Đổi mới thi THPT quốc gia: 10 nguyện vọng, học trò "sốc"

“Lần thi trước mới có 2-3 nguyện vọng các em đã rối tinh. Lần này 10 nguyện vọng - 10 ngã rẽ, chỉ càng đánh đố học trò”...

“Lần thi trước mới có 2-3 nguyện vọng các em đã rối tinh. Lần này 10 nguyện vọng - 10 ngã rẽ, chỉ càng đánh đố học trò” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH CĐ Việt Nam nhận định về mùa tuyển sinh năm 2016.

Về vấn đề các nguyện vọng xét tuyển trong quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH CĐ vừa được Bộ GD ĐT ban hành, PGS Nhĩ cũng cho rằng, chắc chắn học sinh sẽ bị “tung hỏa mù” và “lạc đường” trong quá nhiều nguyện vọng: “Đợt 1, 2 trường 4 nguyện vọng, đợt 2, 3 trường 6 nguyện vọng. Cả thảy có 10 nguyện vọng. Đứng trước ngã 3 đường đã khó chọn rồi giờ đứng trước ngã… 10 thì phải biết làm thế nào. Các em sẽ phải “tặc lưỡi” chọn bừa…đi đường nào cũng được”.

Theo PGS Nhĩ, việc phân luồng phải làm ngay từ cấp 2, cấp 3. Các em phải xác định được mình thích làm gì: bác sĩ, bộ đội hay giáo viên… lên lớp 12 là chỉ còn 1 – 2 đường gần nhau để chọn chứ không phải 10 đường. Như vậy sẽ càng lộn xộn.

doi moi thi thpt quoc gia: 10 nguyen vong, hoc tro "soc" hinh anh 1

PGS Nhĩ giải thích, việc lộn xộn có nguyên nhân căn bản từ việc Bộ GD ĐT vẫn quá mơ hồ về mục đích 2 kỳ thi. Vì việc công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH không giống nhau.

Một bên là để đánh giá trình độ phổ thông, một bên là để các trường tuyển trình độ đầu vào: “Kỳ thi THPT có tính chất quốc gia, Bộ GD ĐT phải đứng ra là đúng nhưng xét tuyển ĐH CĐ là của các trường, Bộ GD ĐT không nên can thiệp” – ông Nhĩ nói.

Theo ông Nhĩ, các Sở đã chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo học sinh suốt 12 năm thì giờ họ phải có tránh nhiệm và nghĩa vụ phải đánh giá chất lượng học sinh. Nếu nằm trong trách nhiệm và nghĩa vụ tức là họ phải bỏ kinh phí ra để làm (kinh phí đã được rót xuống) từ đó sẽ không có lãng phí. Đằng này, Bộ GD ĐT lại bày ra việc trên một địa bàn có nhiều cụm thi dành cho các đối tượng học sinh (cụm thí sinh chỉ cần tốt nghiệp và cụm cần xét tuyển vào ĐH).

“Từ đó sẽ phát sinh không chỉ 63 cụm như năm trước mà sẽ lên tới hơn 100 cụm thi, sẽ có những cụm thi chỉ 1 – 2 học sinh, như thế là lãng phí. Sẽ phải điều động giảng viên từ các trường xuống địa phương để coi thi, như thế càng lãng phí và lộn xộn” – ông Nhĩ nhấn mạnh.

doi moi thi thpt quoc gia: 10 nguyen vong, hoc tro "soc" hinh anh 2

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH CĐ Việt Nam

Ở khía cạnh khác, PGS Nhĩ cho rằng, việc quy định 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn cũng là nguyên nhân gây ra lộn xộn. Theo ông Nhĩ, đánh giá học sinh phổ thông phải đánh giá toàn diện, việc chọn 4 môn thi sẽ khiến các em học lệch ngay từ lớp 10. Việc học lệch sẽ dẫn đến chất lượng nhân lực cũng lệch lạc.

“Sẽ có những em giỏi tính toán nhưng chẳng biết gì về lịch sử. Đã có những “tai nạn” ngay trên sóng truyền hình khi nói rằng Quang Trung, Nguyễn Huệ là… anh em đó thôi” – ông Nhĩ phân tích.

Ông Nhĩ cho biết, tất cả những điều “đau đáu” trên, Hiệp hội các trường ĐH CĐ Việt Nam đã nhìn thấy từ nhiều năm nay và rất nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên Bộ GD ĐT, nhưng: Tất cả nhận lại vẫn chỉ là một sự… im lặng. Không có bất kỳ hồi đáp nào?

Mới đây, Hiệp hội các trường ĐH CĐ Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH CĐ trong đó nhấn mạnh các bất cập về việc: thi 4 môn sẽ làm học sinh học lệch; giao kỳ thi tốt nghiệp về cho Sở GD ĐT; bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào…


Theo Dân Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.