Chọn ngành học qua số liệu... thất nghiệp

Tham khảo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thí sinh nên cân nhắc kỹ để tránh những ngành học đang thừa nhân lực.

Tham khảo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thí sinh nên cân nhắc kỹ để tránh những ngành học đang thừa nhân lực.

Báo cáo mới nhất của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 24/12/2015 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm nhưng số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng cao: 225.500 người.

Biểu đồ thống kê quý ba năm 2015 cho thấy số lao động trình độ đại học thất nghiệp nhiều hơn hẳn các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Đơn vị tính: Nghìn người. Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Dư thừa nhân lực "ngành hot"

Nếu như trước đây, Kế toán - Kiểm toán hút nhân lực với thu nhập cao, thì hiện nay, đây là một trong ngành dư thừa lao động. Kết quả khảo sát tình hình cung - cầu lao động trên địa bàn Hà Nội quý ba năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, nhóm ngành này đang có chênh lệch nguồn cung gấp 11,8 lần so với nhu cầu của xã hội.

Hiện nay, tính riêng khu vực Hà Nội, gần 30 trường đại học đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán. Dù các thống kê vài năm gần đây cho thấy ngành này đang dư thừa nhân lực, các trường vẫn tuyển với chỉ tiêu ở mức cao.

Năm 2015, Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh ngành Kế toán với 480 chỉ tiêu, lớn thứ ba trong số 24 ngành đào tạo đại học của trường.

Đại học Công Đoàn tuyển 350 chỉ tiêu ngành Kế toán, trong khi những ngành khác như Công tác xã hội, Xã hội học, Bảo hộ lao động chỉ tuyển 150 chỉ tiêu.

Năm 2016, ngành Kế toán tiếp tục được mở thêm ở một số trường trên cả nước như Đại học Công nghiệp TP HCM, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu...

Theo thống kê quý hai của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhu cầu tìm việc làm ngành Kế toán – Kiểm toán cao nhất cả nước với 25,44%. Đến quý ba, nhóm nghề có người đăng ký tìm việc nhiều nhất vẫn là Kế toán tài chính (22,1%), xếp sau là Quản trị nhân sự (12,8%), Quản trị kinh doanh (7,6%).

Bên cạnh Kế toán - Kiểm toán, ngành Tài chính - Ngân hàng cũng ghi nhận số cử nhân thất nghiệp gia tăng.

Thống kê quý hai năm 2015, các ngành - nghề mà người lao động khó tìm được việc làm nhất là: Nhân viên ngân hàng, Nhân viên hành chính - Văn phòng, Kế toán và một số ngành kỹ thuật như Hóa dầu, Sinh học, Hóa chất.

Trong khi đó, kỳ thi năm ngoái, ngành Tài chính - Ngân hàng vẫn được tuyển sinh ở nhiều trường với số chỉ tiêu lớn. Ví dụ, Đại học Đại Nam tuyển 250 chỉ tiêu, Đại học Sài Gòn tuyển 350, Đại học Tôn Đức Thắng 180... Lượng chỉ tiêu ngành này luôn vượt trội so với những ngành còn lại.

Đến tháng 10 và 11/2015, Tài chính trở thành nhóm nghề có nhiều người tìm việc nhất cả nước (21,9%), tiếp đến là Quản trị nhân sự (11,1%), Kế toán (10,5%)...

Những ngành nghề dễ xin việc làm

Trong khi cử nhân đại học thất nghiệp nhiều thì tình trạng thiếu lao động vẫn xảy ra ở một số nghề như nhân viên kinh doanh, nhân viên chăm sóc khách hàng, giám sát bán hàng tại siêu thị (27,8%); tiếp đến là nhân viên tư vấn tín dụng, đầu tư tài chính (14,6%); kỹ sư cơ khí, bảo trì, thợ hàn, vận hành dây truyền (11,2%); lao động quản lý chất lượng, thủ kho, nhân viên kỹ thuật (8%).

Trong tháng 10 và 11/2015 có 7.257 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với tổng số cần tuyển 58.591 người. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng của nhóm công ty trách nhiệm hữu hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao (40,83%).

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM, Công nghệ thông tin đang là ngành đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn. Năm 2015, trường tuyển sinh ngành này với 300 chỉ tiêu, các chuyên ngành gồm Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Quản trị mạng. Trường dự kiến mở thêm chuyên ngành An ninh mạng để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này.

Nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong những năm tới. Sự kết hợp giữa nhóm ngành trên dẫn đến sự xuất hiện các ngành: Kỹ thuật thương mại, Quản trị viên của các ngành kỹ thuật.

Những ngành này đòi hỏi tính ứng dụng cao, do đó ngoài mặt lý thuyết, học sinh cần rèn luyện khả năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian hiệu quả.

Một ngành học khác dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong vài năm tới là Tâm lý học. Theo tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT đang dự thảo đề án đưa cán bộ tâm lý học đường vào các trường phổ thông.

Theo đó, mỗi trường đều phải có cán bộ chăm sóc tâm lý cho học sinh. Đây là cơ sở để nhu cầu nhân lực ngành Tâm lý học tiếp tục tăng và đi sâu vào các chuyên ngành Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học trị liệu.

Thí sinh có thể học ngành này tại các trường lớn như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa tâm lý Đại Sư phạm Hà Nội, Đạị học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Trống" định hướng nghề nghiệp

Trước đó, trao đổi với Zing.vn về vấn đề 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nước ta đang tồn tại phong trào hiếu học đến lạc hậu, học vì hư danh. Người người, nhà nhà đều muốn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, ngành nào cũng được, chủ yếu để “oai”. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.

Đồng tình ý kiến trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - nhận định, tâm lý chung của nhiều người là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không. Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với việc chất lượng đào tạo giáo dục đại học.

Tất cả những nguyên nhân trên xuất phát từ việc “trống” hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài.

Trong khi đó, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một người đầu bếp giỏi cũng có thể đi khắp thế giới và thành đạt. Công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS.


Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.