'Càng học cao, trẻ càng đối mặt áp lực học hành lớn hơn'

Sau hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh, dưới góc nhìn từ người đứng trên bục giảng, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư Phạm Hà Nội) đã có những chia sẻ.

Sau hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh, dưới góc nhìn từ người đứng trên bục giảng, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư Phạm Hà Nội) đã có những chia sẻ.

Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường, từ cách giáo dục trong gia đình đến những ảnh hưởng từ đường phố, môi trường. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ quan tâm đến một khía cạnh của tình trạng này, đó là áp lực đến từ trường lớp.

Chúng ta hãy xem xét từ khi đứa trẻ rời gia đình bước chân vào trường mầm non. Việc đột ngột bị đưa đến một nơi xa lạ là sự bạo hành có tổ chức.

Các em bé khi chào đời chỉ được làm quen với môi trường gia đình và những người thân gần gũi. Từ lúc đó cho đến đi học, bé không rời mẹ hoặc những người thân thiết khác. Đột nhiên, bé bị đưa đến một nơi xa lạ, ở cùng những người xa lạ mà không được báo trước, chắc chắn sẽ là cú sốc rất lớn cho trẻ.

Tại trường mầm non Việt Nam, trẻ em không được hoạt động nhiều. Các bé chủ yếu được trông giữ, cho ăn uống và chăm sóc chứ không có nhiều các hoạt động thể thao, vui chơi, khám phá. Bọn trẻ được tích lũy năng lượng dư thừa nhưng không có điều kiện xả ra nên dễ cáu bẳn, hay khóc lóc và thích đập phá.

‘Càng học cao trẻ càng đối mặt áp lực học hành lớn hơn’

Hình minh họa. Nguồn Internet.

Các giáo viên mầm non công việc quá tải, phải chăm sóc các cháu với áp lực của phụ huynh, của nhà trường, của bài học nên cũng không thể lúc nào cũng bình tĩnh và nhẹ nhàng được. Đây cũng là mầm mống của việc giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.

Đến 6 tuổi, trẻ một lần nữa bị ép vào môi trường mới với các nhiệm vụ mới, khó khăn và vô cùng vất vả, đó là trường tiểu học. Một lớp học với 40 – 50 cháu chỉ được nhồi trong không gian 30 – 40 m2.

Thời gian học tập chiếm tới 80%. Thời gian nghỉ ngơi được tính bằng phút. Ngoài không gian lớp học, các em chỉ được chạy ra ngoài hành lang giữa các tiết và cả buổi một lần được chạy trên sân trường. Đây chính là nguyên nhân gây ức chế thần kinh của trẻ tiểu học.

Ngoài ra, việc học tập quá tĩnh với áp lực vô cùng lớn cũng làm trẻ dễ nổi loạn. Ngoài 8 giờ đi học ở trường, không ít trẻ phải tiếp tục với 1, 2 tiếng học thêm hoặc học tiếng Anh. Ngoài ra, học sinh còn phải làm bài tập ở nhà vào buổi tối.

Suốt 24 giờ đồng hồ trong ngày, trẻ tiểu học chỉ hoạt động độ 2 - 3 tiếng. Đây là lượng thời gian ít ỏi đến mức khủng hoảng và là nguyên nhân của tâm lý bức bối, muốn phá phách, chọc ngoáy của trẻ tiểu học.

Hơn nữa, trong suốt 9 tháng ròng, trẻ có tới 8 giờ một ngày ngồi cạnh và gặp gỡ 40 – 50 khuôn mặt cũ với khoảng cách quá hẹp. Một chút bực bội cũng khiến đám trẻ con muốn bùng nổ và sử dụng nắm đấm để giải quyết.

Đó là chưa kể các em là nạn nhân của việc mắng mỏ, xỉ vả và thậm chí bạo hành đến từ phụ huynh, giáo viên. Bị đặt ở vị trí thủ phạm, dù có lỗi hay không, cũng sẽ khiến trẻ ức chế thần kinh. Những khó chịu này không được giải tỏa ở bất kể đâu sẽ dần dần tích tụ lại.

Là giáo viên mầm non hay tiểu học, thời gian làm việc cũng chiếm quá nhiều. Các áp lực cuộc sống do lương thấp, áp lực công việc, áp lực từ các chính sách, chỉ thị cấp trên, áp lực từ các cuộc thi, lịch làm việc, thành tích của học sinh, áp lực của môi trường có quá nhiều nữ… là nguyên nhân để các cô giáo tích tụ ức chế.

Riêng việc một năm 9 tháng họ sống trong khung cảnh quen thuộc với các đồng nghiệp và đám trẻ quen thuộc cũng là nguyên nhân khiến giáo viên bực bội. Đây cũng là lý do khiến học sinh phải sống trong môi trường ngột ngạt, căng thẳng.

Ngoài ra, không ít gia đình lấy trò chơi điện tử và tivi làm phương thức giải trí cho con cái. Đầu óc trẻ đã quá căng thẳng trong một ngày làm việc và sống với áp lực lại thêm bị ức chế. Điều này làm một bộ phận trẻ trở nên thiếu linh hoạt. Một bộ phận khác lại có thể có thiên hướng thích bạo lực, đập phá.

Càng học cao, trẻ càng đối mặt những áp lực học hành lớn hơn. Áp lực thành tích mà mỗi phụ huynh trút lên đầu trẻ sẽ làm các em muốn phát điên. Trong thời điểm đó, chỉ cần một mâu thuẫn vô cùng bé, một ánh nhìn khó chịu cũng khiến trẻ bùng nổ và sẵn sàng ăn thua đủ với nhau.

Nếu phân tích riêng về thời gian trẻ ở trường, chúng ta cũng có thể hiểu tại sao thời gian gần đây, bạo lực học đường lại phát triển mạnh đến vậy. Để giải quyết tình trạng này, chính người lớn phải có thay đổi để giúp trẻ giải tỏa.

Từ giáo viên, phụ huynh, mỗi người trong chúng ta tìm cách giải tỏa áp lực cho con em của chính mình thì chắc chắn dần dần, tình trạng này sẽ được giảm bớt đáng kể.

TS Vũ Thu Hương - Đại học Sư Phạm Hà Nội

Theo Zing.vn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.