Tiếng nói từ giáo viên
Độc giả Đào Hạnh, là một giáo viên, cho biết mình không chỉ đau xót khi nghe thấy tiếng kêu đau quá của cháu mà còn thấy phẫn nộ vì sự tắc trách vô trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. “Chúng ta không thể thoái thác trách nhiệm trong chuyện này, cần có biện pháp mạnh để răn đe những ông bố bà mẹ không biết dạy con và sự vô tâm của các thầy cô giáo...” – độc giả này nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Văn Ngọ cho rằng cần phải ngăn chặn bạo lực học đường bằng kỷ luật nghiêm khắc. “Tôi đã là một thầy giáo, mỗi khi nghe tiếng ồn ào ngoài lớp, mỗi sự bất thường trong trường tôi đều chú ý”. Theo anh Ngọ, “Có kỷ luật mới có tự giác. Hãy thay đổi cách nhìn, cách làm việc của các nhà quản lý giáo dục. Hàng ngày Hiệu trưởng làm gì, ở đâu? Hay là làm công tác xã giao, điều hành qua điện thoại và chủ yếu là quan hệ "tốt" với trên, dưới là được?”.
Trong khi đó, độc giả Trần Phong - tự giới thiệu bản thân cũng là một giáo viên ở tỉnh Kiên Giang - cho biết không phải hôm nay mới xem clip này mà còn xem rất nhiều nhiều clip khác, và thú thực “Anh em giáo viên chúng tôi không hề muốn những sự việc đó xảy ra và không bao giờ xảy ra đối với các em”.
Nhưng theo độc giả này, đây là việc mà lực bất tòng tâm, “lỡ nếu xảy ra bản thân tôi cũng muốn xử lý thích đáng mà còn làm bài học răn đe cho các em khác, cho toàn xã hội nhưng thưa anh lực bất tòng tâm, thử hỏi vì sao? Câu trả lời khá đơn giản: thành tích, thành tích và bệnh thành tích. Vô cảm, vô cảm và bệnh vô cảm. Cơ chế, cơ chế và bệnh cơ chế”.
“Xin hay cho tôi một quyền năng để giúp con em chúng ta bớt đi phần nào đau khổ. Thành thật xin anh tha thứ cho những con người lạc lối trong lãnh vực giáo dục hiện nay”.
Tuy nhiên, những lời cảm thán này của anh Phong không nhận được nhiều sự đồng tình từ những độc giả khác.
Độc giả Hương Vũ đồng ý với anh Trần Phong là giáo viên không muốn sự việc xảy ra, “Nhưng giáo viên phải thấy có trách nhiệm với việc đã xảy ra” – độc giả này yêu cầu.
Trao đổi lại với Trần Phong, độc giả có địa chỉ email lyly_pink_0603@... cho rằng thầy cô được ví như là cha mẹ của học sinh. Mà cha mẹ thấy con bị đánh lại cũng im? “Lực bất tòng tâm, nói nghe nhẹ nhàng quá. Lực bất tòng tâm thì đừng làm giáo viên nữa, đừng đi dạy nữa khi không có khả năng dạy dỗ và bảo vệ cho học sinh của mình”.
“Nếu biết là thành tích, là người trồng người sao anh không tẩy chay? Đừng đổ lỗi nữa. Làm đi”. “Đừng nói tha thứ hay thông cảm ở đây. Côn đồ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vì đứng sau các côn đồ khác đó. Đề nghị xử ngay, xử nghiêm”... – là những ý kiến trao đổi khác với anh Trần Phong.
Kéo dài tới khi nào?
Câu chuyện về bạo lực học đường, như hồi tưởng của nhiều độc giả, đã diễn ra với con em và với chính bản thân từ lâu.
“Năm nay tôi đã 58 tuổi. Nhớ lại khi tôi 10 tuổi học ở trường C1 xã Hoa Thám, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương tôi cũng bị các bạn đánh hội đồng mà ngày nào chẳng bị đánh. Khi mách bố, bố tôi còn tát tôi trước mặt các bạn. Thày cô chỉ biết đến giờ là nên lớp tôi tiếp tục bị đánh. Con giun xéo nắm cũng quoằn, rồi đến lúc tôi phải tự mình bảo vệ mình…” – Đây là ký ức của độc giả có email là minhtuan1957@...
Độc giả Bandoc@... than thở “Chuyện bạo hành học đường đã kéo dài nhiều năm lắm rồi mà sao ngành giáo dục vẫn chưa nghĩ ra được biện pháp gì hữu hiệu để ngăn ngừa?” Theo độc giả này, đã đến lúc nhà trường phải áp dụng các biện pháp như: Đặt camera quan sát các lớp học và sân trường và phân công người theo dõi hằng ngày để phát hiện ngay hành vi bạo hành giữa các học sinh; Có biện pháp theo dõi giám sát đặc biệt đối với các học sinh cá biệt...
Anh Phi Ngô thì tin rằng đây chỉ là 1 số ít trường hợp được tung lên mạng về vấn đề bạo lực học đường. “Nó chỉ là 1 phần nhỏ của tảng băng thôi. Hãy làm gì đó trước khi quá muộn nhé các quan” – anh này kêu gọi.
Chị Nguyễn Thúy, có một cô con gái nhỏ, cho biết sẽ dạy cháu mạnh mẽ và yêu thương bản thân mình, để lớn lên đi học trường làng hay trường đời con không bị bắt nạt. “Vì không ai yêu thương mình bằng chính mình, nên phải dạy các con cách bảo vệ bản thân, để các con không bị chà đạp dưới bất kỳ hình thức nào”.
Chị Lê Thị Xuyên lại chia sẻ một kinh nghiệm khi xử lý sự việc tương tự: “Trước đây con tôi cũng bị đánh, nhưng tôi tự tới Ban giám hiệu yêu cầu giải quyết cho rõ ràng. Một ngày không giải quyết được thì hai ngày. Nếu không thì tôi xử lý theo cách của mình. Điều đáng trách là cha mẹ đã giáo dục con như thế nào mà để có hành động như vậy?”.
Chúng ta đang bắc cái thang yếu cho con em trèo
Bên cạnh gia đình, nhà trường, các độc giả cũng chỉ rõ những yếu tố khác tác động tới nhân cách, hành xử của trẻ. Độc giả Nguyễn Tiến Tam cho rằng: “Xã hội cũng nên xem xét lại việc giáo dục thế hệ trẻ, có phải các lễ hội đập trâu, chém lợn, các hành vi "cướp có văn hóa" ở các đền chùa đã góp phần dạy cho các em cách hành xử thô bạo, mất nhân tính như vậy?”.
“Cứ xem clip cúng đền, cúng chùa, người lớn còn nhào vô đánh lộn, giành giật, thì bảo sao con nít không học hỏi? Tự mình trách mình trước đã” – email từ địa chỉ xytyn1973@...
Độc giả ở email khoiwto@... thì khẳng định có một phần trách nhiệm của chúng ta, quá nương tay, đôi lúc còn kêu gọi sự dung tha cho học sinh hỗn láo, có hành vi xấu đối với bạn bè, thầy cô. “Tôi vẫn tự hỏi tại sao Singapore học kiên quyết xử phạt roi với thiếu niên nước ngoài vi phạm Luật của họ, dù nhiều nguyên thủ quốc gia có công dân vi phạm xin chế độ nhân đạo và viện vào lý do này khác để xin giảm. Có lẽ vì vậy sự tôn trọng pháp luật và trật tự xã hội của họ mới tốt được”.
Còn theo độc giả Lê Hải thì tất cả là do kỉ luật của nhà trường không nghiêm. “Hồi tôi đi học, loạng quạng là bị đuổi học ngay; học sinh ở lại lớp là điều bình thường. Còn bây giờ, đình chỉ học tập có thời hạn là cái rất hiếm khi xảy ra. Còn học sinh lưu ban là điều hầu như không tồn tại. Chúng ta đang bắc cái thang mà bậc càng cao thì càng yếu kém cho con cháu chúng ta trèo!” – anh Hải chua xót nhận xét.
Theo Ngân Anh tổng hợp/VietNamnet