"Chơi vơi" và những điều đọng lại

Chơi vơi - bộ phim được chờ đợi nhất trong năm 2009 - cuối cùng cũng đã ra rạp sau buổi họp báo ra mắt báo giới ngày 1/11 vừa qua. Không quá xuất sắc kiểu dạng như xuất phẩm điện ảnh nhưng cũng không làm người xem thất vọng về cái tên Bùi Thạc Chuyên, Chơi vơi thực sự là một tác phẩm nên/ đáng xem, và nếu có xem lại cũng sẽ không cảm thấy nhàm chán.

Nếu đã từng thích Bùi Thạc Chuyên với sự quyết liệt, mạnh mẽ trong Sống trong sợ hãi thì khán giả có thể sẽ ngạc nhiên với Bùi Thạc Chuyên của Chơi vơi. Những khuôn hình không thực sự đa dạng về góc máy nhưng rất chỉn chu về bối cảnh, ánh sáng, cộng thêm đó là nhạc phim, tất cả làm nên một bộ phim hay. Khoan nói về diễn xuất, hãy nói về cách mà đạo diễn dựng phim và cách mà anh chuyển tải sự “không đầu không cuối” trong tác phẩm của mình.

Những lời thoại ngắn, được nói với tốc độ chậm như một sự trễ nải cố ý, nhịp phim cũng không nhanh, chuyển cảnh cũng không “mượt”, v.v…tất cả làm nên một sự “cố ý” không khó để thấy trong Chơi vơi. Nói theo cách của đạo diễn thì đó là cách mà anh muốn nó phải như thế chứ không phải là anh không thể làm tốt hơn thế.

Cũng có nhiều ý kiến trái chiều trong việc phân tích phim của Bùi Thạc Chuyên trong buổi ra mắt rằng tại sao anh không nên như thế này như thế kia nhưng tất cả đều được giải đáp bằng…nụ cười hóm hỉnh của đạo diễn. Kịch bản của Phan Đăng Di đã “chạm” được đến những vấn đề rất con người, về sự khao khát, về những kềm tỏa, về điều muốn và cần trong tận sâu mỗi con người và những rào cản để có thể bước qua, và về cả những lí do con người cần để bước qua những rào cản đó.

Xem phim, khán giả khó nhận biết được bối cảnh câu chuyện diễn ra trong thời điểm nào, yếu tố về thời gian chỉ cho thấy được đó thời điểm hiện đại, còn cụ thể hơn thì không có. Không gian của phim là những không gian đẹp, chỉn chu dưới sự “điều khiển” của họa sĩ Lã Quý Tùng. Một điều thú vị là những bối cảnh “rất Hà Nội” đó lại được dàn dựng bởi một họa sĩ… phương Nam.

Nói về diễn xuất của diễn viên Linh Đan, có thể nói, cô xứng đáng với những gì khán giả mong đợi về “đẳng cấp” của một diễn viên đã đoạt giải thưởng César - một giải thưởng danh giá và được coi là Oscar của điện ảnh Pháp. Tinh tế và thông minh là sự đánh giá xác đáng nhất cho diễn viên người Pháp gốc Việt này. Một vai diễn gần như “câm lặng” theo nghĩa đen về sự bộc lộ nội tâm, nhưng Linh Đan đã làm cho khán giả hiểu Cầm là một nhân vật như thế nào với sự chuyển thể có thể nói khó tìm ai khác ngoài Linh Đan cho vai diễn này.

Những động tác nhỏ như cái liếc mắt, buông bút sau khi nghe điện thoại lúc 3h sáng của Cầm, v.v… tất cả cho thấy cô đã không hoài công khi hi sinh thời gian và tiền bạc để tham gia Chơi vơi, như chính cô tâm sự với Bùi Thạc Chuyên bên lề của LHP Venice, rằng: Người đại diện nói rằng đây là một quyết định đúng đắn và hình ảnh Linh Đan chưa bao giờ đẹp như thế, nếu Bùi Thạc Chuyên có thêm bất cứ dự án nào mới, hãy gọi cô. Một sự chia sẻ đủ để người đạo diễn cảm thấy ấm lòng sau những nhọc nhằn đã qua, như chính anh tâm sự trong buổi họp báo.

Và sự "ảnh hưởng" từ Trần Anh Hùng

Ai cũng biết Trần Anh Hùng đã giúp đỡ Bùi Thạc Chuyên trong phim ngắn Cuốc xe đêm và với Chơi vơi, cũng có dấu ấn của Trần Anh Hùng từ lúc bản thảo kịch bản còn đang dở dang. Chính Trần Anh Hùng đã cùng với Bùi Thạc Chuyên và Phan Đăng Di sửa chữa kịch bản từ những trang đầu tiên, những dòng chữ nhận xét của Trần Anh Hùng đã giúp đỡ đạo diễn của Sống trong sợ hãi vững tin vào lựa chọn của bản thân. Đó là sự ảnh hưởng “thầm kín” của Trần Anh Hùng ở phương diện “con chữ”, còn ở phương diện “hình ảnh” cũng không khó để phát hiện những điểm tương đồng.

Cảnh Hải (Duy Khoa) nhìn thấy lũ trẻ đá bóng dưới mưa từ khung cửa sổ chỗ khách hàng đánh bạc thực sự là một hình ảnh đẹp và rất quen thuộc với những người dân Hà Nội, và tất nhiên nó cũng gợi lên những “mỹ cảm” rất duy mỹ kiểu Trần Anh Hùng. Hay đến bối cảnh trong căn phòng của đôi vợ chồng trẻ với gam màu đồng nhất, cảnh tắm, v.v… tất cả những điều đó gợi nhắc một cách “kín đáo” về Trần Anh Hùng và sự tác động của đạo diễn Việt Kiều này với thế hệ đạo diễn 7x như Bùi Thạc Chuyên, Ngô Quang Hải và có thể sắp tới là Phan Đăng Di.

Nếu để nói Chơi vơi là một bộ phim tuyệt vời, e rằng đó là một lời khen quá mức cần thiết, nhưng nó xứng đáng nằm trong danh sách một trong số ít những nên xem của điện ảnh Việt trong vòng vài năm trở lại đây. Sự đồng bộ từ diễn viên cho tới toàn tâm toàn ý của ê-kíp làm phim đủ để khuyến khích những ai quyết tâm theo đuổi một dòng phim độc lập kén khán giả.

Về diễn xuất, Đỗ Hải Yến đã thấy rõ sự “trưởng thành” trong Chơi vơi. Sự chín của Đỗ Hải Yến trong phim đủ để khán giả và bất cứ đạo diễn nào khác tin tưởng giao vai cho cô, nhất là những vai diễn khó về nội tâm. Johnny Trí Nguyễn trong Thổ là một dạng vai gần như “đo ni đóng giày” nên không có gì phải nói nhiều. Mặc dù là một nhân vật quan trọng trong đường dây kịch bản phim nhưng Thổ không để lại ấn tượng nhiều, trừ ngoại hình.

Với vai Thổ, Johnny Trí Nguyễn gần như là sự lựa chọn “duy nhất” trong các nam diễn viên hiện nay của điện ảnh Việt, nhưng chưa chắc “duy nhất” bằng “tốt nhất”. Một NSND Như Quỳnh xuất hiện trở lại với dạng vai bà mẹ quen thuộc nhưng điều Như Quỳnh làm được chính là thể hiện ra chất của một bà mẹ thương con hết mực với những chi tiết nhỏ nhặt nhất và cũng “rất Hà thành”.

Với từng đó, thật khó có thể đòi hỏi chị làm tốt hơn nữa. Bất ngờ nhất chính là Hạ Hồng Vân, cô diễn viên nhí, đã vào vai một cách xuất sắc trong vai cô bé hàng xóm với gia cảnh đặc biệt. Cô diễn viên này diễn tự nhiên như thể đó là phiên bản ngoài đời của chính diễn viên được mang vào phim.

Duy Khoa, một diễn viên nghiệp dư chỉ qua một khóa 3 tháng đào tạo diễn xuất của Hãng phim truyền hình Việt Nam vào vai Hải cũng khá tốt. Không có ý “cộng thêm” chuyện nghiệp dư và lần đầu đóng vai nam chính trong 1 bộ phim truyện nhựa để “bào chữa”, nhưng công bằng mà nói, Duy Khoa đã thể hiện được khá tốt tinh thần của vai Hải.

Một điều đáng tiếc cho Chơi vơi là lịch chiếu của bộ phim chưa thực sự đẹp. Mỗi ngày chỉ có 2 suất chiếu vào lúc 10h và 12h thì khó có thể hi vọng được sẽ thu hút được khán giả. Phim sẽ được khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 13/11.

Nguyễn Hà -



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.