Học sinh 'lớp 13’ lo trượt tiếp đại học

Nhiều học sinh trượt đại học năm ngoái đang đứng ngồi chẳng yên không chỉ vì tâm lý lo sợ từng hỏng thi, mà còn bởi những thay đổi lớn trong đợt tuyển sinh “hai trong một” sắp tới.

Nhiều học sinh trượt đại học năm ngoái đang đứng ngồi chẳng yên không chỉ vì tâm lý lo sợ từng hỏng thi, mà còn bởi những thay đổi lớn trong đợt tuyển sinh “hai trong một” sắp tới.

Học sinh 'lớp 13’ lo trượt tiếp đại học
Nhiều bạn trẻ không khỏi lo lắng khi kỳ thi THPT quốc gia đến gần. Ảnh: Thanh Dương. Nhiều lo lắng

Nguyễn Ngọc Bích (quê Tuyên Quang) chia sẻ, năm nay, Bộ GD&ĐT áp dụng một kỳ thi quốc gia kết hợp xét tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng. Nhiều thay đổi kéo theo như cụm thi, đề thi (môn Ngoại ngữ có thêm phần tự luận), cách xét tuyển đa dạng, nguyện vọng nhiều hơn…, khiến “học sinh lớp 13” lo lắng.

“So với năm ngoái, chúng em phải tìm hiểu quá nhiều điểm mới trong kỳ thi tới. Các bạn học sinh ở trường được thầy, cô tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, còn chúng em đã tốt nghiệp, chỉ tự tìm hiểu thông tin qua báo mạng”, Ngọc Bích lo lắng nói.

Cũng theo Bích, với những thay đổi lớn của kỳ thi năm nay, học sinh trượt đại học năm ngoái phải có sự chuẩn bị tương đối khác, như về đăng ký môn thi, cụm thi, các nguyện vọng (16 nguyện vọng so với 4 nguyện vọng của năm 2014)…

“Trong đó, chúng em lo nhất vẫn là đề thi sẽ thay đổi như thế nào. Em đăng ký thi môn Tiếng Anh, năm nay lại có thêm phần tự luận nên lúng túng”, nữ sinh này chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo này, Lục Thị Ngà (Quảng Uyên, Cao Bằng) cho biết, “em thi lại vào Học viện Y dược học Cổ truyền và đang chưa hiểu về cụm thi, dù đã xem nhiều thông tin trên báo chí. Em là thí sinh tự do ở Cao Bằng, không biết có thể đăng ký thi ở Hà Nội không?”.

Ngoài ra, sau một năm ở nhà tự học, kiến thức của chúng em ít nhiều rơi rụng, không còn được tập trung như khi thầy, cô trực tiếp hướng dẫn. Đối với kỳ thi nhiều đổi mới như năm nay, đây cũng là một trong những nỗi lo lớn, Ngà nói.

Nhiều bạn trẻ đang học tạm ở trường cao đẳng, đại học, năm nay muốn thi lại cũng băn khoăn về việc rút học bạ để làm hồ sơ. Họ cho biết, học bạ gốc đã nộp cho trường, không thể lấy ra để nộp theo hướng dẫn của một kỳ thi quốc gia sắp tới.

Đề cập vấn đề khác, Dương Đình Hậu (Ba Vì, Hà Nội) tâm sự, gần kỳ thi, áp lực đang ngày càng lớn. Nữ sinh đăng ký vào Đại học Kiến trúc Hà Nội này bảo, “bố mẹ đặt nhiều niềm tin và vất vả nuôi ăn học, nên em chỉ lo không thực hiện được giấc mơ giảng đường, phụ lòng người thân”.

Hậu tâm sự, cứ nghĩ đễn kết quả điểm của kỳ thi năm ngoái, em lại buồn và rất lo. “Ý nghĩ trượt đại học lần nữa thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong đầu làm em toát mồ hôi vì sợ”.

Vượt qua thử thách

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), những học sinh từng thi trượt đại học bị ảnh hưởng tâm lý, áp lực là dễ hiểu. Thậm chí với nhiều bạn trẻ, dưới sự ép kỳ vọng quá lớn của gia đình, người thân, sự thất bại để lại “vết thương tâm lý”, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống. Nếu không biết cách tự cứu mình, các em khó đạt được thành tích tốt trong kỳ thi quan trọng sắp tới.

Có nhiều cách giải tỏa tâm lý khác nhau, chẳng hạn học quá căng thẳng trong một thời gian dài, học sinh nên nghỉ ngơi, đi du lịch, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè… Các em không nên quá lo lắng, bởi theo nhận định của tôi, với cách thức thi năm nay, cơ hội đỗ đại học cao hơn năm trước. Việc cần làm bây giờ là tập trung ôn thi nước rút, thư giãn đầu óc, giữ gìn sức khỏe, tiến sĩ Hương nói.

“Để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, cũng như làm quen đề thi, học sinh tự do có thể lên mạng làm trực tuyến bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, hoặc tham khảo để thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng các năm trước”, cô Lê Thị Chi, Chủ nhiệm môn Toán của trang web học trực tuyến Mclass chia sẻ.

Theo giáo viên này, với sự hỗ trợ của công nghệ, ngoài việc nắm chắc những vấn đề trong sách giáo khoa, học sinh tự do nên tiếp cận, làm nhiều dạng bài với những cách giải khác nhau. “Việc làm này không chỉ giúp nhớ công thức, phương pháp giải, mà còn giúp tạo phản xạ tốt cho các em”, cô Chi khuyên.

Theo tư vấn của phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, trong quá trình ôn thi, học sinh chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp, nên ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, sữa.

Nên giữ chế độ ăn đủ ba bữa một ngày, không nên “ngủ ngày cày đêm”, bỏ bữa sáng. Không nên uống nhiều nước chè, cà phê để thức khuya ôn bài. Nếu không duy trì tốt chế độ dinh dưỡng, các em dễ bị suy nhược cơ thể, không có thể trạng tốt nhất để làm bài.

Chế độ ngủ trong quá trình ôn thi cũng rất quan trọng. Không nên học quá khuya. Học bài căng thẳng, các em nên đứng lên vận động, đi lại, nghe nhạc, xem ti vi thư giãn.

Nếu quá mệt mỏi trước đợt thi, nên nghỉ ngơi khoảng 1 - 2 ngày, không nên tự gây căng thẳng cho bản thân.

Hàng ngày, các em cũng nên tập thể thao như chơi bóng đá, bóng bàn, cầu lông…




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.