Có nên đưa chuyện "giường chiếu" vào giáo dục trong trường phổ thông?

Có ý kiến cho rằng học sinh ngày nay không xa lạ với những câu chuyện "giường chiếu" cho nên khi đọc sách có những cảnh này là bình thường. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo cần thận trọng.

Từ câu chuyện Trường Quốc tế TPHCM phát sách tả cảnh "giường chiếu" cho học sinh lớp 11, những cuộc tranh luận đã bùng nổ về quan điểm giáo dục trẻ. Một luồng ý kiến cho rằng những trang miêu tả cảnh "giường chiếu" trong tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian quá trần trụi, chi tiết, thậm chí là thô tục, không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Đặc biệt, luồng ý kiến này lên án khi những trang sách này được lan truyền chính thức, công khai trong cơ sở giáo dục, thậm chí là buộc phải đọc khi được giáo viên phát.  

Ý kiến khác lại nói những người phản đối cho trẻ học trung học phổ thông đọc loại sách này cổ hủ, lạc hậu hoặc đạo đức giả bởi ngày nay giới trẻ đã tiếp cận thông tin về quan hệ tình dục nhiều hơn những điều được viết trong cuốn sách.

Có nên đưa chuyện giường chiếu vào giáo dục trong trường phổ thông?-1

Câu chuyện giáo viên Trường Quốc tế TPHCM phát sách có cảnh "giường chiếu" cho học sinh gây tranh cãi.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS Phan Thế Hoài, giáo viên môn ngữ văn tại TPHCM, cho rằng với lứa tuổi học sinh, khi đọc những trang sách như vậy sẽ kích thích sự tò mò, lối sống bản năng con người.

Ông thừa nhận rằng có một bộ phận học sinh ngày nay đã tiếp cận nhiều thông tin về quan hệ tình dục, thậm chí quan hệ tình dục từ sớm song không phải tất cả đều như vậy.

Ông nói rằng đa số những học sinh đọc sách liên quan đến tình dục trên internet là đọc lén, giấu cha mẹ, thầy cô. Đây là những hành vi tò mò do tâm lý tuổi mới lớn.

"Học sinh có thể đi "lạc đường" và nhiệm vụ của người lớn là phải biết định hướng cho các em, hướng dẫn trẻ đọc những cuốn sách phù hợp với trình độ, nhận thức, tâm lý. Không thể đánh đồng ai cũng như vậy hoặc thừa nhận những hành động chưa đúng", ông Hoài nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một nữ chuyên viên tâm lý học đường ở TP Thủ Đức, TPHCM bày tỏ cảm giác rợn tóc gáy khi đọc những trang sách trên. Vị này không thể tưởng tượng những trang sách như vậy có thể được phát công khai trong môi trường giáo dục.

"Giáo dục giới tính cho con trẻ là một câu chuyện không dễ dàng. Đây là một nội dung giáo dục đặc biệt, cần có chương trình chi tiết, cụ thể, vừa tinh tế vừa hiệu quả, không phải là những trang sách, tài liệu miêu tả chi tiết, cặn kẽ, kích thích tò mò của trẻ", nữ chuyên viên nói.

Trong khi đó, một nam giáo viên môn ngữ văn bậc THPT tại quận 1, TPHCM nhìn nhận rằng vấn đề nhà trường phát sách hay học sinh tự tìm đọc không quan trọng bằng cách cha mẹ, thầy cô định hướng cho trẻ.

"Quan trọng nhất là góc nhìn, định kiến và độ tuổi của người tiếp nhận. Nếu học sinh lớp 11, tôi cho rằng cũng đã đủ lớn để tiếp cận những thông tin về tình dục. Vì thế, việc giáo dục giới tính cũng nên thẳng thắn và cởi mở hơn, càng né tránh các bạn càng muốn tìm hiểu", vị này cho hay.

Trở lại phân tích về những trang sách miêu tả cảnh "giường chiếu" trong tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, nam giáo viên cho rằng nếu đó là một tác phẩm truyện mang tính chất nghệ thuật nên nhìn nó dưới góc nhìn nghệ thuật, thẩm mỹ thay vì sự trần trụi đời thường. Ông cũng dẫn chứng tác phẩm Chí Phèo cũng từng được đem ra "mổ xẻ" khi có khá nhiều đoạn miêu tả cảnh nóng.

Song, ông nhấn mạnh trong môi trường giáo dục cần thiết sự định hướng của giáo viên.

"Khi để học sinh tiếp cận những vấn đề có yếu tố tình dục trong văn học nên có sự cẩn trọng và cân nhắc, đặc biệt là giáo viên cần định hướng để học sinh phân tích, cảm nhận dưới góc nhìn của nghệ thuật.

Tất nhiên, khi lựa chọn tác phẩm này để dạy, bản thân giáo viên, nhà trường phải có sự chuẩn bị kỹ càng, không nên để bị động như câu chuyện tại trường quốc tế vừa qua", giáo viên này chia sẻ.

Có nên đưa chuyện giường chiếu vào giáo dục trong trường phổ thông?-2

ThS Lê Thị Minh Hoa trao đổi cùng học sinh (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhấn mạnh về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ, ThS Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tâm lý, cho rằng giáo dục giới tính cần chú ý tới độ tuổi và nền văn hóa. Đặc biệt, khi vấn đề quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam chưa quá cởi mở như nhiều nước phương Tây.

Bà đồng ý rằng ngày nay nhiều trẻ đã tiếp cận vấn đề quan hệ tình dục từ sớm, song, không phải trẻ nào cũng vậy vì thế không nên "buộc" trẻ phải đọc những nội dung quá chi tiết trong môi trường giáo dục.

"Vẽ đường cho hươu chạy cũng phải vẽ đúng. Cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đang miêu tả quá chi tiết mà đến nhiều người lớn đọc còn đỏ mặt. Một số chi tiết tôi cho rằng phản cảm khi đưa nó vào môi trường giáo dục", bà Hoa bày tỏ.

Qua câu chuyện này, ThS Lê Thị Minh Hoa cho rằng ngành giáo dục cần chú trọng hơn đến các chương trình giáo dục giới tính cho trẻ. Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhưng ở khía cạnh thực hiện còn hạn chế.

Nhiều bộ sách về giáo dục giới tính rất hay, phù hợp với môi trường giáo dục chưa được đưa vào nhà trường hoặc có đưa cũng muộn, vì thế vấn đề này cần được xem xét một cách nghiêm túc hơn.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/co-nen-dua-chuyen-giuong-chieu-vao-giao-duc-trong-truong-pho-thong-20240504095404535.htm?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR3gHOf_np31hn1nk0BRpFmLTzmIY8b30CptXtlbcqjVdtDHfBSIShyXyMQ_aem_AfKHw56kJ6aEbVmwmMvcn39ek64mKSfd0_YESYMOCMwPxTaES3iwSHRhtXuX7H0J6bdH8HUDzPtFddjZiV1IRrjj

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.