Bỏ chấm điểm tiểu học: "Đừng để quá muộn!"

Hội trường xã miền núi Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm sáng 23/1 đông hơn thông lệ với sự góp mặt của lãnh đạo nhiều trường tiểu học của tỉnh Hà Nam.

 Hội trường xã miền núi Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm  sáng 23/1 đông hơn thông lệ với sự góp mặt của lãnh đạo nhiều trường tiểu học của tỉnh Hà Nam.

Các thầy cô tụ tập về đây để trao đổi với các chuyên viên Bộ GD-ĐT sau một học kỳ triển khai đánh giá học sinh theo quy định mới (Thông tư 30).

thông tư 30, học sinh tiểu học, Hà Nam
Trước khi tập huấn Thông tư 30, các đại biểu tham gia tiết học mẫu theo mô hình "trường học mới'

"Tốt nhưng khó, hay nhưng sớm"

Sau khi được Phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn Diện ngỏ lời “các đồng chí  nói thật thoải mái”, những thầy cô đứng lớp và một số hiệu trưởng đã mạnh dạn nêu các thắc mắc của mình.

Cô giáo Lê Thị Huyền, Trường tiểu học Thanh Lưu nói rằng, điều  các cô mất nhiều thời gian là suy nghĩ để lựa chọn từ ngữ chính xác để đánh giá học sinh sao cho khách quan, bởi mỗi học sinh có năng lực khác.  Một thực tế khác mà nhiều giáo viên tiểu học từng phản ánh là với thực tế lớp học đông, các em làm sai nhiều, cô giáo muốn viết nhận xét vào vở thì không đủ thời gian.

Cô giáo Trần Thi Hạnh tiếp lời khi hỏi quy định cứng về quy trình đánh giá nhận xét thông tư 30 hay không.

Một giáo viên khác của trường Thanh Lưu chia sẻ, trong Thông tư 30 có quy định giáo viên phối hợp với gia đình trong đánh giá học sinh, nhưng thực tế ở vùng nông thôn, vùng khó, phụ huynh bận rộn cả ngày, chưa kể trình độ dân trí hạn chế nên việc phối hợp “cùng đánh giá” là điều khó khả thi.

thông tư 30, học sinh tiểu học, Hà Nam
Trao đổi về chuyện các thầy cô chưa được chuẩn bị về mặt tâm lý cho thay đổi theo Thông tư 30

Thừa nhận “cái hay của thông tư 30 là yêu cầu đánh giá học sinh trong suốt quá trình”, nhưng Hiệu trưởng trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý) cũng nêu băn khoăn: Chính sách này ra đời sớm quá, chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho giáo viên. Trong thực tế, quá trình học tập và tiến bộ của học sinh cứ tiếp diễn từ tiết này sang tiết khác, ngày này qua ngày khác, giáo viên luôn có vấn đề về thời gian để theo kịp sự tiến bộ của các em.

Về việc chủ động ở khâu hồ sơ, sổ sách “chúng tôi nhận thức hướng mở, mềm dẻo, linh hoạt của khâu quản lý là tốt, nhưng khó”. Vị hiệu trưởng này đề xuất “Thôi thì Bộ đã nghĩ ra công nghệ 30 thì hướng dẫn xuyên suốt, thống nhất để ở dưới cứ áp vào mà thực hiện”.

Thắc mắc khác được một hiệu trưởng nêu ra là chuyện “ghi vào giấy khen của học sinh như thế nào” cho đúng, đẹp khi khuôn khổ tờ giấy ngắn. Ghi “học sinh hoàn thành tốt các hoạt động giáo dục”, có được không, hay phải ghi “Đạt thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện”,v.v… Một số ví dụ về các trường hợp đặc biệt khi đánh giá cũng được các thầy cô nêu ra.

“Không phải là sớm mà đừng để quá muộn”

Đã từng “đứng lớp” để diễn giải Thông tư 30 ở một số địa phương, TS. Hoàng Mai Lê, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học một lần nữa nhắc lại những ưu điểm của chính sách này.

Đầu tiên, ông Lê lấy “ví dụ kinh điển” về phép tính có nhớ trong phạm vi 100 là 35 + 17 để diễn giải từng thao tác tư duy và quá trình tư vấn giúp học sinh tự nhận ra kiến thức.

thông tư 30, học sinh tiểu học, Hà Nam
TS Hoàng Mai Lê diễn tả ví dụ phép tính 35 + 17

Với câu hỏi “giáo viên có nhất thiếu phải ghi đủ 3 khâu nhận xét hay không, thì điều quan trọng nhất là cô giáo chỉ ra chỗ mà học sinh không hoàn thành, rồi tư vấn để các em hoàn thiện” – TS. Lê nói.

Còn việc ghi chép, ngoài học bạ là quy định bắt buộc, những ghi chép khác thầy cô nên hiểu đó là “ghi cho mình, hiệu trưởng, phòng giáo dục có thể xem nhưng không lấy đó làm căn cứ đánh giá giáo viên”.

Về nỗi khổ “thiếu thời gian” của các thầy cô, ông Lê nêu câu hỏi: “Trước khi Thông tư 30 ban hành thì các cô có đủ thời gian không? Nếu câu trả lời là “vẫn thiếu”, thì Thông tư 30 đã làm khổ các thầy cô. Còn câu trả lời là “Không” tức là lâu nay  thầy cô chưa làm hết trách nhiệm của mình”.

thông tư 30, học sinh tiểu học, Hà Nam
Các giáo viên tại buổi tập huấn

Ông Lê cũng dẫn quá trình ban hành các văn bản pháp quy từ đợt đổi mới giáo dục cách đây 15 năm để chứng minh cho việc ra đời Thông tư 30 là cả một quá trình chứ không còn sớm.

Cụ thể, khi thực hiện chương trình tiểu học 2000, đã có hướng dẫn tạm thời đánh giá các môn Mỹ thuật - Âm nhạc. Đến năm 2005, Luật Giáo dục ra đời, quy định trong học bạ của học sinh tiểu ghi là “hoàn thành tiểu học” chứ không còn là “tốt nghiệp” nữa. Đến năm 2009, thông tư 32 cũng đã hướng dẫn đánh giá theo tinh thần không chỉ “thượng tôn điểm số”. Rồi mô hình “trường học mới” mà ngành giáo dục đang thí điểm trong toàn quốc mấy năm gần đây (với văn bản 5737) có cách đánh giá khá đồng dạng với Thông tư 30.

TS Lê kết luận: “Bây giờ không sớm nữa mà là đừng để quá muộn. Vì vậy, các thầy cô nên tiếp cận là đây không phải cái gì quá mới mẻ gì, mà chỉ làm đậm thêm”.

thông tư 30, học sinh tiểu học, Hà Nam
Khởi động để kết thúc

Với một số câu hỏi về kỹ thuật đánh giá, ghi nhận xét, ghi vào giấy khen,v.v…TS Lê mời các đại biểu trong hội trường cùng trao đổi. Tuy nhiên cả hội trường khá nghiêm túc và yên ắng. Dự kiến “cùng làm với các thầy cô” cho qua trưa của đoàn công tác đã dừng lại lúc 11h30.

 “Ở nhiều địa phương chúng tôi đi thực tế, trong các buổi sinh hoạt nghiệp vụ như thế này, hầu hết các thầy cô tự trả lời câu hỏi của nhau, qua đó “vỡ” ra nhiều điều” – một chuyên viên chia sẻ.

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.