Gian lận thi cử đã trở thành một “trào lưu” phổ biến ở Ấn Độ, nơi có nền giáo dục "học thuộc lòng" đã lạc hậu và quá chú trọng bằng cấp.
Nữ sinh Payali, khi còn 15 tuổi đã hiểu rằng mình đang làm sai khi vội vàng viết thật nhanh những công thức vào tay, trước khi bước vào một trong hàng nghìn phòng thi trên khắp đất nước Ấn Độ.
Nhưng giống như nhiều học sinh khác, áp lực phải vượt qua những kỳ thi hàng năm là quá cao, nên Payali không còn cách nào khác ngoài việc gian lận như thế để đạt được kết quả mong muốn.
Bởi nếu trượt kỳ thi này đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội thoát nghèo mà cả gia đình em mong mỏi bấy lâu.
“Có quá nhiều kiến thức cần phải nhớ để làm tốt bài thi. Bên cạnh đó, còn có áp lực từ cha mẹ, giáo viên thậm chí là sự cạnh tranh với bạn bè đồng trang lứa" – một nữ sinh ở New Delhi, xin giấu tên, giải thích.
Payali, giờ đã 17 tuổi và chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp trung học, chia sẻ: “Nếu như không thể kiểm soát mọi thứ trong phòng thi, bạn sẽ thất bại."
Gian lận thi cử đã trở thành một “trào lưu” phổ biến ở Ấn Độ, nơi các trường công đặc biệt quan tâm đến điểm số và các kỳ thi ở mọi cấp. Có vô số cách gian lận trong phòng thi, từ những cách cổ điển như dùng “phao”, tài liệu đến những phương tiện hiện đại như máy ảnh công nghệ cao.
Truyền hình Ấn Độ tháng trước đã ghi lại được cảnh hàng chục người thân của thí sinh trèo lên tường của phòng thi để đưa tài liệu cho những thí sinh đang làm bài thi qua cửa sổ tại Bihar, một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ. Dù những giám thị và cán bộ coi thi nhìn thấy nhưng lại lờ đi.
Những hình ảnh thế này đang ngày càng trở nên phổ biến ở Ấn Độ |
Cảnh tượng này hồi tháng trước đã trở thành một trong những chủ đề nóng trên các trang mạng và cả báo chí quốc tế, gây ảnh hưởng xấu đến những người cầm quyền ở Ấn Độ.
Vì thế, họ đã tổ chức một gặp mặt với người nhà của những thí sinh này và quyết đinh xử phạt hành chính những người vi phạm. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục của quốc gia này nhận thấy điều này không thực sự có tác dụng.
Tình trạng gian lận thi cử đang thể hiện rõ sự yếu kém của các trường học ở Ấn Độ, đó là sự đông đúc, quá tải, cơ sử vật chất thiếu thốn và cách dạy học lạc hậu: cho học sinh ghi chép bài rồi học thuộc lòng.
Arjun Dev, cựu giám đốc của một cơ quan khuyến học của chính phủ nhận xét rằng hệ thống giáo dục nước này "quá chú trọng những kỳ thi kiểm tra trí nhớ, dập tắt khả năng sáng tạo và tư duy logic của học sinh".
"Hệ thống giáo dục như vậy khiến học sinh ngày một dốt nát hơn. Nó không trang bị các kiến thức cần thiết cho học sinh mà chỉ đề cao tầm quan trọng của thi cử, và coi thành công chỉ được đánh giá bằng bằng cấp.", ông nói.
"Và cho đến khi Ấn Độ thay đổi được hệ thống giáo dục “thất bại” này thì tình trạng gian lận vẫn sẽ tiếp diễn trong những kỳ thi. Đơn giản là như vậy”.
Trước mùa thi sắp tới, cơ hội thoát nghèo duy nhất của những học sinh cũng ngày một đến gần, tình trạng gian lận ở quốc gia nàyvẫn sẽ tăng cao hơn vì đó là cách duy nhất để họ có thể có một công việc tử tế hay một vị trí ở trường đại học.
Chính vì vậy, nhiều gia đình nghèo ở nước này cảm thấy họ buộc phải làm một điều gì đó để giúp cho con em họ có một chỗ đứng tốt hơn trong xã hội. Điều này, cùng với nền văn hóa tham nhũng tràn lan ở Ấn Độ, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thi cử ngày một cao hơn.
Một chiếc bút có camera bí mật thường dùng cho việc quay cóp, được bán ở Ấn Độ. |
Các học sinh có điều kiện kinh tế khá hơn còn tìm đến những phương tiện hiện đại như camera giấu trong cà vạt, bút và áo ngực có tích hợp công nghệ truyền dẫn dữ liệu bluetooth được bày bán trong các cửa hàng nằm khuất trong những khu ngõ hẹp của phố cổ tại Delhi.
Thủ tướng Nerenda Modi, người vừa lên nắm quyền đã lên tiếng kêu gọi thay đổi mô hình giáo dục, chuyển từ kiểu “học vẹt” sang cách dạy hiện đại hơn, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh.
“Bộ máy giáo dục của chúng ta không thể giống như quy trình sản xuất robot. Làm ra những con robot là việc của phòng thí nghiệm. Vì vậy, chúng ta cần ưu tiên giáo dục nhân cách và kỹ năng cho học sinh." - ông Modi phát biểu tại một trường đại học. "
Được biết. Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ dân số biết chữ là
65%, rất thấp so với nước láng giềng là Trung Quốc, nơi 95% dân số biết
chữ.
Thu Phương (Theo South China Morning Post)