Cha mẹ hãy dạy con biết sợ!

Có những cha mẹ cố bảo vệ con bằng cách đóng chặt cửa nhà, mở máy làm sạch không khí và tự an ủi rằng môi trường ô nhiễm đã bị chặn lại ngoài kia.

Có những cha mẹ cố bảo vệ con bằng cách đóng chặt cửa nhà, mở máy làm sạch không khí và tự an ủi rằng môi trường ô nhiễm đã bị chặn lại ngoài kia. Thế nhưng khi đám đông trở nên hung hãn thì cánh cửa sắt của những tháp ngà cũng dễ dàng bị đập nát.

dạy con biết sợ
Hãy dạy con biết sợ!

Năm kia, cô bạn tôi kể sau một tháng ở Singapore: "Trời ơi quê quá. Hôm mới qua cả đám ngồi công viên vừa cắn hạt dưa vừa tám. Quen ở Việt Nam rồi cứ phun hạt dưa thẳng xuống dưới chân. Lập tức có hai bà lao công đi tới quét hốt đống vỏ sạch bách. Mà họ không nói câu nào nha, họ chỉ nhìn mình xong nhìn nhau cười cười thôi mà quê muốn thấu óc".

- Rồi có dám phun bậy nữa không?-Tôi hỏi.

- Có mà dám. Quê tới giờ còn quê nè.

Nhưng khi về Việt Nam, cô ấy lại sẵn sàng cho xe leo lên lề khi đường chật và vứt miếng giấy lau miệng ngay xuống chân bàn. Đó cũng là điều mà ai cũng thấy ở rất-rất nhiều người Việt Nam: ra nước ngoài hay đến môi trường văn minh khác thì lịch sự, trật tự, kỷ cương. Đặt chân xuống sân bay quê hương là lập tức "hiện nguyên hình".

Một phần lý do là nền tảng ý thức của cá nhân người dân chưa vững chắc, hoặc thậm chí chưa hình thành. Phần khác là môi trường xung quanh quá xấu xí khiến họ yên tâm hòa vào đó mà không sợ bị trừng phạt.

Cái nền ý thức chỉ vững chắc khi được xây dựng một cách cẩn trọng và tự nhiên thông qua giáo dục ngay từ còn nhỏ.  Nhiều bà mẹ khi thấy con của bạn mình đến nhà chơi xong cứ khư khư ôm món đồ chơi nó thích thì quay sang khuyên con: "Thôi, em nó thích quá, con nhường cho em". Đứa trẻ "được" sẽ nhận ra chỉ cần mè nheo thật lực và đủ lâu thì sẽ không bị từ chối, còn đứa trẻ "mất" sẽ học cách giấu đồ chơi đi để lần sau khỏi bị mất. 

Trong một đường lối giáo dục khác, chúng được dạy cách kiên nhẫn chờ đến phiên mình chơi đồ chơi chung hoặc tự giác nhường lại khi hết lượt. Ví dụ này giúp dễ thấy khi lớn lên đứa nào sẽ trở thành công chức vòi vĩnh hoặc các công dân ích kỷ, còn đứa nào hiểu rõ không được động đến tài sản của người khác, và giữ gìn của công cũng chính là giữ cho cả phần mình.

Giáo dục sự tôn trọng pháp luật cũng chính từ những việc làm hàng ngày. Đứa bé quen mè nheo sẽ thấy ra đèn vàng mang ý nghĩa "chạy lẹ lên kẻo đèn đỏ"; những bảng cấm là để tung hô sự gan dạ của người vi phạm, những hành vi bị liệt kê trong bộ luật hình sự hứa hẹn mang lại lợi nhuận cực cao, hàng rào công viên nước chỉ là vật cản nhỏ trên con đường giành lấy phần thưởng. 

công viên nước hồ Tây
Vụ công viên nước Hồ Tây có không ít bậc cha mẹ cố đưa con mình vượt rào để con được vui.

Còn đứa trẻ được dạy phải vứt rác đúng chỗ, chỉ được bóc gói bánh trong siêu thị ra ăn sau khi trả tiền, chỉ được qua đường khi đèn đỏ... sẽ nhìn thấy hàng rào công viên nước chính là cảnh báo "dừng lại, đằng sau là tài sản tư nhân". Nó biết, vượt qua sẽ bị phạt. Như qua đường khi đèn đỏ nhiều khả năng sẽ bị xe cán chết.

Không có nơi nào tuyệt đối công bằng, nhưng trong một xã hội có nền pháp luật nghiêm minh, luật pháp phải được hiểu như cách hiểu của những đứa bé biết sợ đèn đỏ: nó áp dụng chung cho tuyệt đại đa số công dân. Những "biện pháp mềm mại" (từ dùng của bà phó tổng giám đốc công viên Hồ Tây) vô cùng hãn hữu.

Thế nên, để hình thành thói quen xử sự văn minh, tôi cho rằng cần thực hiện song song cả giáo dục lẫn lên án và trừng phạt. Đây là một ví dụ rõ nét: cuối năm 2013, chiếc xe tải bể bánh ở Biên Hòa đổ tràn bia lon ra đường đã bùng lên vụ hôi bia hy hữu, bị dư luận lên án dữ dội, hai thủ phạm chính bị tuyên mỗi người sáu tháng tù. 

hôi bia
Vụ hôi bia Biên Hòa cũng đã từng bị dư luận lên tiếng dữ dội.

Chỉ sau đó vài tuần, một chiếc xe tải chở bia chai cũng bị lật ở Hà Tĩnh nhưng không ai hôi bia mà còn giúp tài xế dọn dẹp. Cách đây mới vài ngày, cũng một vụ tương tự lặp lại ở Bình Dương-chẳng lon bia nào bị lấy mất.

Có những cha mẹ cố bảo vệ con bằng cách đóng chặt cửa nhà, mở máy làm sạch không khí và tự an ủi rằng môi trường ô nhiễm đã bị chặn lại ngoài kia. Thế nhưng khi đám đông trở nên hung hãn thì cánh cửa sắt của những tháp ngà cũng dễ dàng bị đập nát.

Một không gian an toàn cho tất cả chỉ có thể đến khi mỗi người đều cố gắng làm gương cho ít nhất là chính con cái mình. Xin hãy bắt đầu dạy con biết sợ.

 
Theo Hoàng Xuân / Trí Thức Trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.