Cô giáo mầm non đừng đổ thừa cho áp lực công việc

Nếu đến trường không còn là niềm hạnh phúc ngắm "ánh mắt tròn xoe, đàn em thơ ngây" mà chỉ toàn là "cảm thấy điên tiết"; "cảm thấy mệt mỏi"; cảm thấy thất vọng",... "thì có lẽ nên chuyển nghề.

Nếu đến trường không còn là niềm hạnh phúc ngắm "ánh mắt tròn xoe, đàn em thơ ngây" mà chỉ toàn là "cảm thấy điên tiết"; "cảm thấy mệt mỏi"; cảm thấy thất vọng"; "muốn buông tay"... như tâm trạng của cô giáo này thì có lẽ chuyển nghề sẽ là điều quyết định sáng suốt nhất.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên được từng câu trong bài thơ về một ngày của "Cô giáo mầm non" gây sốt thời gian gần đây.

Đầu giờ đón trẻ liền tay
Đứa khóc đứa mếu, đứa gây đứa hờn
Ổn định và ăn sáng luôn
Lại ho sặc sụa, lại nôn ào ào
Một cô dọn dẹp quét lau
Một cô dỗ cháu, “ăn mau, ngoan nào”
Đứa nuốt, đứa ngậm, đứa lè…
Thôi thì quần quật cũng ê ẩm lòng
Sau khi ăn sáng đã xong
Cô cho sinh hoạt ngồi vòng đọc thơ
Lưng tròng nước mắt chực chờ
Chỉ một đứa khóc, lớp òa khóc theo...

Thế mới thấy, cô giáo mầm non vất vả nhưng thế nào và chắc chắn cũng không phải ai có thể hiểu hết được sức bền bỉ suốt cả tuần của các cô. Đầu tiên phải kể đến lịch làm việc. Bắt đầu từ gần 7 giờ sáng cho đến 5, 6 giờ chiều làm việc luôn tay, luôn chân. Các cô phải đến lớp để dọn dẹp và đón các cháu. Bạn đến trước ăn sáng, chạy nhảy, đòi "đi tè, đi ị", chưa lo xong lại đón bạn mới đến khóc lóc đòi về... Chưa làm hết việc này lại có việc khác đang chờ sẵn, học sinh chưa uống sữa xong lại lo dọn dẹp, dạy dỗ rồi bữa trưa, bữa xế...

Cô giáo mầm non đừng đổ thừa cho áp lực công việc - 1

Không phải so sánh đâu xa, một phụ huynh ở nhà với con một ngày nhiều khi còn phải thốt lên câu "phát rồ" vì con. Đằng này, các cô phải quán xuyến 30-40 em đang trong độ tuổi khó bảo, hành động theo bản năng. Để cả lớp đi vào khuôn khổ: tất cả cùng chơi, cùng ăn, cùng ngủ, cùng hát các cô phải tung hết các chiêu trò từ nịnh nọt, dụ dỗ đến nghiêm nghị, nặng hơn là phạt đứng góc lớp.

Đó là chưa kể đến việc, các cô chỉ nhận được vài triệu đồng tiền lương không đủ sống và hy sinh cả việc gia đình, bỏ bê con cái vì sự nghiệp.

Tất cả những điều trên cũng để lý giải rằng, vì sao trong điều tra mới đây lại có rất nhiều giáo viên muốn bỏ nghề như vậy.

Thế nhưng, bên cạnh câu chuyện "cái khó, cái khổ" của giáo viên mầm non lại là câu chuyện về cái Tâm của nghề.

Vụ việc gây "chấn động" giới phụ huynh ngày hôm qua cũng như vậy. Một cô giáo mầm non tại Hà Nội đăng những câu từ không hay ho về học sinh cũng như ca thán về nghề khi nói chuyện với bạn trên Facebook cá nhân: "... Học sinh mất dạy như ... ý. Chỉ muốn tát vào mặt chúng nó thôi. Nó còn dọa hẳn mình về mách mẹ. Sợ quá", rồi "Gớm. Nịnh chúng nó có mà đè đầu mình ngay""Có Facebook phụ huynh đâu mà sợ". Đặc biệt, đoạn chat trên nằm trong status của cô giáo này đăng những lời lẽ không mấy hay ho về học sinh của mình.

Không ai có thể chấp nhận một "mẹ hiền ở trường" lại có thể thốt lên những lời như vậy. Cũng có người sẽ thanh minh rằng các cô làm việc quá áp lực. Nhưng trước khi bắt phải làm gì thì hãy tự hỏi mình đang muốn gì.

Trước khi "phải" đến trường để dạy học sinh, thầy cô tự hỏi lòng, mình có muốn đi dạy không, có yêu trẻ con không, có theo đuổi đam mê đến cùng không? Nếu vì không có việc gì làm thì hãy vì miếng cơm manh áo hàng ngày của mình mà trân trọng những gì đang có.

Không ai dám chắc với những cô giáo có tư tưởng thế này sẽ không có những vụ bạo hành học sinh. Dư âm của những trận đòn của các cô bảo mẫu, cô giáo mầm non vẫn còn ngập tràn ở các trang báo mạng và ở những vết thương trên da thịt, sâu tận trong lòng mỗi đứa trẻ.

Nó cũng giống như một bác sĩ không thể đổ lỗi cho quá đông bệnh nhân mà khám chữa bệnh qua loa, hay một tài xế không thể đổ tại cho việc lái xe nhiều giờ, mệt mỏi mà có vài giây... ngủ gật.

"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", tên một bài hát cũng là khẩu hiệu được dán ở nhiều trường dành cho học sinh. Thế nhưng có lẽ giờ đây, câu nói này hãy dành thêm phần cho một số cô giáo (chỉ một số cô thôi vì thực tế hầu hết giáo viên mầm non đều như mẹ hiền, yêu thương học sinh, tâm huyết với nghề).

Nếu đến trường không còn là niềm hạnh phúc ngắm "ánh mắt tròn xoe, đàn em thơ ngây" mà chỉ toàn là "cảm thấy điên tiết"; "cảm thấy mệt mỏi"; cảm thấy thất vọng"; "muốn buông tay"... như tâm trạng của cô giáo này thì có lẽ chuyển nghề sẽ là điều quyết định sáng suốt nhất của các cô và là điều may mắn cho nền giáo dục nước nhà.

Theo Khám Phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.