Hàng chục giáo viên có nguy cơ mất việc: Ngành Giáo dục có hết cách?

Sống trong nỗi lo âu, thấp thỏm là tình trạng chung của 10 giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 5, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bao lâu nay.

Sống trong nỗi lo âu, thấp thỏm là tình trạng chung của 10 giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 5, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bao lâu nay. Ngành giáo dục cũng như các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa gần như đã “hết cách” với những giáo viên này.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng Trường THPT Tĩnh Gia 5, cũng như ngành Giáo dục Thanh Hóa gần như đã bất lực trước việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến 10 giáo viên (GV) hợp đồng của đơn vị này. Và việc những GV này có nguy cơ mất việc là chuyện sớm chiều.

Hàng chục GV Trường THPT Tĩnh Gia 5 trước nguy cơ thất nghiệp.
Hàng chục GV Trường THPT Tĩnh Gia 5 trước nguy cơ thất nghiệp.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, khi hiệu trưởng cũ là ông Phạm Văn Ninh ký hợp đồng làm việc khiến những GV này ngộ nhận mình bình đẳng với GV khác khi xét tuyển. Ông Ninh đã tiếp nhận hồ sơ và ký hợp đồng làm việc đầu tiên với các cô, trong khi đó, ông Ninh không báo chỉ tiêu, nhận xét GV trên cơ sở danh sách do Sở GD-ĐT chuyển xuống cho đến khi đủ. Ông Ninh dựa vào cơ chế tự chủ, ông ký hợp đồng với một loạt GV trước khi chuyển lên làm Trưởng phòng Giáo dục huyện. Sau đó làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân và nay là Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Tĩnh Gia.

Năm 2011 có đợt xét tuyển GV thì nguyên tắc xét tuyển được đưa ra là theo bằng cấp từ cao xuống thấp. Thời điểm này nhiều sinh viên Sư phạm ra trường với tấm bằng loại giỏi. Trong khi đó, theo trình bày của những GV này thì thời điểm họ ra trường cách đó từ 5 - 10 năm về trước thì kiếm đâu ra tấm bằng thạc sĩ hay bằng giỏi và hầu hết học tại chức, nguyên tắc xét tuyển khiến họ như bị “loại ra khỏi cuộc đua”, mặc dù có những người đã cống hiến hàng chục năm cho trường và ngành Giáo dục.

Cũng phải nói rằng, những GV này đã qua hai lần xét tuyển nhưng không được, do không đủ tiêu chuẩn khi quy chế xét tuyển là lấy từ trên cao xuống, hầu hết những GV này học tại chức.

“Năm học 2013 - 2014 chính thức hết nhu cầu, tôi cũng đã rất cố gắng ký từng năm một và cho hưởng chế độ tương đương với mức lương cũ, có đóng bảo hiểm xã hội. Hết hợp đồng tôi không biết xử lý thế nào, cũng đã có tờ trình đề nghị, trong đó có 4 trường hợp là con thương binh. Sở cũng ghi nhận có đợt tuyển dụng sau bổ sung. Đứng trước vấn đề phải chấm dứt hợp đồng, anh em cũng có năng lực, có đóng góp. Những cái gì làm được thì tôi cũng đã có gắng hết sức mình. Tôi cũng rất phiền lòng và đau xót và chịu nhiều áp lực”, thầy Thơi chia sẻ.

Tuy nhu cầu nhà trường đã hết và đáng lẽ ra thời điểm chấm dứt hợp đồng đã đến, nhưng thời điểm này nhà trường vẫn chưa tiến hành “chia tay” đối với những GV này. Hầu hết những GV trên chỉ dạy bình quân 6 tiết/tuần. Nhà trường bố trí dạy tăng ca, tăng tiết, dạy thêm cho học sinh không thu tiền để duy trì đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng mức lương cơ bản.

Mới đây, Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ cùng đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có buổi làm việc với nhà trường, nghe báo cáo, sao chép hồ sơ. Bản thân thầy Thơi cũng đã có đề nghị với những đóng góp của các GV này, có đặc cách nào đó hay bảo lưu để chờ đợt xét tuyển khác, hoặc có công văn trả lời với công luận.

Cũng thời điểm năm 2010, khi UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định chuyển đổi mô hình trường bán công sang công lập, nhiều đơn vị giống như Trường THPT Tĩnh Gia 5 lại không vướng vào tình cảnh như đơn vị này. Theo thầy Thơi giải thích, quy định đối với trường bán công là chỉ có 50% GV cơ hữu do Sở lo được trả lương từ nguồn học phí, còn lại là nhà trường tự lo. Có những trường vận dụng cao hơn số 50% đó, còn ở Trường THPT Tĩnh Gia 5, hiệu trưởng cũ vận dụng đúng mức 50% nên mới dẫn đến tình cảnh này.

Nói về tương lai của những GV này, thầy Thơi cho biết trong năm học 2015 - 2016, nếu không có phương án nào khác thì buộc phải chấm dứt hợp đồng với các GV này. Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều GV nên việc này phải thận trọng.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã mời, hiệu trưởng cùng thư ký hội đồng đã đưa toàn bộ hồ sơ, hợp đồng ra sở để xem xét kỹ. Câu chuyện này cũng đã có và anh em cũng đã làm rồi, có điều để giải quyết một cách dứt điểm thì theo công văn của UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ chủ trì việc này. Với góc độ tham mưu thì chúng tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ”.

Ông Thành phân trần, khi không còn nhu cầu và hết thời gian thì việc dừng đối với những GV này không hợp đồng nữa thì mọi chuyện hết sức bình thường. Nhưng trong số đấy vẫn còn một nhu cầu ở bộ môn Sử, mà theo quy định biên chế phải có 3 người, nhưng hiện tại trường mới chỉ có một, mà lại đúng con gái của thầy hiệu trưởng, nên giữa cái riêng và cái chung có một điểm trùng như thế. Mình cũng rất thương những GV này, dạy hợp đồng từ những năm 2003, có những người cũng hơn chục năm rồi, từ thời kỳ khó khăn bây giờ bỏ người ta ra, bản thân các thầy cô được đào tạo tại chức cả. Nhưng tại thời điểm tuyển dụng, do quy định của tỉnh như vậy.

“Đến thời điểm này, xét thấy nhu cầu không cần nữa, trong hợp đồng cũng ghi rất rõ rồi. Có điều khi chấm dứt thì giải quyết, thanh lý hợp đồng bằng đền bù hay hỗ trợ cho phù hợp theo quy định. Chúng tôi sẽ báo cáo ban giám đốc, ở góc độ ngành giáo dục không thể đặt ra quy định tuyển dụng đặc cách cho trường hợp nào cả, chúng tôi có văn bản báo cáo UBND tỉnh khi nào có chủ trương tuyển dụng thì ưu tiên, mà ưu tiên chỉ là cộng điểm ưu tiên thôi”, ông Thành cho biết thêm.

Duy Tuyên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.