Bấm bụng nộp tiền đầu năm

Chuẩn bị bước vào năm học mới, cùng với việc hỏi han tình hình học tập, trường lớp của con cái thì câu chuyện được chia sẻ nhiều nhất có lẽ là những khoản đóng góp đầu năm.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, cùng với việc hỏi han tình hình học tập, trường lớp của con cái thì câu chuyện được các ông bố, bà mẹ chia sẻ với nhau nhiều nhất có lẽ là những khoản đóng góp đầu năm.

Niềm vui của người mẹ có con trai chính thức trở thành sinh viên lớp 1 chưa kịp nguội thì cô bạn tôi đã phải thốt lên: Thằng K đi học tốn tiền quá. Đóng đầu năm đã gần 5 triệu rồi. Nếu tính cả tiền học trái tuyến nữa là ngót 10 triệu. Như thế là tiền chi tiêu tháng này của cả nhà “âm” nặng rồi.

Phụ huynh, học sinh, tiền trường
Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Internet)

Điều khiến người mẹ này cảm thấy sốc là cũng vào lớp 1 mà số tiền đóng góp của đứa cháu ở quê rất ít nên chẳng ai kêu ca than vãn gì. Còn con chị, từ tiền học 2 buổi một ngày, tiền ăn bán trú, tiền chăm sóc bán trú, tiền vệ sinh, tiền xây dựng, tiền điều hòa tiền đồng phục, tiền quỹ trường, tiền quỹ lớp, tiền bảo hiểm… Tiền học tiếng Anh cũng mất hơn 500 nghìn mỗi tháng. Khoản nào cũng đóng góp mấy trăm nghìn đến cả triệu đồng, lại đóng dồn dập cùng một lúc thì không bức xúc sao được.

Chị bảo không ngờ một đứa trẻ đi học lại đóng góp nhiều khoản hơn cả một tân sinh viên. Nhiều đến nỗi chị cũng không nhớ chính xác tên các khoản đóng góp nữa. Khổ nhất là bức xúc đấy nhưng vẫn phải bấm bụng “làm thinh” không dám ý kiến thắc mắc gì, nhanh chóng xoay xở để đóng góp cho đầy đủ. Vì, nhỡ thắc mắc rồi bị cô giáo ghét sẽ ảnh hưởng đến việc học của con.

Một đồng nghiệp khác của tôi thì than rằng: Em ơi, đến cái rèm cửa cũng có tên trong khoản đóng góp. Họ thu tiền cứ như sẽ trang bị mới toàn bộ đồ dùng trong phòng học vậy. Điều hòa, bảng, tủ để đồ có rồi mà vẫn thu tiền...

Tôi hỏi chị sao không thắc mắc với giáo viên để được giải thích rõ ràng mục đích của từng khoản đóng góp. Chị không ngần ngại nói: Có điên mới thắc mắc. Thắc mắc để cô nhớ mặt rồi “trù” con mình à!

Động viện chị thế song tôi hiểu rằng, có mấy phụ huynh bạo gan thắc mắc chuyện đóng góp với giáo viên đâu. Con mình giao phó cho giáo viên và nhà trường dạy bảo suốt cả năm học, muốn “bắc cầu Kiều” còn chẳng xong nữa là…

Đã trải qua kinh nghiệm đóng góp đầu năm học, nhất là đầu lớp 1, khi cả phụ huynh và học sinh đều bỡ ngỡ trước một môi trường mới, những quy định mới, tôi cho rằng những khoản thu đầu năm giống như một con “ngáo ộp” đi dọa người vậy.

Nào là tiền xây dựng, tiền lắp đặt điều hòa, tiền đồng phục, tiền quỹ trường, quỹ lớp, tiền học phí, tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú,… hàng chục khoản cứ nối đuôi nhau. Đấy là chưa kể những khoản nho nhỏ khác như: nước uống, giấy ăn, giấy vệ sinh, thiết bị rửa tay khử trùng, tiền mua vở viết, tiền nhãn vở, tiền photo phiếu bài tập, tiền sổ liên lạc điện tử, hỗ trợ tiền điện...

Đồng ý là những khoản thu này đều là để phục vụ cho học sinh nhưng thu sao cho đúng, cho hợp lý chứ không thể lạm thu. Điển hình là máy điều hòa, ở thành phố lớn như Hà Nội thì hầu như lớp nào cũng đều lắp điều hòa rồi, nhưng sao trường nào cũng thu từ 500.000 – 700.000 đồng cho khoản này đầu năm học? Hay bảng chống lóa, bảng tương tác, máy chiếu... chả lẽ năm nào cũng mua mới.

Nói chung ngoại trừ một số khoản quy định như: học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền ăn bán trú, những khoản thu liên quan đến chủ trương xã hội hóa giáo dục thường phát sinh nhiều vấn đề, gây bức xúc cho phụ huynh.

Việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1 và 2 hiện nay cũng làm phát sinh một khoản thu tương đối lớn đầu năm học. Theo chương trình giáo dục tiểu học, tiếng Anh được dạy chính thức từ lớp 3. Nhưng hiện nay hầu hết các trường đều liên kết với các trung tâm Anh ngữ để dạy tiếng Anh cho học sinh theo hình thức tự nguyện.

Tùy theo uy tín của các trung tâm này mà học phí cũng khác nhau, có trường chỉ khoảng 150.000 đồng/tháng nhưng có trường lại lên đến 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Nếu trường thu theo từng học kỳ thì tổng số tiền đóng góp sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên nhiều phụ huynh không hiểu rõ, cho rằng học tiếng Anh là bắt buộc nên tham gia đầy đủ. Có người vì sợ con bị “cô lập” nên dù không muốn học tiếng Anh sớm hoặc hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng chạy theo cả lớp.

Năm nay, con tôi lên lớp 3. Trước mắt đã nhận được thông báo đóng tiền BHYT hơn 540 nghìn đồng (tăng gần gấp đôi so với năm học trước) và 60.000 tiền vở dùng cho học kỳ 1. Vâng, vở viết phụ huynh có thể tự mua cho con được nhưng năm nào giáo viên cũng “mua hộ”. Năm nay trường lại xây dựng thêm một dãy nhà mới, liệu khoản tiền xây dựng có tăng lên không?

Chuẩn bị sẵn tâm lý và tiền bạc, tôi đang chờ thông báo nộp tiền khi năm học mới chính thức bắt đầu. Dù thế nào cũng vẫn phải bấm bụng rút ví!

Theo Quyên Đỗ/ VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.