Cấm thầy cô yêu sinh viên để tránh ‘đổi tình lấy điểm’

Theo tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Cao đẳng Nghề Việt Mỹ, TP HCM, quy định cấm thầy cô yêu sinh viên nhằm tránh việc lợi dụng quyền lực gạ tình đổi điểm.

Theo tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Cao đẳng Nghề Việt Mỹ, TP HCM, quy định cấm thầy cô yêu sinh viên nhằm tránh việc lợi dụng quyền lực gạ tình đổi điểm.

>> Trường học tại Sài Gòn cấm thầy cô yêu sinh viên

Bảo vệ an toàn, công bằng cho sinh viên

Ngày 8/4, quy định cấm tuyệt đối giáo viên yêu sinh viên Cao đẳng Nghề Việt Mỹ thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, dù dưới bất kỳ hình thức nào, giáo viên vi phạm phải nghỉ việc. Nhiều người cho rằng, lệnh cấm không tôn trọng quyền tự do cá nhân, có phần cứng nhắc.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn Kiệt lý giải, thầy cô lợi dụng quyền lực gạ tình sinh viên đã xảy ra ở Việt Nam và nhiều nước khác. Cấm yêu sẽ giúp người làm giáo dục ngăn chặn những hành vi vô đạo đức, đồng thời đảm bảo an toàn cho nhiều bạn trẻ.

Nếu xuất hiện tình cảm, khó tránh khỏi trường hợp giảng viên ưu ái người mình yêu. Như vậy, giảng đường không còn công bằng.

Trường hợp khác, nhiều sinh viên có thể yêu một thầy, cô. Hậu quả, các em rơi vào tình trạng "trái tim tan nát" khi giáo viên yêu bạn mình.

Tiến sĩ Kiệt tâm niệm: “Môi trường giáo dục phải minh bạch. Sinh viên chỉ tập trung học tập. Thầy cô chăm lo bài giảng. Đó là nền giáo dục bình đẳng, công bằng, an toàn cho các em, đảm bảo uy tín nhà trường”.

Ngoài mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên, trường không cấm tình yêu nam - nữ sinh.

"Đừng yêu, hãy thương thầy, em nhé"

Thầy Dương Trần Minh Đoàn - giáo viên Cao đẳng Nghề Việt Mỹ - chia sẻ, nhiều lần được sinh viên bày tỏ tình cảm. Đó là bức thư, tin nhắn hay lời ngỏ trực tiếp từ nữ sinh. Tuy rất tôn trọng nữ sinh, nhưng giáo viên này đồng tình quan điểm không nên tồn tại tình cảm yêu đương thầy - trò trên giảng đường.

Thầy Trần Dương Minh Đoàn - giảng viên của trường.
Thầy Dương Trần Minh Đoàn.

“Khi không nhận được phản hồi từ giáo viên, có em hiểu và gửi gắm tình cảm đến người phù hợp hơn. Nhưng một số nữ sinh khác không bỏ cuộc sớm. Các em tìm mọi cách thu hút như cổ áo khoét sâu, váy ngắn, mắt đong đưa”, thầy Minh Đoàn nói.

Từ đây, giảng viên này thẳng thắn cho rằng, tình cảm của trò dành cho thầy là sự ngưỡng mộ. “Khi bước vào môi trường cao đẳng, đại học, các em ấn tượng trước cách đối xử của thầy cô với mình. Hình ảnh thầy giáo chững chạc, giàu kiến thức lại gần gũi như cha, anh, tạo nên sức hút”.

Cũng theo thầy Đoàn, tình cảm thầy trò sẽ ảnh hưởng việc dạy và học. Sinh viên không nên để thời gian lãng phí cho tình cảm, nên tập trung học tập.

“Tình cảm nam nữ là bản năng của người trưởng thành, nhưng các em đừng để nó chiếm hết tâm trí, làm lạc lối. Hãy không ngừng học tập và rèn luyện để không phụ công truyền giảng của thầy, cô. Hãy đi con đường của các em theo sự hướng dẫn của giảng viên. Đừng đi theo và trở thành cái bóng của ai đó. Các em hãy tỏa sáng, thu hút người khác bằng sự tự tin, năng động, tri thức chứ không phải bằng bộ áo quần siêu ngắn”, thầy Đoàn gửi lời nhắn nhủ.

 Theo Quyên Quyên/Zing

Theo bạn việc cấm thầy yêu trò là nên hay không? Mời độc giả chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Tintuconline bằng cách gửi mail tới địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.