Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và kỳ vọng đổi mới giáo dục

"Quan tâm đến hệ thống và chất lượng của giáo dục quốc dân, từ mầm non đến đại học" là mong muốn của nhiều giáo sư, nhà giáo gửi tới tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

"Quan tâm đến hệ thống và chất lượng của giáo dục quốc dân, từ mầm non đến đại học" là mong muốn của nhiều giáo sư, nhà giáo gửi tới tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Nhiều giáo sư, nhà giáo bày tỏ kỳ vọng tân Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc tồn tại trong giáo dục, đồng thời có những hướng đi và chiến lược giáo dục cụ thể tới từng cấp học.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng, trước mắt, tân bộ trưởng cần tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đây là kỳ thi quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Cầnlàm sao đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng, khách quan cũng như chất lượng của kỳ thi để các trường sử dụng làm tiêu chí xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Ông Sơn cũng mong bộ trưởng có sự hỗ trợ các trường đại học xây dựng được cơ chế tự chủ gắn liền cơ chế tài chính, cải cách hệ thống phân bổ kinh phí theo ngân sách nhà nước với giáo dục đại học.

Cuối cùng, hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội kỳ vọng Bộ GD&ĐT sẽ quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT đề xuất, điều đầu tiên Bộ trưởng cần làm là quan tâm hệ thống giáo dục quốc dân vì trước đó đã bàn bạc từ lâu.

Cụ thể, cần xác định rõ hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non tới đại học, sau đại học thì nên tổ chức như thế nào. Bộ GD&ĐT nên có sự quản lý thống nhất, khi hết bậc THPT thì phân luồng học sinh.

Bo truong Phung Xuan Nha va ky vong doi moi giao duc hinh anh 1
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại học cũng được ông Nhĩ quan tâm. Ông mong muốn, ở nhiệm kỳ Bộ trưởng mới, giáo dục đại học phải tiếp cận quốc tế. Trong đó, Việt Nam có thể học tập chương trình các nước để tiết kiệm về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật.

Vấn đề thi THPT quốc gia là một trong những trăn trở của PGS Trần Xuân Nhĩ. Ông cho rằng, thi tốt nghiệp phải trả lại cho địa phương, vì họ là những nơi trực tiếp đào tạo học sinh trong suốt 12 năm. Còn thi đại học, cao đẳng là chuyện của các trường, cần giao quyền tự chủ cho trường.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam gửi đến tân bộ trưởng "đơn đặt hàng" gồm 6 điều về hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ nhất, đảm bảo tính tương thích cao nhất và hiện thực hóa việc phân luồng giáo dục, đào tạo phù hợp hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và phân loại giáo dục của UNESCO (phiên bản năm 2011).

Việc phân luồng giáo dục, đào tạo bắt đầu ngay từ Trung học cơ sở (ISCED Level 2). Cần nêu rõ các luồng, phương pháp phân luồng, mức độ liên thông giữa các luồng.

Chú trọng luồng kỹ thuật/ứng dụng, tăng cường giáo dục STEM ở THCS và THPT, củng cố luồng dạy nghề (ngang cấp THPT).

Thứ hai, đảm bảo tính tương thích, liên thông cao nhất với các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới (Anh, Mỹ, Canada, Phần Lan, Đức, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Thứ ba, quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở cả 3 cấp học, từ THPT dạy một số môn tự nhiên và xã hội trực tiếp bằng tiếng Anh. Từ THCS, học sinh được phép học thêm ngoại ngữ 2 theo nguyện vọng cá nhân.

Thứ tư, tổng số môn học ở THCS (ISCED Level 2) và THPT (ISCED Level 3) tối đa 8 môn, trong đó các môn học bắt buộc tối đa 5 môn ở tất cả các luồng (do đã phân luồng). Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài lớp học, các hoạt động nâng cao thể lực.

Thứ năm, có lộ trình từng bước phân cấp quản lý giáo dục theo hướng: Bộ GD&ĐT quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng cho các cấp học và Chương trình giáo dục tham khảo; các địa phương có điều kiện (ví dụ Hà Nội, TP HCM) có quyền xây dựng và ban hành chương trình giáo dục riêng cho địa phương mình; nhà trường quyết định phương pháp giảng dạy các môn học (bao gồm cả quyền chọn sách giáo khoa).

Thứ sáu, tăng cường sự tương tác giữa nhà trường và gia đình trong các hoạt động giáo dục, nâng cao vai trò của phụ huynh đối với chương trình giáo dục và hoạt động giảng dạy của nhà trường.

Tăng cường tham vấn với các tổ chức, các nhà hoạt động xã hội, khoa học - công nghệ, sản xuất, kinh doanhđể hoàn thiện chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng lao động.

Cô Bùi Thị Bích Vân, Hiệu trưởng THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) lại trăn trở với các vấn đề trong chương trình học phổ thông.

Theo cô, giáo dục phổ thông cần tập trung Đề án đổi mới toàn diện giáo dục, thực hiện mạnh mẽ và dứt điểm, đồng thời có lộ trình rõ ràng và công bố rộng. Bộ trưởng cần có quyết tâm đầu tư mọi nguồn lực để thực hiện đề án chương trình phổ thông tổng thể.

Cô Vân bày tỏ mong muốn tân bộ trưởng sẽ có những thay đổi hợp lý trong các vấn đề như môn học, tiết học, chương trình học, khối học, sách giáo khoa dành cho học sinh trung học để phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, bắt kịp với thời cuộc, đồng thời cần dựa trên nhu cầu của học sinh và trong khả năng đáp ứng về điều kiện dạy học (giáo viên, phòng học, thời gian…) của nhà trường.

Ngày 9/4, Quốc hội bầu PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Ông Phùng Xuân Nhạ sinh ngày 3/6/1963, tại Hưng Yên, là tiến sĩ kinh tế, có gần 30 năm kinh nghiệm giảng dạy trong và ngoài nước.

Ông là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2011-2015, từng nhận bằng khen của Thủ tướng; Huân chương Lao động hạng Ba; danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Từ tháng 2/2013 đến 4/2016, ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức vụ Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong hai năm qua, ông đã chỉ đạo kỳ thi Đánh giá năng lực, lấy kết quả tuyển sinh vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được xã hội đánh giá cao.
















Theo Zing

Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Phùng Xuân Nhạ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.