Học trước khi vào lớp 1: Thui chột hứng thú, sáng tạo

Trong khi phụ huynh tìm mọi cách cho trẻ học trước khi vào lớp 1 thì các chuyên gia giáo dục cho rằng học trước làm thui chột khả năng sáng tạo của trẻ.

Trong khi phụ huynh tìm mọi cách cho trẻ học trước khi vào lớp 1 thì các chuyên gia giáo dục cho rằng học trước làm thui chột khả năng sáng tạo của trẻ.

Cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang, tổ trưởng tổ tiếng Anh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), cho biết dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, phụ huynh vẫn tuyệt đối không nên dạy trước cho trẻ. Đối với môn tiếng Anh càng không cần sự chuẩn bị gì. Điều quan trọng nhất mà phụ huynh cần chuẩn bị là dành thời gian cho con, rèn luyện cho trẻ những kỹ năng cần thiết như sự tự tin, năng động, hăng say phát biểu trong lớp.

Phản khoa học

Cô Trang cho biết rèn luyện cho trẻ ngồi im trong một khoảng thời gian tưởng là chuyện dễ nhưng đó là kỹ năng rất cần thiết mà phụ huynh nên tập cho con. Bởi lẽ, khi trẻ từ mầm non lên tiểu học vẫn còn bỡ ngỡ, trẻ sẽ rất hiếu động, chạy nhảy, khó tập trung ngồi im. “Thế nên phụ huynh cần cho bé luyện tập thói quen tập trung bằng các trò chơi như xỏ dây vào hạt. Khi trẻ tập trung ngồi lắng nghe, dù trong một khoảng thời gian ngắn thôi thì giáo viên khi giảng bài cũng sẽ dễ dàng và trẻ tiếp thu nhanh hơn” - cô Trang nói.

hoc truoc khi vao lop 1: thui chot hung thu, sang tao - 1
Không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú - TP HCM, phụ trách giáo dục tiểu học, cho rằng tâm lý phụ huynh hiện nay thường chạy theo đám đông, tức là thấy con người khác đi học trước thì cũng cho con mình đi theo, đó là phụ huynh đang so sánh giữa trẻ với trẻ, chứ không phải trẻ với chuẩn. Trong khi chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi đã có sự chuẩn bị hợp lý, cần thiết, là nền tảng cho trẻ trước khi vào lớp 1. Mặt khác, hiện nay ở tiểu học, việc kiểm tra, đánh giá thực hiện theo Thông tư 30, chuyển từ điểm số sang nhận xét, động viên nên phụ huynh an tâm và đừng tạo tâm lý căng thẳng cho trẻ.

ThS Lê Ngọc Tường Khanh, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cũng cho rằng kết cấu chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay dành cho từng lứa tuổi là hợp lý. Ở chương trình 5 tuổi, có nhiều hoạt động để trẻ làm quen với chữ. Chẳng hạn như cô đọc sách cho trẻ nghe, trong sách có chữ hay là giáo viên hướng dẫn trẻ cách đọc chữ như thế nào, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, sự hứng thú của trẻ khi đi học là vô cùng quan trọng. Trẻ được học trước sẽ có tâm lý ỷ y không chịu học, mất hứng thú với bài giảng. Khi dạy tới những bài chưa biết thì chủ quan, lơ là. Chính vì thế, việc học thêm trước khi vào lớp 1 rất phản khoa học; về lâu dài không hề tốt cho trẻ, làm thui chột hứng thú của trẻ khi đến trường. Trong thời gian hè, trẻ mầm non nên tập làm quen các kỹ năng như ngồi bàn, ngồi nhóm... để chuẩn bị vào lớp 1.

Chọn chương trình tiếng Anh phù hợp

Theo cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang, riêng đối với môn tiếng Anh, phần kiến thức cũng không cần cho trẻ học trước, do khả năng của từng em khác nhau nên phụ huynh cần hiểu rõ con mình và nghe tư vấn của hội đồng tuyển sinh để lựa chọn chương trình cho phù hợp. “Hiện nay, ở tiểu học có 3 loại hình tiếng Anh là tiếng Anh đề án, tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh tích hợp. Trong thực tế, có nhiều trẻ do khả năng tiếp thu hạn chế nhưng vào các lớp tiếng Anh tăng cường thì hơi quá sức; thao tác, kỹ năng chậm hơn các trẻ khác nên phụ huynh lại sinh tâm lý căng thẳng, chê chương trình quá tải và bắt con đi học thêm. Trong khi lúc này, trẻ chỉ cần được rèn luyện nền nếp, hăng say phát biểu dù sai hay đúng cũng là tạo thói quen năng động, tự tin - những tố chất quan trọng để học tiếng Anh” - cô Trang nói.

Ông Trần Trọng Khiêm cho biết thêm là trong thực tế, giáo viên rõ ràng cũng thích dạy những trẻ đã biết hơn là những trẻ chưa biết gì nhưng với điều kiện là đồng đều. Việc dạy trước cho trẻ luôn có tính 2 mặt vì nếu trẻ được học theo xu hướng rèn luyện sẽ rất có lợi. Khi vào lớp 1 sẽ được học kỹ thêm vì giáo dục tiểu học là giáo dục theo phương pháp đồng tâm, ví dụ cùng học một âm nhưng sẽ có nhiều bài để trẻ rèn luyện. Nhưng mặt khác, học trước cũng tạo cho trẻ tâm lý thờ ơ. Lúc này lại phụ thuộc phần lớn vào giáo viên, giáo viên dạy lớp 1 thường rất cực vì vừa phải lo đối phó với tâm lý phụ huynh vừa phải phân loại trình độ các em trong một lớp để dạy theo hướng cá thể hóa.

ThS Lê Ngọc Tường Khanh lại cho rằng vì tâm lý phụ huynh hay theo đám đông nên giải pháp quan trọng nhất là sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình. Khi phụ huynh đưa con đến thì nhà trường phải nói với phụ huynh không cần cho trẻ học trước, không có sự phân biệt giữa trẻ đã biết và chưa biết, tạo môi trường thân thiện cho phụ huynh an tâm.

Bàn giao chương trình hai cấp

Ông Trần Trọng Khiêm cho biết tại quận Tân Phú, ngoài tổ chức các chương trình “Trường tiểu học của em” với mục đích tham quan, làm quen cho trẻ mầm non vào lớp 1, còn tổ chức cho giáo viên tiểu học đến tận trường mầm non để xem các cô đã dạy gì cho trẻ, trẻ đã được chuẩn bị những gì, cần thêm những điều kiện nào để khi vào lớp 1 không bỡ ngỡ, phụ huynh cũng sẽ an tâm.

Theo Khám Phá


lớp 1

giáo dục sớm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.