Nhiều lý do để cha mẹ nên đọc sách cùng con

Qua việc đọc sách, các phụ huynh có thể dạy cho trẻ cách ứng xử đồng thời khơi dậy cảm xúc, tình yêu thương của trẻ.

Cha mẹ rèn cho trẻ thói quen đọc sách sớm thì kĩ năng ngôn ngữ và khả năng nhận thức của bé sẽ phát triển nhanh hơn. Qua việc đọc sách, các phụ huynh có thể dạy cho trẻ cách ứng xử đồng thời khơi dậy cảm xúc, tình yêu thương của trẻ.

Do vậy, việc nuôi dưỡng thói quen và tình yêu đọc sách cho trẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi nào thì có thể cho con làm quen với sách, khi nào nên đọc sách cùng con, cách đọc sách thế nào cho hiệu quả… Tintuconline tổng hợp một số kinh nghiệm giúp trẻ làm quen và yêu thích đọc sách, mời độc giả cùng tham khảo:

Cho con làm quen với sách càng sớm càng tốt

Nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng trẻ còn quá nhỏ nên chưa thể nhận thức khi được cha mẹ đọc sách cho nghe. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới khuyên rằng, nên đọc cho trẻ nghe càng sớm càng tốt và việc này sẽ góp phần rất nhiều vào sự phát triển của trẻ.

Học viện nhi khoa Mỹ khuyên rằng bạn nên đọc cho con nghe hàng ngày từ khi trẻ được 6 tháng tuổi, đây là khoảng thời gian bé đã bắt đầu biết thích thú nhìn ngắm những cuốn sách cùng với bạn. Còn Jim Trelease, chuyên viên lâu năm về việc đọc sách và là tác giả của cuốn Read Aloud Handbook, nói rằng, bạn cũng có thể bắt đầu khi bé mới sinh. Không có vấn đề gì về độ tuổi của bé, thật vậy, khoảng thời gian đọc cho bé nghe sẽ cho bạn cơ hội tuyệt vời để gần gũi, âu yếm và tạo mối liên kết bền chặt với bé.

MC Minh Trang đọc cho Daisy nghe những câu chuyện đầu tiên từ khi mới lọt lòng.

Ủng hộ quan điểm này, MC Minh Trang (Đài THVN) còn cho rằng: Các bạn có thể sẽ băn khoăn, khi nào nên bắt đầu đọc sách cho con? Nếu hỏi mình, câu trả lời của mình là từ khi con còn trong bụng mẹ. Rồi khi sinh con ra, hãy tiếp tục đọc cho con nghe, đến khi con 1,2 tuổi, hãy đọc, đọc nhiều hơn...

Các bạn đừng lo con sẽ không hứng thú, hoặc nghĩ chỉ khi nào biết chữ mới biết tự đọc sách nhé. Khi mình đã đọc cho con nghe 1 cuốn sách nhiều lần, con sẽ nhớ đấy, khi giở lật từng trang, nhìn hình là con sẽ đọc được rất cả những gì trong sách (dù là đọc trong đầu hay đọc thành tiếng).

Đọc sách mở ra nhiều điều, dạy con được nhiều thứ lắm. Mỗi cuốn sách sẽ là một câu chuyện, một thế giới khác nhau, sẽ đưa con đến những miền đất khác nhau, gặp gỡ những người bạn đầy thú vị, cho dù đó là công chúa hoàng tử, hay bạn kiến bạn voi, hay thế giới tưởng tượng của các đồ vật. Vốn từ vựng, đặt câu, hành văn, trí tưởng tượng và vốn hiểu biết của con, cảm nhận về thế giới quan cũng được bồi đắp qua từng cuốn sách.

Đọc sách cùng con ngay cả khi con đã lớn

Nhiều bố mẹ nghĩ rằng đọc sách cùng con chỉ cần thiết khi con chưa biết đọc. Khi con đã có thể tự đọc rồi, hãy để chúng tự đọc các cuốn sách mà chúng thích và chúng muốn. Tuy nhiên, điều đó không hẳn đúng, phụ huynh có thể giúp con mình trở thành những người ham mê đọc sách hơn nữa bằng cách thường xuyên đọc cùng con ngay cả khi con đã đọc thông, viết thạo.

Một phụ huynh trong CLB Đọc sách cùng con chia sẻ: Dù con cái đã lớn, đã đọc trôi chảy tất cả các cuốn sách, nhưng bố mẹ vẫn có thể và nên cùng đọc với chúng. Bởi vì, khi đọc sách cùng con:

Phụ huynh có thể giúp con mình trở thành những người ham mê đọc sách hơn nữa bằng cách thường xuyên đọc cùng con ...

- Bạn có thể dừng lại và thảo luận với chúng về các từ vựng mà có thể chúng đã “bỏ lỡ” ở lần tự đọc của chúng. Điều này sẽ giúp trẻ nhớ và biết cách sử dụng từ trong bối cảnh phù hợp.

- Bạn có thể dừng lại và chia sẻ những kiến thức sâu rộng hơn về một vấn đề được nêu trong sách. Nó sẽ giúp trẻ biết cách kết nối kiến thức của các môn học khác nhau.

- Bạn có thể tạo nên một “môi trường và không gian an toàn” để hỏi những câu hỏi khó hơn mà trẻ không hề sợ sệt, chia sẻ về những lo lắng hay thách thức với con. Điều này sẽ giúp bố mẹ nắm bắt tâm tư của trẻ, trẻ sẽ tự tin và biết cách thể hiện cảm xúc của mình.

- Bạn có thể “đo lường” được tình yêu sách vở của chúng và đưa ra những gợi ý giúp chúng ham mê đọc sách hơn trong tương lai. Đây là nền tảng quan trọng để bạn không bỏ lỡ bất kỳ giai đoạn phát triển nào của con trẻ.

- Bạn và con đang làm một việc cùng nhau, hoàn toàn dành thời gian đó cho nhau mà chẳng bị bận tâm bởi việc gì khác, nhất là trong xã hội hiện nay, nó sẽ giúp gắn kết các thành viên trong gia đình hơn.

Khi đọc sách cùng con, bạn có thể cho con thấy bạn yêu thích đọc sách tới mức nào. Tình yêu đọc sách từ bố mẹ sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các thành viên nhí trong nhà.

Và hơn hết, khi đọc sách cùng con, bạn sẽ thấy, con bạn thực sự vui vẻ.

Xem thêm: Giúp trẻ yêu sách: Mưa dầm thấm lâu


V.K tổng hợp/VietNamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.