Hàng trăm sinh viên sập bẫy "liên minh" đa cấp

Chỉ cần dùng thẻ sinh viên là vay được tiền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, nhiều sinh viên đã sập bẫy...

Chỉ cần dùng thẻ sinh viên là vay được tiền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, nhiều sinh viên đã sập bẫy...

Chỉ cần dùng thẻ sinh viên là vay được tiền tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, nhiều sinh viên đã sập bẫy Công ty CP Liên minh đa cấp tiêu dùng Việt Nam. Ngay sau khi có thông tin công ty này có dấu hiệu lừa đảo, hàng trăm sinh viên cùng người nhà lũ lượt kéo tới công ty mong đòi lại tiền gây náo loạn.

Trừ tiền vẫn còn may!

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong hai ngày 9-10/11, hàng trăm phụ huynh kèm sinh viên túc trực trước cửa Công ty CP Liên minh đa cấp tiêu dùng Việt Nam (chi nhánh phố Duy Tân, Q. Cầu Giấy) mong trả lại hàng, đòi lại tiền.

Hàng trăm sinh viên sập bẫy "liên minh" đa cấp - 1

Các sinh viên túc trực ngoài cửa trụ sở công ty đa cấp trên phố Duy Tân mong trả lại hàng, lấy lại tiền

Được biết, trụ sở chính của công ty đóng tại phố Đặng Thùy Trâm (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội), song hiện đang đóng cửa và chuyển giao dịch sang chi nhánh tại phố Duy Tân. Để làm rõ sự tình, PV Báo Giao thông định vào gặp lãnh đạo công ty song đã bị nhân viên bảo vệ ngăn lại, thậm chí không cho phép dùng máy ảnh.

Mệt mỏi, ngán ngẩm vì phải đợi quá lâu, cô T.H (43 tuổi, Đông Anh), phụ huynh của một sinh viên tham gia mua sản phẩm, cho biết: “Mấy lần đến đòi rồi mà chưa được, người ta cứ khất lần, giờ chỉ biết ngồi đợi ở đây đến lượt mình vào giải quyết thôi”.

Số ít phụ huynh và sinh viên, thành viên mới tham gia may mắn hơn đã được chấp nhận trả lại hàng với điều kiện bị chiết khấu từ 10-15%.

Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy bị xử phạt

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở bán hàng đa cấp thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy vì hoạt động kinh doanh sai quy định. Theo đó, mỗi cơ sở bị phạt 140 triệu đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng. Bản thân Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cũng bị xử phạt 180 triệu đồng.

Nhận lại 10 triệu đồng, sau khi đã bị khấu trừ 10%, cô L. (ở Nam Định), phấn khởi ra mặt: “Nó vay tiền để tham gia mua sản phẩm. Bố nó biết chuyện cứ đòi đánh rồi không cho nó đi học nữa. Giờ đòi được tiền, con tôi lại được đi học rồi!”.

T.M (Đông Anh - Hà Nội), đang là sinh viên năm thứ hai của một trường ĐH, bỏ học để gia nhập mạng lưới đa cấp của Công ty CP Liên minh đa cấp tiêu dùng Việt Nam (chi nhánh Hoàng Quốc Việt). Hơn một năm tham gia, hiện T.M là trưởng nhóm, quản lý 30 nhân viên cấp dưới. Gặp PV trong tình cảnh gần như tuyệt vọng, M. cho biết: Mới đầu công ty yêu cầu dùng thử các sản phẩm bao gồm: Sâm và thực phẩm chức năng dành cho nam giới để biết mà quảng bá công dụng các loại thuốc cho người mua. Giá của các sản phẩm được tính theo mã, có khoảng 9 mã sản phẩm giá dao động trên dưới 11 triệu đồng. Số tiền bỏ ra để mua sản phẩm rất lớn nên M. phải đi vay tại các cửa hàng cầm đồ. Mỗi lần vay đều mấy chục triệu đồng. Số hàng mua về, T.M bán lại cho người thân hoặc nhượng lại cho các nhân viên cấp dưới để hưởng ít chênh lệch.

“Gần đây nhất, giữa tháng 10 vì quá ham nên tôi đã bỏ tất cả số tiền dành dụm, vay mượn thêm hơn 50 triệu đồng để mua gói sản phẩm trị giá 99 triệu đồng”. Sau hai ngày ăn chực nằm chờ, tìm đủ cách tạo sức ép, cuối cùng M. cũng đã trả lại được sản phẩm. Tuy nhiên, số tiền mà T.M nhận lại chỉ còn 85 triệu đồng, do bị khấu trừ 15% tiền phạt phá hợp đồng. “Tôi còn may hơn nhiều người khác khi bị trừ ít. Có người ôm hàng lâu còn bị trừ tới 50% nếu bây giờ trả lại”, T.M nói.

Không bán được sản phẩm, mất trắng tiền

PV đã ghi nhận nhiều ý kiến của sinh viên, những nạn nhân chính của mạng lưới đa cấp Công ty CP Liên minh đa cấp tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, các em đều được bạn bè giới thiệu và trực tiếp dẫn tới những chi nhánh của công ty để nghe nhân viên tư vấn. Mỗi người bắt đầu tham gia công ty phải mua một gói sản phẩm (khoảng 10 triệu đồng) gồm các loại thực phẩm chức năng. Nếu không có tiền nộp, các em sẽ được nhân viên của công ty chỉ cách mang thẻ sinh viên tới một doanh nghiệp trên đường Trần Quốc Hoàn và được vay tối đa 12 triệu đồng với mức lãi suất lên tới 4 nghìn/1 triệu đồng/ngày.

Vay được tiền, sinh viên mang về nộp cho công ty để mua mã và nhận các sản phẩm thực phẩm chức năng để bán. Nếu bán được hàng, các em sẽ được ghi nhận doanh thu và trả hoa hồng. Chưa hết, sau khi tham gia, sinh viên sẽ được hưởng thêm tiền hoa hồng nếu lôi kéo được thêm người. Số tiền này nhiều hay ít, tùy thuộc vào trình “lôi kéo”. Ví như thêm một người thì được nhận 50 nghìn đồng, nhưng nếu thêm hai người sẽ được những 300 nghìn đồng…

“Ngày mới tham gia, em được hứa hẹn rằng, trong thời gian ngắn, sẽ được hưởng gấp 2-3 lần số vốn mình bỏ ra (10 triệu đồng) khi lôi kéo được thêm người tham gia dùng sản phẩm. Muốn được thăng cấp nhanh thì lượng hàng phải mua ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hình ảnh nạn nhân đến đòi tiền tại công ty được chia sẻ trên internet, các sản phẩm này không thể tiêu thụ được nữa. Trót ôm một đống hàng, lãi vay theo ngày… Không muốn mất trắng một số tiền lớn như vậy, em muốn trả lại hàng”, một nữ sinh viên kể.

Được biết, cuối tháng 10 vừa qua, chiêu kinh doanh đa cấp hướng tới đối tượng chính là sinh viên của Công ty CP Liên minh đa cấp tiêu dùng Việt Nam, đã được cảnh báo trên nhiều phương tiện đại chúng. Theo đó, hàng nghìn sinh viên vì nhẹ dạ cả tin, ham làm giàu đã tham gia hệ thống bán hàng này. Hầu hết họ đều giấu gia đình, chấp nhận vay lãi nóng để có tiền mua gói sản phẩm của công ty.

Theo Báo giao thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.