Bất cập trong đào tạo nghề giáo

Giáo viên phổ thông phải tham gia tới 10 đầu việc của trường, thời gian lao động đến 60-70 giờ/tuần, trong khi có đến 50% giáo viên được khảo sát hưởng lương dưới mức lương bình quân.

Giáo viên phổ thông phải tham gia tới 10 đầu việc của trường, thời gian lao động đến 60-70 giờ/tuần, trong khi có đến 50% giáo viên được khảo sát hưởng lương dưới mức lương bình quân.
 
Những thông tin trên được nhóm nghiên cứu của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước - đại diện cung cấp tại hội thảo về “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” được tổ chức vào ngày 18-7.
 

Một lớp tập huấn giáo viên tiếng Anh do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG


Thực tế buồn này đã lý giải cho việc trong hơn 20.000 hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học nộp tại văn phòng II của Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (năm 2010) chỉ có 5% đăng ký vào ngành sư phạm. Tình trạng này năm 2012 vẫn không được cải thiện.

Đào tạo “thợ dạy”

“Giáo viên phải là nhà giáo dục, bằng chính nhân cách của mình để tác động đến việc hình thành nhân cách của học sinh. Vai trò truyền thụ kiến thức của người thầy tuy vẫn tiếp tục có ý nghĩa nhưng vai trò hướng dẫn, tổ chức, tư vấn đối với người học để họ tự thực hiện mọi nhiệm vụ nhận thức và phát triển kỹ năng cần thiết hơn. Giáo viên cũng phải có năng lực cảm hóa người học, giúp họ hình thành cảm xúc, thái độ, hành vi đúng đắn...” - bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Đầu vào thấp, khó có giáo viên giỏi

Tại hội thảo, GS Đinh Quang Báo đã dùng hai từ “thảm hại” để nhận xét đầu vào của các trường sư phạm. Ông cho rằng “đầu vào thấp thì khó có thể có giáo viên giỏi”. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy chỉ tính những trường trọng điểm như ĐHQG Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội thì điểm chuẩn tuyển sinh ba năm qua đang giảm dần. Nhiều trường sư phạm trên cả nước phải tuyển sinh NV2, NV3 mới đủ chỉ tiêu. “Việc miễn học phí không đủ hấp dẫn sinh viên vào sư phạm khi tương lai của nghề dạy học không tươi sáng” - một nhà nghiên cứu nhận xét.

Chỉ chú trọng vào dạy kiến thức chuyên môn trong các trường sư phạm để ra nghề giáo, đến khi ra nghề lại tập trung vào việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, nhồi nhét kiến thức vào học sinh - cách làm đó theo GS Đinh Quang Báo - Viện Nghiên cứu sư phạm - thì chỉ là cách đào tạo nên “thợ dạy” chứ không phải “nhà giáo dục”.

GS Báo cho rằng để hướng tới việc đào tạo “nhà giáo dục” chứ không phải “thợ dạy”, cấu trúc nội dung đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm chí ít phải đảm bảo 60% thời lượng cho việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm, 10-15% cung cấp kiến thức đại cương, 20% cung cấp kiến thức chuyên môn. Thế nhưng kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm của ngành toán và ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ chiếm 16,9%, của ngành sư phạm Trường ĐH Cần Thơ chiếm 14,2% (sư phạm toán) và 17,5% (sư phạm văn)...

PGS Vũ Trọng Rỹ, thành viên của đề tài nghiên cứu trên, cho biết qua hoạt động thực tập sư phạm cho thấy kỹ năng nghề nghiệp ở các sinh viên sư phạm còn rất yếu, đặc biệt là kỹ năng giáo dục, giáo dục học sinh cá biệt, phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng xử lý các tình huống sư phạm, kỹ năng lập kế hoạch giáo dục...

Khảo sát tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nơi được đánh giá có chất lượng tốt hơn trong khối sư phạm của cả nước, cũng cho thấy sinh viên có kiến thức chuyên môn khá vững vàng nhưng lại bộc lộ rất nhiều yếu kém như chưa biết cách soạn giáo án, chưa biết phân bố thời gian giảng dạy, diễn đạt thiếu mạch lạc, khúc chiết, không linh hoạt trong xử lý tình huống, không biết đặt câu hỏi cho học sinh, chưa biết cách tạo mối quan hệ với học sinh... Tất cả những yếu kém trên là do nghiệp vụ sư phạm được đào tạo kém hoặc thiếu.

Theo GS Hoàng Tụy, “không thể có nền giáo dục tốt nếu thiếu giáo viên tốt”. Trong khi đó, quan điểm của nhóm nghiên cứu thì để có giáo viên tốt, vấn đề bất ổn nhất cần điều chỉnh trong hướng cải cách đào tạo giáo viên tương lai là phương pháp dạy học, nghiệp vụ sư phạm là bồi dưỡng nhân cách và phông văn hóa của người giáo viên.

Không thể “vừa dạy học, vừa bươn chải kiếm sống”


Trình bày quan điểm tại hội thảo, GS Hoàng Tụy một lần nữa nhấn mạnh: “Chính sách đối với nhà giáo còn nhiều bất cập”.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho biết thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Người làm việc trong nghề sau 25 năm mới có mức lương 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. Có 50% số giáo viên trong diện khảo sát lương thấp hơn mức lương bình quân.

Theo GS Hoàng Tụy, dù muộn cũng hơn không, phải cải thiện chế độ lương cho giáo viên. Vì mặc dù hiện nay có một bộ phận giáo viên có thu nhập ổn định, nhưng phần lớn không phải từ lương mà từ việc làm thêm bên ngoài nhà trường. Ở những nơi giáo viên không thể làm thêm đời sống khó khăn, bấp bênh.

Ông Nguyễn Quang Kính, thành viên nhóm nghiên cứu, đã viện dẫn phát biểu của PGS Bùi Mạnh Hùng, phó trưởng khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rằng “nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều “hoành tráng”, chỉ trừ ông thầy vốn là học sinh phổ thông trung bình, vào nghề một cách bất đắc dĩ, vừa dạy học vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai”.

Ông Nguyễn Quang Kính cho rằng sửa đổi tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, cải thiện điều kiện làm việc, cải cách công tác đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng... là những điểm quan trọng cần quan tâm để “chấn hưng nghề dạy học”. Vì lao động vất vả, nhiều áp lực, nhưng thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến những năm gần đây không còn nhiều người trẻ muốn vào học sư phạm. Trong đó những người có tâm huyết lại càng ít.

Theo TTO

 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.