Phụ huynh “chịu chết” với lời khen danh hiệu cuối năm của con

Thay vì đánh giá xuất sắc, giỏi, tiên tiến như trước đây, cách ghi giấy khen theo phương thức mới khiến nhiều phụ huynh... “chịu chết” với các loại kiểu danh hiệu “hiểu sao cũng được”.

Đã sang năm thứ hai, các trường thực hiện đánh giá khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30/2014/TT- BGDĐT. Thay vì đánh giá xuất sắc, giỏi, tiên tiến như trước đây, cách ghi giấy khen theo phương thức mới khiến nhiều phụ huynh... “chịu chết” với các loại kiểu danh hiệu “hiểu sao cũng được”.

Không biết lực học của con ở “ngưỡng” nào

Vừa đăng lại chiếc giấy khen năm ngoái con gái học lớp 2, anh Phan Anh Tuấn (Hải Phòng) vừa tỏ ra băn khoăn: “Năm ngoái con gái đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện, không biết năm nay con sẽ đạt danh hiệu gì đây.

Giấy khen thì ghi “Đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện” nhưng trong tổng hợp đánh giá cuối năm học của con, ở mục khen thưởng, đi kèm với danh hiệu này còn có thêm danh hiệu “cháu ngoan bác hồ”, thật là quá phức tạp”.

Chị Thu Hà (KĐT Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ, dù sao danh hiệu ghi trong giấy khen như trên đây vẫn còn ngắn gọn dễ hiểu chứ một số người bạn của chị, nhận giấy khen của con về mà không hiểu đạt danh hiệu gì.

Chẳng hạn, có cháu được ghi trong giấy khen: “Có thành tích về rèn luyện và học tập” hoặc “đạt danh hiệu học sinh xuất sắc về kiến thức kĩ năng các môn học, năng lực phẩm chất tốt”. Thậm chí có trường còn ghi vào giấy khen: “Có thành tích trong học tập và rèn luyện”, “có thành tích trong hoạt động ngoài giờ”... thì đến... chịu chết.

Giấy khen năm ngoái của con gái anh Tuấn, tương đương danh hiệu học sinh xuất sắc trước đây

Thực tế, băn khoăn của anh Tuấn, chị Hà cũng là điểm thắc mắc của một số phụ huynh học sinh. Cô Thu Hường- một giáo viên Đại học ở Hà Nội cho rằng, danh hiệu cần phải được ghi cụ thể, không nên ghi quá chung chung khiến nhiều gia đình không biết cuối năm, con em mình đang ở “ngưỡng” nào, sẽ rất khó để kèm cặp.

Được biết, trước đây, việc ghi danh hiệu vào giấy khen của học sinh thường là “Đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, học sinh khá, học sinh trung bình”, tương đương với các mức điểm 9-10, 7-8...

Tuy nhiên, sau khi có Công văn số 39/ BGDĐT-GDTH ngày 6/1/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, việc ghi giấy khen phải hết sức linh hoạt, phải dùng các câu nhận xét thế nào để tương ứng với từng trình độ, không theo khuôn mẫu có sẵn trước đây. Vì vậy, mới có chuyện mỗi nơi một kiểu giấy khen, mỗi trường mỗi kiểu nhận xét như hiện nay.

Giáo viên hiệu trưởng đều khổ

Cô Đoàn Thủy, một giáo viên tiểu học ở Quảng Bình cho hay, mặc dù chưa tổng kết học kỳ này nhưng như năm ngoái, ở trường mình, việc ghi danh hiệu vào giấy khen được giáo viên phối hợp cùng nhà trường để có lời phê chính xác từng năng lực của học sinh.

Theo đó, đối với mỗi trình độ, sẽ tương ứng với những danh hiệu “mềm mại” hơn trước đây. Chẳng hạn, tương đương với trình độ học sinh giỏi trước đây, nay sẽ ghi vào giấy khen là “Hoàn thành xuất sắc trong học tập và rèn luyện”. Tương tự, đương danh hiệu học sinh tiên tiến trước đây, nay danh hiệu này được ghi là: “Hoàn thành tốt trong học tập rèn luyện”...

Tổng hợp đánh giá cuối năm, mức khen thưởng là “Học sinh xuất sắc toàn diện” và “Cháu ngoan Bác Hồ”

Tuy nhiên, cũng theo cô giáo này, ở một số trường khác lại có cách ghi giấy khen phong phú hơn. Chẳng hạn với danh hiệu học sinh giỏi trước đây, nay ghi là: “Có thành tích vượt trội trong học tập” hoặc “Có tiến bộ trong học tập” (tương đương danh hiệu học sinh tiên tiến).

Cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cho hay, vận dụng đúng TT30, học sinh tốt mặt nào khen mặt ấy nên các em sẽ không thiệt thòi và lời khen là để động viên, giúp các cháu nỗ lực.

Vì thế, cuối năm hoặc cuối kì chúng tôi cứ mở đúng quy chế ra, mỗi cháu phải có một lời khen riêng trong giấy khen sao cho thích hợp với quá trình học tập. Chẳng hạn, học sinh xuất sắc thì ghi: “Học sinh hoàn thành nhiệm vụ toàn diện” hoặc “Học sinh hoàn thành tốt môn Toán/hoàn thành tốt môn Tiếng Việt”, “Học sinh hoàn thành tốt môn Đạo đức”...

Cô Ngọc cho hay, mặc dù nhà trường chưa đến mức phải tham khảo “ngân hàng lời nhận xét” để ghi danh hiệu cuối năm. Tuy nhiên, giai đoạn tổng kết học kỳ thế này, cả giáo viên và hiệu trưởng đều quá vất vả. Nhất là các giáo viên bộ môn, dạy bao nhiêu lớp phải ghi nhận xét đánh giá bấy nhiêu quyển.

“Hiệu trưởng nhà trường cũng phải làm việc ở trường đến 7-8h đêm mới về nhà. Chẳng hạn trường có 1.700 học sinh thì kí hàng nghìn cuốn sổ học bạ, rồi kí “tươi” giấy khen cho ngần ấy em cũng đến còng cả tay.

Đấy là chưa kể phải nghĩ lời khen sao cho cả phụ huynh và học sinh đều thấy vui vẻ và hiểu nghĩa. Tuy nhiên, điều an ủi là những lời nhận xét trên giấy khen, qua qua kiểm tra phụ huynh và học sinh khi nhận giấy khen vào cuối năm ngoái, chúng tôi thấy nhiều người cũng khá hài lòng”, cô Ngọc nói.

Được biết, trên nhiều diễn đàn dành cho cha mẹ, nhiều phụ huynh cho rằng cứ cuối năm là “nhà nhà” đều nhận được giấy khen, không khen mặt này thì khen mặt khác. Cô Thủy và cô Ngọc đều cho rằng, việc khen ngợi này là đúng với tinh thần của thông tư 30, khen chủ yếu là động viên khích lệ các em chứ không phải để phân loại học sinh như trước.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.