“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc dạy trẻ

Khi trong gia đình có nhiều thế hệ như ông bà, cha mẹ, con cháu thì việc dạy trẻ sẽ rất khó khăn.

Với mục đích yêu thương và bảo ban trẻ, mỗi người đều muốn giáo dục trẻ theo cách riêng của mình. Điều này đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn đáng tiếc giữa các thành viên trong gia đình.

Khi trong gia đình có nhiều thế hệ như ông bà, cha mẹ, con cháu thì việc dạy trẻ sẽ rất khó khăn

Anh Hùng là con trai duy nhất nên khi lập gia đình, anh đã được cha mẹ chỉ giáo: "Vợ chồng con cứ sinh nhiều cháu cho ba mẹ vui”. Thế là hai đứa con trai song sinh của vợ chồng anh ra đời trong sự vui mừng của ông bà nội. Ông bà quý cháu nên tuần nào vợ chồng anh cũng phải đưa bọn trẻ sang chơi. Những lần sang thăm ông bà về, hai đứa con của anh Hùng thường nghịch phá nhiều hơn khi ở nhà mình.

Chúng hay lục tung chiếc tủ đựng mấy thứ vặt vãnh mà mẹ nó vừa sắp xếp đâu ra đó. Cơn ăn thì bỏ thừa, vừa ăn chúng vừa tranh giành nhau la hét chí chóe. Hỏi ra mới biết, những lần sang nhà ông bà chúng rất… thoải mái. Hóa ra ông bà vì quá thương mà cưng chiều cháu vô điều kiện.

Còn hai đứa con của vợ chồng chị Lan lâu nay vẫn chịu sự giáo dục “ngược chiều” của cha mẹ chúng. Anh Lộc, chồng chị Lan, là kỹ sư tại một công ty máy tính vốn tính cẩn thận nên mọi việc trong nhà nhất là việc dạy bảo bọn trẻ đều phải răm rắp theo ý của anh. Đứa con gái lớn năm nay vừa đến tuổi cặp kê nên giờ giấc học hành tại trường, rồi học thêm, học ngoại khóa đều bị anh kiểm soát rất chặt.

Mỗi ngày cứ theo thời khóa biểu của con gái được dán cạnh bàn làm việc của mình, anh Lộc biết ngay con gái học môn gì, về nhà lúc mấy giờ. Nhiều lần, con bé được bạn bè mời dự sinh nhật hoặc họp mặt anh cũng quản lý luôn việc “Con mua quà gì?”, “Hết bao nhiêu tiền?”, “Đi chơi xa hay gần? Bạn quen nhiều hay ít mà mời đi chơi”… Dần dần con bé cảm thấy khó chịu khi cứ bị ba nó kè kè xem xét mọi thứ, không thoải mái nên nó ít khi nhận lời đi đâu với chúng bạn.

Đứa con trai đang học cuối cấp một cũng không tránh khỏi sự quản thúc chặt chẽ của anh. Có lần thằng bé được cô giáo học thêm cho về sớm vì bận việc, thế là nó bị anh tra gặn mãi: “Vì sao cô giáo cho nghỉ? Con phải nói thật cho ba biết”. Sau đó, thằng bé phải tìm cách thanh minh mãi anh mới chịu tin con. Trong khi đó chị Lan lại không nghiêm khắc như chồng, chỉ cần “Các con thích là mẹ… chiều tối đa!” nên bọn nhóc đứa nào cũng… khoái mẹ hơn ba. Những lần không có anh ở nhà, hai đứa tha hồ vòi vĩnh mẹ đủ điều để rồi khi có ba ở nhà, mọi thứ lại đi vào quỹ đạo của nó như bấy lâu nay.

Thật ra, cha mẹ nào lại không thương con, ông bà nào lại không quý mến con cháu. Nhưng đôi khi, chỉ vì họ hiểu chưa đúng về cách thể hiện cũng như sự lo lắng dành cho bọn trẻ nên thường xảy ra những bất đồng… không đáng có. Theo các chuyên gia tâm lý vợ chồng cần thống nhất với nhau trong cách giáo dục con, tránh xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nó dễ tạo cho trẻ tâm lý hoang mang vì chẳng biết theo ai, bỏ ai để từ đó, có cái nhìn sai lệch về cha mẹ của chúng.

Còn với ông bà, bạn tránh nhắc đi nhắc lại trước mặt ông bà những câu nói mang tính chỉ trích như: “Bọn trẻ hư hỏng là do ông bà quá nuông chiều chúng!” hoặc “Khó có thể dạy dỗ gì bọn trẻ một khi chúng còn ở đây!”… Điều này không chỉ là cho vấn đề trở nên bế tắc hơn, mà còn làm cho mối quan hệ giữa ông bà và bạn dần trở nên xấu đi.

Theo Thủy Tiên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.