GS Nguyễn Lân Dũng: Lương tiến sĩ nước ngoài 3,5 triệu

"Ở Viện nghiên cứu của tôi, lương tiến sĩ từ nước ngoài về khởi điểm là 3,5 triệu đồng một tháng. Lương cử nhân còn thấp hơn nữa”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

"Ở Viện nghiên cứu của tôi, lương tiến sĩ từ nước ngoài về khởi điểm là 3,5 triệu đồng một tháng. Lương cử nhân còn thấp hơn nữa”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Vào nhà nước không phải con đường duy nhất

Trong buổi giao lưu cùng sinh viên tại Hà Nội, trong ngày hội Hướng nghiệp và việc làm tối 23/9,GS Nguyễn Lân Dũng nhắc đến chuyện mỗi năm có 170.000 cử nhân thất nghiệp bằng giọng hóm hỉnh: “Hỡi sinh viên, các bạn đừng nghĩ đến chuyện phải xin việc vào nhà nước. Ở Viện nghiên cứu của tôi, lương tiến sĩ từ nước ngoài về, trong đó có lương con gái tôi, khởi điểm là 3,5 triệu đồng một tháng. Lương cử nhân còn thấp hơn nữa”.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, nhiệm vụ quan trọng của ông là xây dựng công việc, tăng thu nhập cho nhân viên, vì chế độ lương bổng dành cho cán bộ khoa học quá thấp. Viện đã xây dựng xưởng để có thể đưa ngay kết quả nghiên cứu vào sản xuất cũng một phần muốn cải thiện mức sống cho các thành viên.

Ông nói vui: “Tôi cố gắng tăng mức lương cho anh em lên 8 triệu đồng, bằng lương người lái ô tô”.

GS Nguyễn Lân Dũng giao lưu cùng sinh viên. Ảnh: Quyên Quyên.
GS Nguyễn Lân Dũng giao lưu cùng sinh viên. Ảnh: Quyên Quyên.

Vị GS nổi tiếng nhắn nhủ tới sinh viên: Hãy nắm vững hai loại "vũ khí" để thành công, đó là ngoại ngữ và tin học.

Với những bạn trẻ có ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình, GS Nguyễn Lân Dũng nói sẵn sàng giúp đỡ. Ngay trong buổi tọa đàm, vị GS đưa ra bí quyết khởi nghiệp làm giàu với 10 triệu đồng trong tay.

“Với ao sẵn có quê nhà, bạn bỏ ra 3 triệu đồng để mua máy ấp trứng, 3 triệu tiếp theo để mua vịt trời, còn lại 4 triệu dùng thức ăn. Vịt trời có đặc tính đẻ nhiều, không bị bệnh, chủ yếu ăn ngô mầm, mang lại giá trị cao khi thịt mua tại gốc là 200.000/kg, ra thị trường 300.000-400.000/kg.

Ông dẫn trường hợp anh Tô Quang Dần (Bắc Giang) được mệnh danh tỷ phú vịt trời. Anh Dần nhận ra việc "thuần" giống này khi thấy vịt trời mắc trong lưới của mình.

GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, chẳng có lý do gì để vịt trời không thể xuất khẩu sang nước ngoài nếu nghiêm túc đầu tư cả về số lượng và chất lượng vịt.

Chân dung người làm giàu thứ hai, GS Nguyễn Lân dũng kể lại với sinh viên, là nông dân Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ). Anh đã giúp nhiều người dân thoát nghèo từ mô hình trồng bơ xen cà phê.

Xuất phát từ đứa trẻ bỏ học, trốn nhà tìm đường thoát nghèo, anh bén “duyên” với bơ khi là người làm thuê, đi thu gom quả cho thương lái. Phát hiện những cây cho ra quả ngon, giá cao, anh nghĩ đến chuyện chiết cành từ những cây bơ quý.

Được GS Nguyễn Lân Dũng chỉ nguyên tắc “tính di truyền quyết định bởi ngọn ghép”, anh Mười kiên nhẫn ghép chồi cây quý vào những cây non mọc lên từ các hạt bơ bình thường nhặt được ngoài chợ. Bước ngoặt tiếp theo là người nông dân này đã trồng bơ xen cà phê để che bóng mát.

Từ câu chuyện của anh Mười Bơ, nhiều người nghĩ cách kéo dài thời gian sử dụng loại quả này, hay xuất khẩu bơ…

Qua hai câu chuyện trên, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với sinh viên: Đừng sợ khó khăn. Ông nêu lại tấm gương của Steven Jobs và Bill Gates để khuyến khích sinh viên.

GS lập kỷ lục khi tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi

“Em bị ép học ngành theo lời bố mẹ và bây giờ chán nản không muốn tiếp tục nữa. Xin GS cho em lời khuyên”, một sinh viên nói. GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông từng làm những công việc mình không nghĩ sẽ làm tốt.

Ông kể tốt nghiệp đại học khoa Lịch sử năm 18 tuổi, sau đó được phân công dạy môn... Vi sinh vật học. Đây là thử thách lớn khiến ông hốt hoảng.

Tìm ngay đến GS Đặng Văn Ngữ - nhà khoa học danh tiếng, người đã được đào tạo chính quy về Vi sinh vật học tại Nhật, ông nhận được 3 lời khuyên: "Thứ nhất, em phải học ngoại ngữ vì không có ngoại ngữ em không thể có kiến thức. Thứ hai, dạy đại học, em phải làm nghiên cứu nếu không sẽ là những bài giảng khô khan. Thứ ba, em phải viết sách giáo khoa, không thể dạy chay ở bậc đại học được". Điều ấy trở thành “kim chỉ nam” cho GS Nguễn Lân Dũng đến hiện tại.

Qua nhiều khó khăn, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) của GS Nguyễn Lân Dũng có 40 cán bộ khoa học trẻ. Ông luôn tự hào vì ở đó có những người “giỏi hơn tôi, giỏi hơn thế hệ của chúng tôi”.

Mới đây, ông viết sách tiếng Anh trong khi tự nhận trình độ còn “thua xa nhiều sinh viên”. GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, chúng ta vẫn có thể tự học có kết quả theo phương pháp học những từ tối thiểu, những ví dụ tối thiểu. Ông xây dựng 1.400 từ tiếng Anh tối thiểu và hứa hẹn sẽ xuất bản cuốn sách tiếng Pháp tối thiểu.

Câu chuyện GS Nguyễn Lân Dũng muốn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh, không nên ép con mình theo học ngành bố mẹ yêu thích, tuy nhiên nên định hướng cho con theo đam mê từ nhỏ. Sinh viên cũng có thể chọn sai hướng, nhưng các bạn sẽ vượt qua nếu có nghị lực.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.