Cảm động lớp dạy học cho trẻ em nghèo của ông giáo 83 tuổi

Lúc còn khỏe, thầy giáo Nguyễn Trà dạy 4 buổi một tuần cho các em học sinh. Nhưng bây giờ khi đã bước sang cái tuổi bát tuần, sức khoẻ của thầy bị giảm sút nên mỗi tuần lớp học của thầy chỉ duy trì một tuần một buổi.

Lúc còn khỏe, thầy giáo Nguyễn Trà dạy 4 buổi một tuần cho các em học sinh. Nhưng bây giờ khi đã bước sang cái tuổi bát tuần, sức khoẻ của thầy bị giảm sút nên mỗi tuần lớp học của thầy chỉ duy trì một tuần một buổi.

Ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, vẫn có những trẻ em nghèo sống lang thang không có điều kiện đến trường. Chứng kiến những mảnh đời kém may mắn ấy, thầy giáo Nguyễn Trà (khu dân cư số 5, tổ 23B, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) đã bỏ tiền túi ra mở lớp giúp những đứa trẻ ấy biết đến con chữ…

Một buổi sáng đầu tháng 4, chúng tôi tìm tới lớp học Hướng Thiện của thầy Trà tại Đảng ủy phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội). Tiếp chúng tôi là một người đàn ông đã bước sang tuổi 83, ông đã gắn bó với sự nghiệp trồng người hơn 60 năm qua.

Ông Trà được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất kinh kì, trong một dòng họ mười mấy năm đời đều công tác trong ngành giáo dục. Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, ông sớm xác định con đường học vấn của mình khi đậu vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thầy giáo Nguyễn Trà dạy học cho các em nhỏ tại lớp học Hướng Thiện của mình

Thầy giáo Nguyễn Trà dạy học cho các em nhỏ tại lớp học Hướng Thiện của mình

Sau tốt nghiệp, ông công tác ở một số bộ, ngành, rồi đi dạy tiếng Pháp trong một dự án của Cộng đồng Pháp ngữ. Một thời gian sau, ông trở lại trường THPT Nguyễn Trãi giảng dạy ở nhiều bộ môn khác nhau.

Năm 1992, sau khi nghỉ hưu, ông giáo bắt đầu mở lớp Hướng Thiện, góp nhặt những đứa trẻ nghèo “cùng khổ, cùng vận” từ những bãi rác, xóm lao động về dạy học.

Trong số những trẻ em nghèo khổ ấy, có em Đại bố mất sớm, sau đó mẹ cũng ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Mới 10 tuổi, em đã phải bỏ học về sống bà ngoại. Ông Trà phải sang tận nhà động viên và xin đưa em về dạy dỗ sau đó vận động bạn bè hỗ trợ để em có cơ hội đến trường. Hiện tại, Đại sắp học xong cấp 3 và đạt được nhiều thành tích tốt trong học tập.

Một trường hợp khác là em Nguyễn Hoài An, cha em mất sớm, hai mẹ con chỉ còn biết trông chờ vào những đồng bạc lẻ của nghề nhặt rác. Mấy mẹ con cùng sống trong một ngôi nhà chật trội, chỉ đủ kê chiếc giường nằm. Nhiều khi An tới lớp trong tình trạng không có gì trong bụng, thầy lại tự bỏ tiền túi mua đồ ăn cho em, rồi hỗ trợ tiền sách, tiền bút.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều phụ huynh lần lượt đưa con em đến xin học khiến lớp học Hướng Thiện ngày càng đông hơn. Và hơn hai mươi năm qua, lớp học không ngày khai giảng, bế giảng, không phấn trắng, bảng đen, không giáo trình mà ông chỉ ngồi cạnh trò xem câu nào chưa được, chỗ nào chưa hiểu thì chỉ bảo các em. Phương châm dậy học của ông là dạy chữ và đạo lý. Khi đó, cả thầy và trò cùng tu dưỡng: Trò thì học làm người, học kiến thức, thầy thì tu đức, chia sẻ kiến thức và tình thương.

Ngoài những buổi học trên lớp, để khuyến khích các em chăm chỉ học hành, “phần thưởng” của thầy Trà là những chuyến đưa học trò đi thăm tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công viên Bách Thảo... Cứ như vậy, các lứa tuổi học trò ngày càng cố gắng và trưởng thành.

Có những người quyết tâm thi đỗ đại học, cao đẳng, đi làm nghề và tìm được công việc ổn định. Phụ huynh và học sinh không chỉ quý mến thầy bởi cái tài mà còn trọng cả nhân cách của thầy. Người ta ví thầy là người cha nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, giúp chúng vượt qua những khó khăn, mở rộng cánh cổng tương lai.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (36 tuổi) từng là học sinh lớp Hướng Thiện của thầy Trà cách đây 10 năm. Chị thích học ngoại ngữ nhưng gia đình không có điều kiện để đi học thêm. Được biết lớp học của thầy qua người bạn, chị tìm đến học và nhờ vốn tiếng Anh được trau dồi ở đây, chị đã tìm được công việc ổn định làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng. Tháng 11/2014, chị cũng đưa con nhỏ tới lớp của thầy Trà để nhờ thầy rèn luyện thêm kiến thức, đồng thời học được lối ứng xử lễ phép, ngoan ngoãn từ người thầy đáng kính.

Nhiều học trò nghèo đã trưởng thành và có công việc tốt sau khi học tại lớp của thầy Trà.

Nhiều học trò nghèo đã trưởng thành và có công việc tốt sau khi học tại lớp của thầy Trà.

Khi được hỏi về động lực giúp cho thầy duy trì lớp học hơn 20 năm qua, thầy cười hiền và bảo: Những đứa trẻ nghèo khó, ít chữ ấy khác với những đứa trẻ khác, hành trang vào đời của chúng là những ngày tháng lang thang dưới cái nắng, cái gió và mùi ngai ngái của rác thải, cuộc sống của chúng khổ trăm bề. Tôi muốn các em có một cuộc sống khác, chứ không thể để chúng an bài của số phận. Hơn nữa, sự tin tưởng của phụ huynh và các em phần nào giúp thôi thúc tôi mang cái chữ đến từng ngõ ngách trong những xóm “chung vận, cùng nghèo” ấy”.

Gia đình thầy Trà đông anh em, cùng nhau chung sống trên một mảnh đất và lối vào chung một cánh cổng. Có những người đã trưởng thành và thành đạt, có những người vẫn đang ở độ tuổi ăn học, có kiến thức tốt cũng tham gia giúp thầy Trà giảng bài cho các em.

Công việc của ông Trà cũng được gia đình rất ủng hộ, không những tạo điều kiện dành những căn phòng to để làm lớp học, vợ con thầy còn ủng hộ kinh phí để duy trì lớp học. “Người ta thường gọi: lớp học của thầy Trà, nhưng đúng ra phải là lớp học của gia đình thầy Trà. Vì nếu không có sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình thì tôi khó có thể duy trì được lớp học”, người thầy giáo tốt bụng chia sẻ.

Ngày trước, còn sức khoẻ thầy Trà dạy 4 buổi một tuần cho các em học sinh. Nhưng bây giờ, khi đã bước sang cái tuổi bát tuần, sức khoẻ của ông bị giảm sút nên mỗi tuần lớp học của thầy chỉ duy trì một tuần một buổi vào ngày chủ nhật tại tầng 2, văn phòng Đảng uỷ phường Phương Liên, Đống Đa.

Cảm kích trước tấm lòng của người thầy hết lòng vì học trò, đã có nhiều thầy cô chung tay góp sức cho lớp học Hướng Thiện. Hiện nay, đã có 8 giáo viên với nhiều bộ môn khác nhau cùng ông kèm các em học. Có thể đây sẽ là đội ngũ kế cận giúp thầy gửi tình thương tới những số phận ít chữ và cần chữ.

Anh Đinh Ngọc Anh (30 tuổi), cùng hỗ trợ thầy Trà đứng lớp chia sẻ: “Một lần tình cờ đọc báo, biết đến lớp học của thầy Trà nên tôi tìm đến cùng thầy bổ túc kiến thức cho các em học sinh. Vì bản thân tôi thấy, đây không chỉ là một lớp học mang giá trị nhân văn sâu sắc mà nó còn là sân chơi cho các em nhỏ dịp cuối tuần”.

Với những đóng góp của mình, vào tháng 11 năm 2014, thầy Nguyễn Trà đã vinh dự được nhận thư khen ngợi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vì những thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Bốn mươi năm đứng trên bục giảng và hơn 20 năm làm bạn với lũ trẻ, thầy Trà đã ghép những mảnh vỡ cuộc đời lại để cùng rìu nhau qua những khó khăn, khắc phục số phận. Dường như công việc dậy học đối với ông giáo già không chỉ là trách nhiệm trên bục giảng, mà đó là trách nhiệm với xã hội, với những em học sinh kém may mắn.
Theo Thu Thảo - Lê Tú/Dân trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.