Theo đề xuất này, học phí ĐH sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới với mức tăng 10% mỗi năm ở tất cả các nhóm ngành nghề, tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015.
Mức tăng học phí đề xuất này, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015 - 2016 sẽ dao động từ 605.000 - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Như vậy, mỗi năm học (10 tháng), sinh viên sẽ đóng khoảng trên 6 - 8,8 triệu đồng/năm. Riêng nhóm ngành y dược, sau 2 năm nữa sinh viên theo học trình độ ĐH sẽ đóng học phí trên 10 triệu đồng/năm. Đến năm học 2020 - 2021, học phí ĐH công lập có thể tăng tới mức trên 9,7 đến trên 14 triệu đồng/năm học.
Với các trường tự chủ tài chính, đây là điểm mới của đề xuất lần này, là có thêm mức trần học phí của trường ĐH được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động bằng việc tự chủ tài chính nhằm bù đắp chi phí đào tạo, có thể thu ở mức 17,5 - 45 triệu đồng/năm.
Năm học 2015-2016 đã bắt đầu nhưng các trường vẫn đang giữ nguyên mức học phí của năm học 2014-2015. ĐH Bách khoa HN thu 130.000/tín chỉ. Sinh viên nào học nhiều tín chỉ thì đóng nhiều học phí để 4 năm có thể ra trường và mức này không vượt trần 6,5 triệu/năm theo Nghị định 49 cho phép. Chương trình đào tạo tiên tiến, theo ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa đã tăng 2,3 lần học phí năm trước và có chương trình liên kết quốc tế thu 30 triệu/năm. Tuy nhiên, ông Phong Điền nói, mặc dù năm học mới đã bắt đầu nhưng trường không dám tăng học phí mà phải chờ quyết định mới vì nghị định 49 đã hết hạn.
Sinh viên nghèo sẽ được hỗ trợ
Đây là lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT. Bà Kim Phụng cho biết, vì không đảm bảo chi phí đào tạo, không đủ để đảm bảo chất lượng, nên các trường toàn thu học phí kịch trần mức cho phép. Tháng 5/2015 Bộ đã trình Chính phủ lần đầu và đang chờ ký.
Nhà nước có chính sách học phí cho các đối tượng chính sách, sinh viên nghèo. Ngoài ra có chính sách vay tín dụng cho tất cả các sinh viên với lãi suất thấp. Nếu học phí nâng lên thì mức vay tín dụng cũng được nâng lên.