp được hai mẩu logo với nhau, phút sau bé đã khóc toáng lên cũng chỉ vì những mẩu logo ấy chẳng chịu nghe lời bé. Chưa kể bé con là kẻ “cả thèm chóng chán” khiến ba mẹ chẳng biết đâu mà chiều.

Ở độ tuổi lên hai, bé đã có thể biết đến mọi cung bậc hỉ nộ ái ố rồi. Nhưng bé còn lơ ngơ lắm trong việc nhận thức và điều khiển những cung bậc ấy. Việc giúp bé biết “chỉ huy” các cảm xúc của mình – đặc biệt là cảm xúc tiêu cực – quả là một thách thức đối với các bậc phụ huynh. Chưa kể, bởi chứng cứ chợt đến, chợt đi nên nhiều khi chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức.

Sussane Denham, tiến sĩ tâm lý người Mỹ, cho hay: “Những đứa trẻ được cha mẹ thường xuyên nói cho nghe về các cảm xúc của con người sẽ học được cách điều khiển cảm xúc của bản thân dễ dàng hơn”. “Thay vì đánh hay cào cấu ai đó, trẻ sẽ có khuynh hướng nói “tôi bực mình với bạn lắm”, Denham nói, “Khi ta nói về những cảm xúc, thậm chí là với một trẻ lẫm chẫm, là ta đang trao cho chúng một công cụ quan trọng để chúng sử dụng cho cả cuộc đời sau này”.

Ở độ tuổi lên hai, bé đã có thể biết đến mọi cung bậc hỉ nộ ái ố rồi.

Đi tìm nguyên do

Điều gì khiến ngay cả một bé bản tính vui vẻ lại dễ dàng nổi khùng? Đó chính là sự thất vọng. Mặc dù đã biết nói, nhưng khả năng giao tiếp của một bé lên hai còn giới hạn nên bé chưa thể bộc bạch hết những mong muốn của mình. Chị Thùy Linh nhớ lại cơn cuồng nộ của cô con gái đang chơi ở bên hàng xóm khi chị sang đón cháu về: “Ban đầu tôi tưởng Ly tức giận vì không được chơi tiếp. Sau mới vỡ lẽ: con bé muốn tự mặc áo khoác và nó cáu chỉ vì tôi không hiểu điều đó”.

Hai tuổi, bé cũng chưa biết chấp nhận những điều nó thích mà không được đáp ứng ngay. Mỗi khi không có được thứ mình muốn, bé có thể cảm thấy như thế giới… sập đến nơi. Ví dụ, nếu bạn bảo rằng bé không biết rằng có những cái khác cũng hay ho chẳng kém con dao kia.

Cũng may là tâm trạng thất vọng của bé chỉ như “mưa bóng mây” bởi bé rất dễ bị những điều mới mẻ thu hút. Nói chung, trẻ lên hai tò mò về mọi thứ xung quanh và khó mà tập trung vào một thứ nào đó quá ba phút. Bởi vậy bạn hãy lợi dụng thói “cả thèm chóng chán” này mà đánh lạc hướng con mỗi khi bé thất vọng vì bất ý. Chẳng hạn, khi bé đang la lối để đòi con dao, nếu bạn chỉ cho bé xem cái chậu giặt đầy bong bóng xà phòng, bé sẽ “tắt đài” ngay. Hoặc bạn chỉ cần dụ bé rời phòng bếp sang phòng ngủ (nơi có vô số thứ có thể đánh lạc hướng bé) là đủ để bé quên béng con dao.

Gọi tên cho cảm xúc

Dù đánh lạc hướng sẽ giúp bạn né được cơn tam bành của trẻ, nhưng bạn cũng cần nói với bé về cảm xúc của bạn đối với “cơn tam bành” ấy. Dĩ nhiên, đừng mong một đứa bé hai tuổi thay vì gào thét, ăn vạ lại nói với bạn rằng nó đang cáu giận, cô đơn, hay buồn chán (đơn giản là vì bé chưa thể điều khiển mọi cảm xúc cũng như ngôn từ của mình). Nhưng bạn cần giúp bé “đặt tên” cho những cảm xúc ấy.

Bằng những câu kiểu như: “Con đang cáu?”, hay “Mẹ biết con đang buồn”, bạn có thể giúp bé nhận ra rằng có những từ ngữ dùng để mô tả các cảm xúc của mình, cũng như hiểu rằng những cảm xúc ấy là hoàn toàn bình thường.

Nếu mỗi khi bé tức giận ném đi một mẩu ghép hình chẳng hạn, và bạn bảo, “ồ, con lại nổi cáu rồi”, thì dần dần, bé sẽ hiểu “cáu” là gì và biết dừng nó để nói lên cảm xúc tương ứng.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là bạn phải lờ đi những thói xấu của con. Bạn cứ thừa nhận những cảm xúc của con nhưng đồng thời phải dạy con không được vì thế mà có hành vi xấu. Ví dụ, có thể hỏi con rằng có phải bé giận vì mẹ buôn điện thoại lâu quá không, nhưng sau đó cần nhắc con rằng việc con đập bàn rầm rầm phản đối như thế là không được phép.

Thông điệp này dù bé chưa lĩnh hội được đầy đủ, nhưng sẽ đặt nền tảng cho bé một ý niệm quan trọng: những cảm xúc bột phát – dù là tiêu cực – là bình thường. Nhưng hành vi tiêu cực, gây tổn thương cho người khác là không được chấp nhận và sẽ không được tha thứ.

Đừng quên gọi tên cả những cảm xúc tích cực của trẻ (“Ly kem này làm con thích thú lắm nhỉ” hay “Chơi trốn tìm với bố mẹ khiến con rất vui, đúng không?”) để giúp bé phân biệt được cảm xúc này với cảm xúc khác, giúp bé hiểu rằng mọi xúc cảm, tốt hay xấu, là một phần tất yếu của cuộc sống.

Con sẽ biết thấu cảm

Ở độ tuổi luôn coi mình là “rốn vũ trụ”, bé chưa hiểu rằng người khác cũng có những cảm xúc, như mình. Nhưng một khi đã biết “gọi tên” những cảm xúc của chính mình, bé cũng sẽ biết gắn chúng cho những cảm xúc của người khác.

Chẳng hạn, Tít đã từng biết bực mình là thế nào, nên khi mẹ cậu kêu lên: “Tít ạ, mẹ đang bực mình đây”, Tít sẽ cảm nhận được rằng mẹ mình khó chịu như thế nào. Đây chính là cội nguồn cho đức cảm thông, khả năng đồng cảm với người khác. Tuy nhiên, khả năng này không thể có được một sớm một chiều mà cần được “mua dầm thấm lâu” suốt thời thơ ấu. “Bây giờ, khi đã ba tuổi, bé Ly đôi khi đã biết hỏi rằng mẹ có buồn không hay băn khoăn tại sao em Mi bên hàng xóm lại khóc ghê thế”, chị Thùy Linh kể.

Tuổi chập chững là thời kỳ tốt nhất để bạn đặt nền tảng giúp con hiểu về các mối xúc cảm. Bởi vậy, trong những năm đầu đời, bạn nên chú ý nói cho con hay về những xúc cảm hỉ nộ ái ố khác nhau của con người. Khi bạn giải thích cho con thấy người khác cảm nhận thế nào: “Mình không đánh Cò, vì như thế sẽ khiến Cò đau” hay “Con có buồn không nếu con bị đánh?”.

Kiềm chế được cảm xúc của mình, hiểu rõ cảm xúc của người khác để cảm thông với họ là những kỹ năng sẽ đồng hành với thành công của con bạn trong suốt cuộc đời. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn cho những đứa trẻ không được học những bài học quan trọng này.

Theo Phan Thị



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.