Giáo dục mầm non nhiều nơi bị “thả nổi”?

Hiện nay, theo đánh giá của nhiều phụ huynh và chuyên gia giáo dục, chất lượng giáo dục bậc mầm non vẫn chưa cao, thậm chí nhiều nơi đang bị “thả nổi”.

Hiện nay, theo đánh giá của nhiều phụ huynh và chuyên gia giáo dục, chất lượng giáo dục bậc mầm non vẫn chưa cao, thậm chí nhiều nơi đang bị “thả nổi”. Thủ tục thành lập trường, nhóm trẻ tư khá đơn giản, chất lượng mỗi nơi một khác, còn xem nhẹ các hoạt động nuôi dạy trẻ.

Có dịch vụ “từ A đến Z”

Trên thực tế, số trường mầm non công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhận trẻ, hơn nữa có rất nhiều phụ huynh các tỉnh ngoài về thành phố làm ăn, do đó trường mầm non tư thục, nhóm trẻ tư nhân ngày càng được mọc lên “như nấm” với đa dạng từ cao cấp tới bình dân, thậm chí chỉ là “giữ trẻ”. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục mầm non nằm trong nhóm trên đang có phần bị “thả nổi” do số lượng nhiều, thủ tục có phần dễ dàng, quản lí lỏng...

Giáo dục mầm non nhiều nơi bị “thả nổi”? - 1
Ảnh minh họa: Q.Anh

Thực tế, thủ tục mở trường mầm non tư thục theo Thông tư 13/2015/TT-BGĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, Điều lệ trường mầm non (Bộ GD&ĐT ban hành năm 2014) có quy định thủ tục thành lập trường, đề án của trường phải được chuyển lên cấp thẩm quyền là Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện phê duyệt. Trong đó, đảm bảo các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, trình độ giáo viên (gọi là điều kiện thành lập trường). Để mở nhóm mầm non tư thục lại có ít các yêu cầu hơn, như nhóm cần có 7 trẻ và diện tích 15m2 trở lên là hoàn toàn được mở.

Chia sẻ về chuyện mở trường mầm non, ông Nguyễn Văn Tuấn chủ đầu tư một trường mầm non tư thục ở nội thành Hà Nội cho biết: “Về điều kiện mở trường mầm non, nhóm trẻ tư thục đều cơ bản theo các quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, mỗi quận, huyện lại có một chút khác nhau về thủ tục. Theo đó, phải trực tiếp tới Phòng GD&ĐT để hỏi và được hướng dẫn. Để được mở trường, nhóm trẻ tư thục không khó, có cả dịch vụ lo “từ A tới Z” về mặt thủ tục. Còn đối với cơ sở vật chất, có cả những thông tin tiêu cực liên quan đến việc này”.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn: “Dù thủ tục có thể làm không quá phức tạp, tuy nhiên vì mục đích làm ăn có lãi, nên cũng phải hướng tới đầu tư, cạnh tranh. Nếu trường có cơ sở tốt thì sẽ thu hút phụ huynh tới gửi trẻ. Kinh phí ban đầu để đầu tư cho trường cũng khá lớn. Tính cạnh tranh của các trường mầm non bây giờ đang ở giai đoạn quyết liệt. Để trường hoạt động, trường nhỏ thì mỗi tháng cũng chi phí hết khoảng 50 triệu đồng, nếu như mức học phí mặt bằng ở Hà Nội hiện nay là 1,2 - 1,6 triệu/trẻ, phải từ 50 trẻ trở lên mới bắt đầu gọi là có lãi”.

Không bằng cấp cũng OK?

Trước hết, từ nhu cầu của phụ huynh mà trường mầm non tư thục đang được rất nhiều những giáo viên đã từng có kinh nghiệm công tác, giảng dạy tại trường mầm non hoặc đã về hưu quan tâm. Bên cạnh đó còn có cả những người đang công tác tại các ngành nghề khác đều có thể tự đứng ra mở trường. Tuy trong số họ có nhiều người yêu mến trẻ, có tâm huyết với nghề “cô nuôi dạy trẻ” nhưng mở trường, nhóm trẻ tư cũng dần trở thành một xu thế, là công việc kinh doanh mang lại lợi nhuận béo bở.

Không chỉ riêng các giáo viên, người về hưu có “sở thích” mở trường, nhóm trẻ tư nhân, mà ngay cả người không bằng cấp cũng có thể được cấp phép hoạt động. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà đầu tư nếu đáp ứng được yêu cầu đề án là có thể được phép mở trường. Bên cạnh đó, có nhà đầu tư thậm chí làm luôn Hiệu trưởng, trong khi theo quy định, Hiệu trưởng nhà trường phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non, có khoảng 5 năm công tác liên tục trong giáo dục mầm non.

Đối với lớp, nhóm trẻ tư nhân, người quản lí chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Thực tế, đã có những trường hợp người quản lý chỉ là bán nước chè, bán hàng quán, thậm chí là người lao động “bỗng dưng” trở thành bà chủ trường, nhóm trẻ tư. Điều này cũng là bất cập trong cấp phép thành lập trường, nhóm trẻ tư nhân. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ ở một số trường, nhóm trẻ tư chưa tốt, đã xảy nhiều câu chuyện ngược đãi trẻ trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, không ít giáo viên mặc dù có kinh nghiệm giảng dạy, nhưng chưa có bằng Sư phạm Mầm non hoặc chưa có chứng chỉ Quản lý Mầm non hay những người đang công tác tại những ngành nghề khác, muốn mở trường mầm non đều “lách” bằng cách đăng ký tham gia các khóa học chuyển đổi văn bằng 2 Sư phạm Mầm non, dành cho những người có bằng từ Trung cấp nghề trở lên và lớp chứng chỉ Quản lý Mầm non để mở trường tư thục. Thậm chí, không ít nơi còn đi thuê bằng để đáp ứng thủ tục thành lập trường.

Chỉ ra bất cập này, ông Đinh Trọng Sơn - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Tuy quy mô của những nhóm trẻ tư nhân là khá nhỏ, song thực tế hoạt động của nó lại không khác gì một trường mầm non. Không có quy định người quản lý nhóm lớp phải là người có chuyên môn sâu, quản lý toàn diện các mặt hoạt động của lớp mầm non, đã dẫn đến nhiều chủ lớp kiêm luôn vai trò của người quản lý chung hoạt động nuôi, dạy tại các nhóm lớp tư thục. Nên đã ảnh hưởng tới chất lượng nuôi dạy trẻ tại các cơ sở nhỏ đó”.

Theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/ 06/ 2015 của Bộ GD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục: Nhà trường, nhà trẻ tư thục có cơ cấu tổ chức đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định tại Điều lệ trường mầm non và phù hợp với điều kiện, quy mô của trường, bao gồm: Hội đồng quản trị (nếu có); Ban kiểm soát; Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng; Tổ chuyên môn; Tổ văn phòng; Tổ chức đoàn thể; Các nhóm, lớp.


Theo Quang Anh/ Gia đình và Xã hội



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.