Chủ nhà trọ sinh viên lạm thu tiền điện

Bất chấp về việc có thể bị xử phạt 10-15 triệu đồng, nhiều chủ nhà trọ ở Hà Nội và TPHCM vẫn thu tiền điện của sinh viên cao hơn so với quy định gấp nhiều lần.

Bất chấp về việc có thể bị xử phạt 10-15 triệu đồng, nhiều chủ nhà trọ ở Hà Nội và TPHCM vẫn thu tiền điện của sinh viên cao hơn so với quy định gấp nhiều lần. Dù biết bị “bóc lột” tiền điện nhưng vì phận thuê nhà nên nhiều sinh viên phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Một khu trọ sinh viên ở đường Bến Bình Đông, quận 8, TPHCM. Ảnh: Hữu Huy.
Một khu trọ sinh viên ở đường Bến Bình Đông, quận 8, TPHCM. Ảnh: Hữu Huy.

Đua nhau “chặt chém”

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá điện đối với phòng trọ dành cho sinh viên ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Gia Lâm… dao động từ 3.500 - 5.000 đồng/kWh. Bà Nguyễn Thị Tám - chủ nhà trọ ở Xuân Thủy (Cầu Giấy) cho biết: “Tiền điện nhà trọ của cô cho thuê là 4.500/kWh. Đây là giá chung, giờ đi thuê nhà trọ ở đâu tại Hà Nội cũng đều có giá này. Muốn hưởng điện, nước theo giá nhà nước thì phải thuê nhà riêng”.

Phòng trọ của Lê Minh Đức, sinh viên Trường ĐH Hà Nội và nhóm bạn thuê trọ ở Khương Đình (quận Thanh Xuân) nằm trong dãy nhà cấp 4, ẩm thấp. Căn phòng rộng khoảng 12 m2, có nhà vệ sinh khép kín, có giá 1,6 triệu đồng/tháng. Riêng tiền điện là 4.500 đồng/kWh; nước 80 nghìn đồng/người/tháng. Đức cho biết, tháng vừa rồi, phòng chỉ dùng quạt điện, nồi cơm điện với chiếu sáng mà hết hơn 500 nghìn đồng tiền điện. “Sắp tới mùa đông, bọn mình tính mua cái ấm điện cắm nước nóng tắm, với giá điện cao thế này, không biết sẽ tốn thêm bao nhiêu nữa”, Đức nói.

Trong căn phòng trọ nhỏ ở Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Lê Văn Hải và Nguyễn Thanh Sơn, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, đang học bài trong thời tiết nóng nực nhưng chỉ dám bật chiếc đèn học nhỏ để tiết kiệm điện. “Tiền phòng đã đắt lại còn thêm tiền điện tận 5.000 đồng/kWh, nước 100 nghìn đồng/người. Phòng mình dùng có 1 bóng đèn, 1 chiếc laptop, nồi cơm điện và quạt điện mà tháng nào tiền điện cũng hơn 400 nghìn đồng, tiền nước 200 nghìn đồng”, Sơn chia sẻ.

Ngoài thu chênh lệch về giá điện, nhiều chủ nhà trọ ở Hà Nội còn tăng số điện của sinh viên, lấy giá điện khống bằng nhiều thủ đoạn.

Nguyễn Thu Hoa, sinh viên năm nhất Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, thuê trọ ở quận Thanh Xuân, nói: “Khi mình thuê phòng, chủ nhà bảo giá điện 3.500 đồng/kWh, nhưng mới ở được hơn một tháng giá điện tăng lên 5.000 đồng/kWh. Hợp đồng tiền phòng 4 tháng/lần, muốn chuyển đi cũng không được”.

Chủ nhà trọ sinh viên lạm thu tiền điện - ảnh 1
Giá điện tăng khiến sinh viên phải dè sẻn và sử dụng điện tiết kiệm. Ảnh: Hữu Huy.

Ngành điện bó tay

Qua khảo sát các khu trọ của sinh viên nằm xung quanh các trường đại học, cao đẳng của TPHCM, nhiều sinh viên xác nhận bị chủ trọ thu tiền điện cao 3.000-3.500 đồng/kWh. Chỉ có 2 bạn cho biết chủ trọ thu dưới 2.500 đồng/kWh. Bạn Trần Khánh Vy, sinh viên một trường đại học đang ở nhà trọ trên đường D2 (quận Bình Thạnh) cho biết, vừa chuyển vào nhà trọ này khi đầu năm học mới. Mức giá điện chủ nhà đưa ra là 3.000 đồng/kWh. Theo Khánh Vy, mức giá đưa ra đã là “mềm” so với khi ở trọ tại quận 1 (giá điện là 4.000 đồng/kWh).

Theo bạn Trần Thị Huế, ở trọ tại địa chỉ 94/1055 đường Dương Quảng Hàm, phường 6, quận Gò Vấp, giá tiền điện ở phòng trọ hiện nay được tính 3.500 đồng/kWh. Theo Huế, gần đây, chủ trọ đang có ý định sẽ tăng giá điện vì đã có tin giá điện tăng (?). “Dù biết chủ trọ thu tiền như thế là sai, có thể bị phạt, nhưng không dám nói gì vì muốn sống ổn định ở đây và chưa muốn bị đuổi”, Huế nói.

Theo khảo sát, đa phần các bạn sinh viên đều dùng không vượt quá ngưỡng 100 kWh/tháng. Tuy nhiên, mức thu của các chủ trọ đều vượt hơn so với quy định, trung bình 3.000-4.000 đồng/kWh, tức là gấp 2 hoặc 3 lần so với mức giá quy định.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ thuộc Phòng Kinh doanh Cty Điện lực TPHCM khẳng định: “Việc bán điện với giá cao hơn quy định là một hình thức kinh doanh điện. Những trường hợp này đã vi phạm Luật Thuế và Luật Điện lực vì kinh doanh điện phải có giấy phép. Khi phát hiện, ngành điện sẽ đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Ngành điện thường xuyên phối hợp với các quận, huyện tuyên truyền cho các chủ nhà trọ không tăng giá, hướng dẫn chủ nhà trọ thực hiện định mức điện để áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Còn việc các chủ trọ tăng giá, thu giá cao ngành điện không xử lý được mà các cơ quan chức năng quận, huyện kiểm tra và xử lý”.

Đại diện Tổng Cty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, tình trạng các chủ nhà thu tiền điện của sinh viên cao hơn so với quy định đã diễn ra từ nhiều năm nay. Hằng năm, ngành điện Hà Nội có đi kiểm tra. Tuy nhiên, đa số sinh viên đều chấp nhận mức giá điện cao để khỏi bị đuổi khỏi khu trọ nên không dám “tố” với cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, EVN Hà Nội sẽ có thông báo gửi Điện lực các quận, huyện để rà soát, kiểm tra. “Chủ nhà trọ nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, vị đại diện EVN Hà Nội nói.


Theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hành vi bán điện với mức giá cao hơn quy định sẽ bị xử phạt. Theo đó, người cho thuê nhà nếu thu tiền điện cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà trọ, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ đăng ký tạm trú.

(Nguồn: Quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công ThươngQuy định về giá bán điện)


Theo Tiền Phong


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.