Bí quyết dạy con thời công nghệ

Nhiều phụ huynh sử dụng công nghệ như một công cụ thiết yếu, lạm dụng đến mức gây hại cho chính con cái mình trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Xã hội phát triển, con người ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Nhiều phụ huynh còn sử dụng chúng như một công cụ thiết yếu, lạm dụng đến mức gây hại cho chính con cái mình trong quá trình nuôi dạy trẻ.

“Dụ” con bằng công nghệ: dễ vào nhưng khó thoát

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại, Ipad, ti vi… trở thành những thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Trẻ em cũng vì thế được tiếp xúc và bị cuốn hút bởi các thiết bị này từ rất sớm.

Nhận thấy đặc điểm này, không ít phụ huynh có xu hướng lợi dụng các thiết bị đó để thoát khỏi sự đeo bám phiền nhiễu của trẻ nhỏ để có thời gian riêng cho mình.

Nhiều phụ huynh đang quá lạm dụng công nghệ trong quá trình nuôi dạy con (ảnh minh họa)

Lướt trên mạng xã hội facebook, thỉnh thoảng ta lại đọc được những status khoe con kiểu: “Bé tí mà đã nghiện công nghệ hơn cả mẹ. Cứ mở điện thoại hay máy tính mấy chương trình nàng thích là nàng có thể ngồi miết cả tiếng đồng hồ chăm chú theo dõi, mẹ muốn làm gì thì làm”; “Tôm và ipad là đôi bạn thân”….

Dường như các bố mẹ rất thích khoe con dùng công nghệ đúng kiểu những đứa trẻ thời hiện đại. Thế nhưng, chẳng có mấy ai thực sự nghĩ đến những tác hại tiềm ẩn cho con cái mình, hoặc có biết nhưng cũng cho qua.

Trong một trường hợp khác, anh Bá Tân (Hà Nội) chia sẻ: “Con trai tôi rất thích xem siêu nhân, ô tô, các chương trình thiếu nhi trên mạng. Vậy nên có đợt con lười ăn quá, mẹ cháu bảo con ăn ngoan, nhanh thì mẹ mở máy tính cho xem siêu nhân thì con ăn ngoan hơn hẳn. Thấy hiệu quả, dần dần tôi và vợ áp dụng “chiêu” đó nhiều hơn như một thói quen, cứ ăn là mở máy tính. Có lần được người bạn góp ý, tôi cương quyết không mở máy tính cho con xem khi ăn nữa thì con lại nhất định không ăn, có khi còn ăn vạ. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, chúng tôi vẫn đành mở cho con ăn qua bữa rồi tìm cách “cai nghiện” dần cho cháu mà khó quá”.

Sử dụng thiết bị công nghệ nhiều ảnh hướng không tốt đến sự phát triển của trẻ (ảnh minh họa)

Bố mẹ cần mạnh tay để trẻ không trở thành "con nghiện"

Nếu biết sử dụng đúng cách và hợp lý, các thiết bị công nghệ có thể giúp con bạn phát triển rất tốt một số kỹ năng về nghe, nhìn, ghi nhớ…. Thế nhưng, nhiều bố mẹ đang lạm dụng thiết bị công nghệ khiến trẻ nhỏ trở nên thụ động.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc lạm dụng các sản phẩm công nghệ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển cùa trẻ. Cụ thể trẻ “nghiện” công nghệ sẽ dễ mắc các chứng bệnh về mắt như cận thị, loạn thị hoặc gặp phải các vấn đề như vận động kém, nhận thức chậm, kém tập trung, lười tư duy...

Đã đến lúc các bậc phụ huynh phải mạnh tay hơn để tránh cho con cái rơi vào cảnh “nghiện rồi khó bỏ”. Trước tiên, các bậc cha mẹ hãy trở thành tấm gương cho con. Thật vô lý khi bạn lúc nào cũng kè kè điện thoại, iPad trên tay nhưng lại bắt con phải tránh xa chúng. Nếu thật sự cần giải quyết công việc trên các thiết bị đó thì cũng phải có chừng m chứ không nên cứ mê mải “bấm, chạm” ngay ở bàn ăn hay khi đang dạy con học...

Bố mẹ cần tăng cường cho con tham gia các trò chơi vận động, tiếp xúc người thật việc thật
 (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy tạo điều kiện để giúp bé hòa nhập với môi trường xung quanh, cho bé tiếp xúc với con người thật, việc thật chứ không đơn thuần là những đồ chơi ảo trên điện thoại, máy tính.

Tiến sĩ giáo dục Hàn Quốc - Shin Yee Jin cũng đưa ra lời khuyên: "Cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến con, hãy trò chuyện tâm sự nhiều với con. Hãy cho con chạy nhảy và vận động thật nhiều. Đừng phó mặc con với điện thoại hay tivi. Đừng biến các thiết bị công nghệ kĩ thuật số trở thành 'bảo mẫu' bất đắc dĩ của con".


Một số biện pháp cai nghiện công nghệ cho con:

Chơi có kiểm soát, không để trẻ sử dụng một mình

Trẻ đã nghiện thì rất khó từ bỏ ngay lập tức. Cha mẹ hãy bắt đầu bằng hạn chế giờ chơi công nghệ của con và khi chơi thì phải kiểm soát sát sao về chương trình, trò chơi nào là hợp lý, trong khoảng thời gian là bao nhiêu.

Đặt mật khẩu cho thiết bị công nghệ

Việc thiết lập mật khẩu cho các thiết bị số vừa giúp bạn bảo mật các thông tin cá nhân, vừa yên tâm trẻ chỉ sử dụng khi có sự cho phép của bạn. Mật khẩu cũng tránh cho các bậc phụ huynh tình trạng “chết dở” khi trẻ vô tình “nhá” máy cho sếp hay đặt và thanh toán hàng trực tuyến nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng.

Dành thời gian đọc sách

Đọc sách cho trẻ nghe hoặc cùng trẻ đọc sách là một cách hữu ích kéo trẻ ra khỏi các thiết bị công nghệ, đồng thời còn giúp trẻ mở rộng kiến thức, phát triển trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo.

Tăng cường hoạt động thể chất

Các bậc cha mẹ nên sắp xếp thời gian để cùng trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời hay chơi các môn thể thao như xe đạp, bóng đá, bơi lội... vừa giúp trẻ tìm được niềm vui thích thay thế, vừa giúp nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống và thắt chặt các mối quan hệ gia đình.

(Tổng hợp theo Internet)

V.K/Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.