Mẹ gửi con về ngoại để tránh dịch sốt xuất huyết

Do lo lắng con mắc bệnh sốt xuất huyết, chị Hoa (Tương Mai – Hoàng Mai – Hà Nội) đã phải gửi con chưa đầy 1 tuổi về nhà ngoại để tránh bị mắc bệnh.

Do lo lắng con mắc bệnh sốt xuất huyết, chị Hoa (Tương Mai – Hoàng Mai – Hà Nội) đã phải gửi con chưa đầy 1 tuổi về nhà ngoại để tránh bị mắc bệnh.

Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lan rộng ra cộng đồng, trong thời gian qua ngành y tế Thủ đô liên tục có các chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch như: tuyên truyền diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất …

Một xóm trọ 5 người mắc sốt xuất huyết

Đó là thực tế đã xảy ra ở một số hộ dân tại phường Tương Mai (Hoàng Mai – Hà Nội). Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn với 54 ổ dịch, gần 100 trường hợp mắc bệnh, nhiều gia đình đã đưa trẻ đi “di tản” nơi khác vì lo lắng sốt xuất huyết sẽ lây bệnh sang cho con mình.
 

Chị Hoa đang trao đổi với nhân viên y tế cơ sở về bệnh tình sau khi được điều trị.

Chị Vũ Thị Hoa (Nguyễn Đức Cảnh – Tương Mai – Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi là người đã mắc sốt xuất huyết cách đây một thời gian, khi đó khu vực này rất nhiều người mắc, không còn cách nào khác tôi đành phải gửi con mới được vài tháng tuổi về nhà bà ngoại để tránh lây bệnh cho con”.

Chị Hoa khẳng định, mình mắc bệnh là do muỗi bên ngoài đốt hoặc lây từ cộng đồng chứ hoàn toàn không phải muỗi trong nhà đốt vì gia đình chị vệ sinh nhà cửa rất sạch. Theo chị Hoa, thời điểm chị mắc bệnh, khu dân cư nơi chị ở có rất nhiều người mắc phải căn bệnh này.
 

Nhiều khu trọ đóng cửa và nhân viên phun thuốc muỗi phải bắc vòi từ ngoài vào phun.

Theo ghi nhận của phóng viên cũng tại phường này, nhiều người dân là người đi làm thuê, sinh viên thuê trọ bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, có những xóm trọ 5 người mắc bệnh cùng một lúc. Nói về nguyên nhân mắc bệnh, bạn Hoàng cho biết: “Do đây là khu vực ẩm thấp, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên muỗi phát triển rất nhanh, hơn nữa do chúng em chủ quan, trời nóng ngủ không mắc màn nên có lúc cả 3 đứa ở phòng đều mắc bệnh và phải vào viện điều trị”.

Dù trên địa bàn dân cư có rất nhiều ổ dịch, thậm chí cán bộ y tế còn cho biết, đã đi tuyên truyền người dân về cách phòng chống sốt xuất huyết, nhưng việc tuyên truyền đến người dân thật sự chưa “trúng đích”.
 

Người dân này không hề biết muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng ở nơi tích nước sau tủ lạnh, lọ hoa tích nước...

Theo đó, khi thực hiện phỏng vấn nhanh một số người dân ở phường Tương Mai, còn nhiều người hiểu lầm về cơ chế sinh nở và phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Thậm chí, khi phóng viên hỏi về việc người dân có thường xuyên đổ nước ở sau tủ lạnh, thay nước ở lọ hoa ban thờ hay không? Lúc đó, người dân mới biết đó là nơi muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển.

“Tôi tưởng muỗi thì phải ở nơi tối tăm ẩm thấp, đẻ ở cống rãnh ao tù chứ ai biết đâu là nó chui vào nhà đẻ trứng. Tôi chưa thấy ai nói về việc này”, bà Nguyễn Thị Ánh cho biết.
 

Dù đã thông báo cả tuần nhưng cán bộ tổ dân phố vẫn phải bắc loa gọi người dân phun thuốc diệt muỗi.

Bắc loa đi gọi từng nhà

Theo ghi nhận của phóng viên sáng 28/9, tại phường Tương Mai tổ chức chiến dịch phun hóa chất phòng bệnh sốt xuất huyết tại các khu dân cư. Mặc dù đã được thông báo từ trước đó hơn 1 tuần, nhưng đến ngày triển khai rất nhiều nhà “cửa đóng, then cài” thậm chí còn có nhà “chống đối” bằng cách không cho phun hóa chất.

Lý do được người dân đưa ra là gia đình thường xuyên tự phun, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nên không có muỗi, hoặc cũng có trường hợp cho rằng phun hóa chất độc hại nên không đồng ý.
 

Một người dân nhất định không mở cửa cho nhân viên phun thuốc diệt muỗi.

“Cả năm nay giờ mới thực hiện phun dập dịch, chúng tôi mà chờ đợi chính quyền thì mắc bệnh hết lượt. Bởi, vậy chúng tôi phải tự túc phun định kỳ trước đó”, một người dân chia sẻ.

Trước tình trạng trên, các cán bộ y tế cơ sở, lãnh đạo tổ dân số phải đến từng nhà, bắc loa gọi cửa tuyên truyền từng hộ dân thực hiện phun thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng mở cửa và vui vẻ thực hiện.

“Có nhiều hộ dân đi làm không có nhà thật, chúng tôi phải phun từ bên ngoài vào. Nhưng cũng có nhà vì lý do này, lý do nọ không phun thuốc khiến chúng tôi vô cùng vất vả khi thực hiện phun hóa chất diệt muỗi trong khu dân cư”, một cán bộ tổ dân phố cho biết.
 
Rất nhiều gia đình đóng cửa dù đã được thông báo trước
 
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết, một cán bộ thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hà Nội, đồng thời là người giám sát việc phun hóa chất tại phường Tương Mai khằng định, khó khăn lớn nhất khi thực hiện đó là việc người dân không hợp tác. Bởi nhiều người nghĩ thuốc không an toàn cho sức khỏe chủa họ.
 
Cán bộ Y tế Dự phòng thành phố gọi cửa nhà dân để thực hiện phun thuốc diệt muỗi chống sốt xuất huyết.
 
Trước những nghi ngờ của người dân không còn cách nào khác là chúng tôi phải giải thích cho người dân hiểu và thực hiện phun thuốc đầy đủ, để phòng bệnh một cách tốt nhất.

Theo Khám phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.