Chưa vào năm học phụ huynh đã đau đầu vì tiền, điểm

Nửa tháng nữa mới khai giảng năm học mới, nhưng thời điểm này trên một số diễn đàn phụ huynh truyền nhau sự ấm ức vì "bị" gợi ý cho con đi học hè.

Còn nửa tháng nữa mới khai giảng năm học mới, nhưng thời điểm này trên một số diễn đàn phụ huynh truyền nhau sự ấm ức vì "bị" gợi ý cho con đi học hè. Thậm chí đã có phụ huynh bức xúc vì nộp nhiều khoản.

đầu năm, khai giảng, năm học mới, học hè, học thêm
Ảnh minh họa

Năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu không học hè trước 20/7, nhưng một số phụ huynh cho biết nhà trường vẫn “động viên” các cháu tới trường.

Chị Hằng – ở Hà Đông (Hà Nội) có con năm tới vào lớp 4 chia sẻ, thực ra nhà trường đã gọi các cháu lên tập trung từ hồi tháng 7, có học một vài buổi ở trường. Nhưng sau lấy lý do là quy định không được học trước tháng 8 nên “cháu nào muốn học thì chuyển về học ở nhà cô”.

“Đến nhà cô học thì cô cũng chỉ giao bài tập cho làm, rồi cô lại làm việc của cô, cuối giờ chữa bài. Thế nên mình không cho con đi học thêm nhà cô, mà giao bài cho cháu làm ở nhà. Một phần cũng vì hai vợ chồng bận đi làm, không có ai giữa giờ đến đón con từ nhà cô về được nên yêu cầu cháu tự ôn luyện ở nhà trong cả kỳ nghỉ hè” – chị Hằng nói.

Theo chị, bây giờ áp lực học hành cũng không đến mức nặng nề lắm nên chị quyết định không cho con đi học thêm, tuy nhiên cũng rất nhiều phụ huynh cho con tới nhà cô ôn luyện trong dịp hè.

Chị Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) cũng chọn cách không cho con đi học thêm dịp hè. Mong muốn con hưởng trọn vẹn một mùa hè được vui chơi bên gia đình, chị Nguyệt lên kế hoạch cho con khám phá một số nơi để phát triển kỹ năng sống, tăng khả năng giao tiếp trước đám đông. Nhưng khi con bắt đầu trở lại trường học, ngay trong một vài ngày đầu tới lớp, chị đã nhận điện thoại của cô thông báo "hôm nay con bị điểm 1 môn Toán". Nhận tin cô chị có phần sốc vì chưa vào năm học đã "căng thẳng" chuyện điểm. Rồi chị nghĩ, không biết có phải là cảnh báo của cô vì suốt thời gian hè không cho con đến học, dù cô có nhận các bạn kèm thêm?

‘Đứt hơi’ với tiền đầu năm

Trên diễn đàn Web trẻ thơ, một ông bố ở Hải Phòng đã gửi “tâm thư” với giọng điệu nửa đùa nửa thật, than phiền về các khoản tiền phải nộp cho con chuẩn bị vào lớp 1.

Anh cho biết, từ cuối tháng 6 trường đã nhận hồ sơ nhập học và thông báo năm nay quy định không học hè trước tháng 8, nhưng nhà trường “động viên” các cháu đi học hè từ tháng 7 các môn thể chất, kỹ năng sống, tiếng Anh. Với suy nghĩ “nói là động viên nhưng thực chất là bắt buộc” - nên anh đã cho con theo học.

“Tiền học tháng 7 của các cháu là 500.000 đồng, học tuần 3 buổi. Hỏi con đi học gì, con bảo ở trong lớp tập hát thôi” – anh kể. Ngoài ra, tiền ủng hộ trường sửa đường ống là 1 triệu đồng, tiền lắp điều hòa và máy chiếu 1,5 triệu đồng. Cộng thêm vài loại quỹ nữa là đầu năm vợ chồng anh đã phải đóng hơn 3 triệu đồng cho con.

“Ngoài ra muốn con sau này theo kịp lớp thì phải cho con đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm mỗi tháng 600.000 đồng. Tháng 7 đã qua tháng 8 lại đến. Đến lớp cô giáo yêu cầu đóng tiền đồng phục, sách vở, bảo hiểm hết 2,4 triệu đồng chưa kể tiền ăn. Không biết tháng 8 qua tháng 9 tới còn những khoản nào nữa” – vị phụ huynh này lo lắng.

Cũng về chuyện đóng góp đầu năm, chị Thu (Hà Nội) chia sẻ, cứ mỗi đầu năm học là chị lại ấm ức chuyện cô giáo yêu cầu mua sách giáo khoa cho các cháu. “Không đăng ký mua thì không được, còn đăng ký thì lãng phí. Vì cháu có thể học lại sách cũ của anh, hoặc có năm tự mua ở ngoài thì rẻ hơn đến 1/3 so với cô mua hộ” – chị Thu nói.

Tuy nhiên, bà mẹ này cho rằng, thực ra các cô cũng chẳng mặn mà gì một chút chênh lệch, mà là do trên ép xuống trường, trường lại ép xuống các cô cho đủ chỉ tiêu.

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.