“Đề thi học kỳ II của khối lớp 3, nhà trường lại cho đề nằm ngoài chương trình giảng dạy, nâng cao giống như lớp 4. Hiệu trưởng nhà trường tự ý quyết định và ra khung điểm chấm theo ý kiến cá nhân mà không giải quyết theo ý kiến tập thể” - hàng trăm phụ huynh học sinh (HS) khối lớp 3 trường tiểu học Ngô Quyền khiếu nại.
Trường tiểu học Ngô Quyền - TP Cần Thơ. |
Tụt hạng vì câu khó
Theo phản ánh, hiệu trưởng nhà trường, bà Đinh Thị Thảo đã tự ý ra khung điểm chấm bài theo ý kiến cá nhân mà không chấm theo ý kiến biểu quyết thống nhất của giáo viên toàn khối.
Cụ thể, đề thi học kỳ II gồm 9 câu, đa số các câu đều nằm trong nội dung chương trình do hiệu phó chuyên môn và tập thể giáo viên của khối thống nhất. Thế nhưng, khi xét duyệt, thay vì giữ nguyên tất cả các câu hỏi, bà Đinh Thị Thảo quyết định thay đổi hoàn toàn câu số 7 với nội dung câu hỏi là một bài toán có liên quan đến phép tìm số bị chia, số chia, nội dung: “Một phép chia có số chia là 5, thương là 10102 và số dư là số lớn nhất. Tìm số bị chia?”.
Đề thi khiến khá nhiều HS lúng túng và vướng mắc ở chỗ “số dư là số lớn nhất” dẫn đến việc nhiều em không biết cách làm bài, hệ quả là thành tích cuối kỳ bị tụt hạng. Bức xúc, nhiều phụ huynh đến văn phòng hiệu trưởng để kiến nghị đòi sửa điểm. Theo kiến nghị của phụ huynh, tập thể giáo viên của khối lớp 3 đã đồng lòng biểu quyết và ký vào biên bản kiểm định đề môn toán khối 3 ngày 17/5, với nội dung là đề nghị cộng thêm 1 điểm cho riêng câu số 7 (dù HS có giải đúng hoặc sai thì vẫn được hưởng trọn điểm).
Trước khiếu nại của phụ huynh HS và biểu quyết của giáo viên, bà Đinh Thị Thảo quyết định chỉ cộng 0,25 điểm vào bài thi nếu HS làm đúng được một phần bài làm và hưởng trọn điểm nếu đúng toàn bộ câu số 7.
“Đề thi hoàn toàn hợp lý”
Bà Đinh Thị Thảo cho biết: “Đề thi kiểm tra học kỳ II của khối lớp 3 (và tất cả các khối khác) năm học 2013-2014 hoàn toàn nằm trong chương trình dạy học trong sách giáo khoa. Nhà trường ra đề dựa vào công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn ra đề toán lớp 3 với mức độ thông hiểu là 80% và vận dụng là 20%. Chính vì thế, nội dung đề đã ra ở câu số 7 là hoàn toàn hợp lý, câu hỏi chỉ nằm ở mức độ cho phép vận dụng.
“HS tương đối giỏi đã có thể làm được, nếu các em không làm được câu 7 thì cũng có thể đạt điểm giỏi (9 điểm) vì câu này chỉ có 1 điểm. Hơn nữa, sau khi thống kê, nhà trường nhận thấy ở khối 3 có đến 203/279 em đạt điểm toán từ 9-10. Nếu như ở câu số 7, HS ghi đúng lời giải và thực hiện được một phần bài làm thì việc cho HS được hưởng 0,25 điểm là đúng đắn” - bà Thảo khẳng định.
Ông Dương Lâm Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều, là người có 20 năm làm chuyên viên môn toán, nhận xét việc ra đề như trên là hợp lý và cần thiết. Theo ông Tuấn, câu 7 trong đề thi hoàn toàn nằm trong kiến thức của sách giáo khoa.
“Hiện tại, phụ huynh HS thường hay thích những giá trị ảo từ thành tích của con em. Tôi nghĩ việc đánh giá đúng năng lực của trẻ sẽ góp phần vào việc đào tạo cũng như rèn luyện cho trẻ, tránh trẻ có thái độ ỷ y vào thành tích học tập và đồng thời đây cũng là một bước đệm rất quan trọng để sàng lọc ra những em giỏi thật sự để đào tạo nguồn lực HS giỏi của trường, của thành phố” - ông Tuấn nói.