Bố mẹ xấu hổ vì không tính nổi... toán lớp 1, 2

Trên nhiều mạng xã hội nhiều người than vãn về việc phải “đánh vật” dạy dỗ con học. Không chỉ bận rộn, mệt mỏi mà các ông bố bà mẹ còn có nỗi khổ sở, xấu hổ “không bằng trẻ lớp 1-2”.

Trên nhiều mạng xã hội nhiều người than vãn về việc phải “đánh vật” dạy dỗ con học. Không chỉ bận rộn, mệt mỏi mà các ông bố bà mẹ còn có nỗi khổ sở, xấu hổ “không bằng trẻ lớp 1-2”.

Không tính nổi toán lớp 1

Bài tập về nhà của con cũng là câu chuyện “nóng, sốt” nhất mà các đồng nghiệp trong cơ quan của chị Bùi Thị Thủy – nhân viên ngân hàng ở TP Hải Dương thường mang ra bàn luận trong giờ giải lao.

Chị Thủy cho biết, con mới học lớp mẫu giáo nhưng nghe mọi người trong cơ quan than trời vì bài tập của con cũng phát ngốt: “Bài tập của lớp 1 mà yêu cầu: Hãy vẽ hình minh họa cách trồng 9 cây thành 3 hàng, mỗi hàng trồng 4 cây (coi mỗi cây là 1 điểm).

bo me xau ho vi khong tinh noi... toan lop 1, 2 hinh anh 1

Ảnh minh họa

Hay có bài: “Có 10 cây hoa trồng thành 6 hàng, mỗi hàng trồng 2 cây sao cho các hàng không cắt nhau. Hỏi trồng như thế nào?... Những bài kiểu này đã làm mấy cử nhân và thạc sĩ trong phòng mất cả ngày tranh cãi, tính toán” – chị Thủy cười.

Cũng vì “sợ” bài tập của con mà chị Thủy đang phải cố gắng tìm trường phù hợp cho con với tiêu chí hàng đầu là: Con có nhiều thời gian học các kỹ năng hơn là phải vật nhau với các bài toán nhiều... “sao”.

Con mới lên lớp 3 nhưng chị Nguyễn Thị Hương Giang (Chùa Hà – Cầu Giấy – Hà Nội) đã bắt đầu có cảm giác “đuối” và mệt mỏi vì đêm nào cũng phải cùng con “vật nhau” với đống bài tập: “Để tự con học thì con chểnh mảng, không tập trung. Vì vậy, cứ con ngồi vào bàn là mẹ cũng phải ngồi bên cạnh kèm và hướng dẫn cho con. Tối nào cũng phải hơn 10 giờ mới xong. Có hôm gặp bài khó, con hỏi không giải được ngay thì xấu hổ, phải lựa lời... nói dối con là: “Mẹ giải cũng được nhưng nếu con cố gắng tự tìm cách, kể cả sai, mai cô giáo sửa sẽ hiểu bài hơn” – chị Giang cười bối rối.

bo me xau ho vi khong tinh noi... toan lop 1, 2 hinh anh 2

Những bài toán lớp 2 đã làm khó nhiều bậc cha mẹ

“Bí” cách giảng bài cho con, nhiều cha mẹ đã phải tìm đến các group, diễn đàn mạng xã hội để được chia sẻ. Diễn đàn “Học cùng con” trên Facebook thu hút được hơn 1.300 thành viên là các bậc phụ huynh. Ngoài một số hỏi đáp về các tình huống giáo dục đạo đức, thói quen thì gần như 90% các câu hỏi từ thành viên là “cầu cứu” hỗ trợ cách... giải bài tập cho con. Không ít thành viên sau khi “toát mồ hôi” giải bài tập thì phải chào thua: “Mình sợ toán tiểu học quá đi mất; Toán lớp 5 giờ sao khó dã man, thực sự là khó man rợ, học cùng còn còn mệt hơn cả đi làm....”

Hãy để con tự học

“Với trẻ nhỏ, sau 8 giờ quần quật học tại trường lớp, thời gian ở nhà dành cho nghỉ ngơi. Nếu cha mẹ lại bắt con học thì trẻ sẽ kiệt sức. Não hoạt động liên tục chắc chắn sẽ mệt mỏi, không thể học tốt được” – TS Vũ Thu Hương.

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nên để con tự học, còn hơn dạy “lợn lành thành lợn què”.

TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa giáo dục tiểu học ĐH, ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, việc cha mẹ giảng bài cho con tại nhà thậm chí còn làm con hoang mang. Kiến thức tiểu học và cách tiếp cận hiện nay khác nhiều so với thời bố mẹ đi học: “Ví dụ, một bài toán tổng – tỉ; hiệu – tỉ là dạng toán lớp 4 quen thuộc. Nếu hiểu cách làm thì mọi việc rất đơn giản. Nhưng các cha mẹ đọc sẽ ngay lập tức đặt X là ẩn số và giải cho con. Việc đó con sẽ vô cùng hoang mang vì con chưa được học cách đặt X đó, con sẽ không thể hiểu được mà chỉ thuộc như học vẹt rồi quên ngay. Điều này sẽ làm cho con rối loạn thực sự” – TS Hương bày tỏ.

Theo bà Hương, việc bố mẹ kèm học và giải bài tập về nhà cho con là không cần thiết. Nếu cha mẹ làm hộ thì cô giáo không biết con kém ở đâu để trợ giúp con. Ngoài ra, một đứa trẻ cần học hỏi tối đa ở lớp, nếu các cháu có sẵn một người học cùng ở nhà, chắc chắn chúng sẽ không sử dụng toàn bộ công sức để học hỏi tại lớp, điều này sẽ hình thành tính ỉ lại. Khi về nhà, con lại học một cách chán chường sau cả 1 ngày hoạt động mệt mỏi.

“Việc học là việc của con, hãy để con tự học, tự học chính là 1 trong những tiêu chí quyết định thành công của một cá nhân” – TS. Hương khuyên.

Theo Dân Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.