Cô gái rửa xe thuê đỗ hai trường đại học

Phạm Thị Nhung đỗ hai trường đại học trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ước mơ đến giảng đường của nữ sinh lên Hà Nội rửa xe thuê kiếm sống đã thành hiện thực.

Phạm Thị Nhung đỗ hai trường đại học trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ước mơ đến giảng đường của nữ sinh lên Hà Nội rửa xe thuê kiếm sống đã thành hiện thực.

Từ chối nhiều lời giúp đỡ

Những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, giọng Phạm Thị Nhung reo vui trong điện thoại khi thông báo: “Em đỗ hai trường đại học rồi”.

Nữ sinh chia sẻ tin vui khi em đang trên xe từ Hà Nội về Nam Định chuẩn bị thủ tục nhập học, sau khi kết thúc một ngày rửa xe thuê tại Mỹ Đình, Hà Nội. Cách đây nửa tháng, Nhung báo tin trượt đại học nguyện vọng 1 cũng trong buổi chiều kết thúc ngày rửa xe như vậy. Công việc này gắn liền với em từ mùa hè năm học lớp 11.

Tôi gặp Nhung trong buổi trưa nắng cuối tháng 6, khi chương trình Cùng bạn đi thi của Thành đoàn Hà Nội giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vừa kết thúc. Hôm đó, Nhung đến muộn vì một mình từ Nam Định lên Hà Nội dự thi, không quen đường xá nên mất nửa ngày mới tới được địa điểm.

Vừa bắt đầu câu chuyện, đôi mắt Nhung ngân ngấn nước. Mẹ bị bệnh thần kinh, bố bỏ nhà đi, một mình nữ sinh cấy 2 sào ruộng nuôi 2 em nhỏ. Cuối năm lớp 11, em lên thành phố rửa xe thuê kiếm được 4 triệu đồng/2 tháng. Số tiền ấy, Nhung dành chi tiêu trong gia đình trong một năm, còn 500 nghìn đồng giữ lại làm lộ phí thi đại học...

Phạm Thị Nhung bật khóc khi nhắc lại những câu chuyện buồn. Ảnh: Quyên Quyên.
Phạm Thị Nhung bật khóc khi nhắc lại những câu chuyện buồn. Ảnh: Quyên Quyên.

“Người Hà Nội cũng khổ chị nhỉ, buổi trưa mà đông người ra đường thế. Ở quê em, tuy vất vả làm đồng nhưng trưa nắng chang chang ai cũng được nghỉ ngơi” - Nhung nói khi ngồi sau xe tôi về ký túc xá trọ miễn phí trước khi thi đại học.

Luôn nhận mình là người quê, cô gái Nam Định có đôi bàn tay thô ráp vì làm ruộng từ ngày nhỏ thấy bình yên với cuộc sống đang có, dù với nhiều người, em chịu nhiều thiệt thòi và vất vả.

“Em không mong muốn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, dù biết đi học không phải chuyện đơn giản, tự lựa chọn đồng nghĩa tự bước đi thôi” - Nhung nói, ánh mắt nhìn vào xa xăm.

Trước đó, khi câu chuyện của nữ sinh lên Hà Nội rửa xe thuê kiếm tiền thi đại học đăng tải trên Zing.vn, nhiều người ngỏ ý giúp đỡ bằng vật chất. Tuy nhiên, một phần do chưa đỗ đại học, cô gái đến từ Nam Định không dám nhận lòng tốt, dù cảm động trước nhiều người xa lạ muốn giúp đỡ mình. Một người đồng hương đã giúp em học tiếng Anh miễn phí tại trung tâm. Nhiều người gọi điện tâm sự, động viên Nhung hàng giờ. Dù nữ sinh từ chối nhưng nhiều người vẫn gửi quà. Số tiền Nhung nhận được đủ đóng học phí cho 1-2 kỳ học sắp tới.

Thành công không đến muộn

Mới ngày nào một mình bắt xe lên thành phố đi thi, ngơ ngác trước bao điều mới lạ, hiện tại Nhung vẫn lâng lâng trong cảm giác sắp trở thành tân sinh viên trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung với 18 điểm khối D; 16,5 điểm (tổ hợp Toán, Hóa, Tiếng Anh).

Thi xong đại học, Nhung ở nhà chú tiếp tục công việc rửa xe, vừa làm thêm, vừa “nghe ngóng” thông tin xét tuyển, và học thêm tiếng Anh 3 buổi/tuần.

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào Đại học Công nghiệp Hà Nội, em trượt do chưa tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng. Nộp hồ sơ trong ngày 20/8 - thời gian cuối cùng của đợt xét tuyển, với số điểm bằng ngưỡng trúng tuyển tạm thời, Nhung đỗ trong buổi sáng nhưng đến chiều em trượt.

Rút kinh nghiệm trong đợt xét tuyển bổ sung, nữ sinh nộp hồ sơ vào ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường (Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, tổ hợp Toán - Hóa - Tiếng Anh ), ngành Kế toán (Đại học Tài nguyên và Môi trường, Khối D).

d
Nữ sinh đỗ trong đợt xét tuyển bổ sung.

Chỉ còn hai ngày nữa (12/9) là đến thời gian nhập học, tuy nhiên, khi được hỏi em vẫn chưa quyết định nên học trường nào.

Cô gái chia sẻ: “Em nghiêng về ngành Kỹ thuật Môi trường - Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải vì qua tìm hiểu thấy mình phù hợp ngành học này. Em sẽ hỏi ý kiến của mọi người trong gia đình, mong rằng sẽ được đi học như các bạn”.

Chuẩn bị nhập học khi không có nhiều “vốn liếng” trong tay là nỗi lo lắng nhất của cô gái trẻ. Về chi phí sinh hoạt trong những ngày tháng ở Hà Nội, Nhung chưa dám nghĩ ngợi nhiều. Dự định vừa làm thêm, vừa học để kiếm tiền trang trải, cô gái mong giảng đường không phải là ước mơ quá xa vời với em.

Theo Zing






Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.