Tân sinh viên 'hoa mắt' với các khoản phụ phí khi nhập học

Cùng với niềm vui đỗ đại học, nhiều sinh viên đã “choáng” trước hàng loạt các khoản phí khi làm thủ tục nhập học tại trường.

Cùng với niềm vui đỗ đại học, nhiều sinh viên đã “choáng” trước hàng loạt các khoản phí khi làm thủ tục nhập học tại trường.

Đủ các loại phụ phí

Ngoài học phí, các tân sinh viên còn hoa mắt với đủ các loại phí của mỗi trường.

Tại ĐH Công nghệ Sài Gòn, ngoài mức học phí của kỳ I (6,9-8,9 triệu đồng/kỳ bậc CĐ và 8 đến hơn 10 triệu đồng/kỳ bậc ĐH), mỗi tân sinh viên phải nộp thêm gần 700.000 đồng khi nhập học, bao gồm lệ phí khám sức khỏe, tiền bảo hiểm y tế, lệ phí hồ sơ nhập học.

Tân sinh viên 'hoa mắt' với các khoản phụ phí khi nhập học

Học phí học kỳ I của ĐH Giao thông vận tải TP HCM chỉ 3 triệu-4,2 triệu đồng nhưng sinh viên khi làm hồ sơ nhập học phải nộp thêm tiền bảo hiểm y tế (bắt buộc), bảo hiểm tai nạn (tự nguyện), sổ tay sinh viên 25.000 đồng, chi phí học tập “Tuần sinh hoạt công dân - học sinh sinh viên” đầu khóa 125.000 đồng, chưa kể tiền mua áo đồng phục, Đoàn phí, hội phí Hội sinh viên, phí Thư viện số…

Theo thông báo của ĐH Văn hóa TP HCM, ngoài học phí và bảo hiểm y tế, các tân sinh viên phải đóng thêm 40.000 đồng tiền khám sức khỏe tại trường, 80.000 đồng phí sử dụng thư viện, 100.000 đồng phí thế chân sử dụng thư viện toàn khóa học, 50.000 đồng phí tổ chức nhập học…

Tân sinh viên ĐH Sư phạm TP HCM phải đóng 680.000 đồng bao gồm bảo hiểm y tế 544.000 đồng, khám sức khỏe 30.000 đồng, học phương pháp sử dụng thư viện và thẻ thư viện 60.000 đồng, thủ tục nhập học 46.000 đồng.

ĐH Ngân hàng TP HCM yêu cầu tân sinh viên phải nộp thêm các khoản phí: Khám sức khỏe: 50.000 đồng, thẻ sinh viên: 50.000 đồng, phí thư viện toàn khóa: 400.000 đồng; học phí giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất: 2.310.000 đồng; phí xét bảo lưu và chuyển điểm (đối với sinh viên liên thông): 2.700.000 đồng; lệ phí nhập học: 150.000 đồng; lệ phí kiểm tra tiếng Anh, tin học: 300.000 đồng; đồng phục thể dục 2 bộ: 300.000 đồng; đồng phục sinh viên 2 bộ: nam 594.000 đồng, nữ 640.000 đồng.

Sinh viên nhập học ĐH Cần Thơ phải nộp thêm phí khám sức khỏe đầu vào: 187.000 đồng; phí lập thẻ sinh viên 50.000 đồng; phí sử dụng tại Trung tâm Học liệu: 30.000 đồng; chi phí kiểm tra năng lực tiếng Anh để xếp lớp: 50.000 đồng…

Tân sinh viên ĐH FPT khi nhập học bị nhà trường tạm thu 12,1 triệu đồng các khoản phí nhập học, học phí 1 mức học tiếng Anh dự bị…

ĐH Quốc tế Sài Gòn thu phí dịch vụ y tế 436.700 đồng/học kỳ; Phí phát triển dành cho sinh viên học chương trình Cao đẳng, Đại học là 109.175 đồng/học kỳ

Mỗi nơi thu một kiểu

Khoản bảo hiểm y tế bắt buộc đối với học sinh, sinh viên phải đóng trong năm học 2015-2016 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định là 543.375 đồng, nhưng mỗi trường ĐH lại thu mức khác nhau: ĐH Sư phạm TP HCM thu 544.000 đồng; ĐH Cần Thơ thu đến 580.000 đồng/sinh viên…

Ngay cả mức thu bảo hiểm tai nạn (tự nguyện) của mỗi trường cũng một khác. Có trường thu 30.000 đồng, có trường thu 40.000 đồng, thậm chí lên đến 70.000 đồng như ĐH Cần Thơ… Cũng tương tự như vậy, lệ phí khám sức khỏe của mỗi trường cũng không giống nhau, dao động từ 30.000 đồng đến gần 200.000 đồng.

Em Nguyễn Thị Hà (Long An) nhập học tại ĐH Ngân hàng TP HCM lo lắng: “Em không nghĩ là đầu năm lại phải đóng nhiều tiền thế này. Gia đình em chỉ làm ruộng, lo được học phí cho em đã là cố gắng lắm rồi, em chưa biết vay mượn ở đâu để đủ đóng các khoản phí nhập học”

Một chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho biết, đầu năm học, sinh viên phải gánh nhiều khoản phí chứ không riêng học phí, việc các trường tự “sáng tạo” ra nhiều khoản lệ phí đã làm tăng gánh nặng cho người học.

Theo Infonet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.